Thứ ba, 03/11/2020 10:55 GMT+7

Thúc đẩy nguồn cung trong thị trường khoa học công nghệ

Ngoài nguồn công nghệ trong nước từ Viện, Trường, các kênh nhập khẩu và chuyển giao nước ngoài cần được thúc đẩy, gia tăng tỷ trọng công nghệ thiết bị trong thị trường.

Việc tăng cường kết nối cung cầu, thúc đẩy chuyển giao công nghệ trên các sàn giao dịch trong thị trường khoa học công nghệ (KHCN) là trọng tâm được nhấn mạnh tại hội thảo "Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2015-2020" (chương trình 2075) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 31/10.

Đánh giá kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, sau 5 năm triển khai và thực hiện, chương trình 2075 đã nâng cao năng lực chuyển giao, hỗ trợ thúc đẩy cung cầu KHCN, thông qua các hoạt động xúc tiến thị trường công nghệ trong nước và quốc tế. Các tổ chức trung gian thúc đẩy dịch vụ (chợ công nghệ) được hình thành và phát triển. Ngoài ra, mạng lưới sàn giao dịch công nghệ cơ bản được thiết lập, nhiều sản phẩm dịch vụ khoa học công nghệ đã tăng giá trị trên thị trường.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường Doanh nghiệp, có được những kết quả trên là nhờ sự thúc đẩy kết nối giữa ba nhà gồm viện, trường- doanh nghiệp- nhà nước. Từ đó cải thiện chất lượng thị trường giao dịch, mối quan hệ cung cầu công nghệ, chuyển giao sản phẩm công nghệ mới được phát triển.
 

Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển và Thị trường Doanh nghiệp báo cáo kết quả chương trình 2075. Ảnh: NX.
 

Chuỗi phát triển thị trường KHCN phải bao gồm nghiên cứu- trung gian và chuyển giao. Trong đó, chương trình 2075 được coi là yếu tố trung gian hỗ trợ thương mại hóa các nghiên cứu trong nhà trường và của nhà khoa học.

Là đơn vị được chương trình 2075 hỗ trợ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều dự án được thương mại hóa như sản phẩm hạt gốm xốp kỹ thuật phục vụ nông nghiệp đô thị, công nghệ sản xuất bầu ươm cây theo phương pháp gieo hạt và công nghệ ứng dụng chỉ thị phân tử làm tăng số lượng con sơ sinh sống trong sản xuất giống lợn.

Thị trường KHCN là một trong 5 loại thị trường chính, trong đó, các hoạt động KHCN theo cơ chế thị trường, tạo môi trường cạnh tranh để các sản phẩm công nghệ được mua và bán thuận lợi. Bên mua là các doanh nghiệp, tập đoàn, bên bán là nhà nghiên cứu chế tạo ra công nghệ dịch vụ.

Tuy nhiên theo ông Tạ Doãn Trịnh, chuyên gia độc lập của Bộ Khoa học và Công nghệ, dù thị trường KHCN đã được định hình và phát triển, nhưng nguồn cung về các giải pháp, thiết bị dịch vụ công nghệ còn hạn chế. "Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị giao dịch công nghệ chung toàn nền kinh tế là 20,9%. Trong đó mức độ đóng góp các nghiên cứu từ viện, trường vào công nghệ chủ lực còn thấp", ông dẫn chứng.

Về vấn đề này, ông Nghiệm giải thích, nguồn cung thị trường KHCN chưa cao do các công trình nghiên cứu tại các trường được trải qua các bước sàng lọc trước khi xem xét tới khả năng thương mại. Bởi có những nghiên cứu dù có kết quả nghiệm thu tốt nhưng chưa sẵn sàng chuyển giao và có đủ điều kiện, yếu tố thị trường để doanh nghiệp, thị trường đón nhận. Nếu không sàng lọc, nghiên cứu đó có thể phải "cất tủ".

Ông cho rằng, để mối quan hệ cung cầu trong thị trường công nghệ được bền chặt, phía cung đáp ứng đầy đủ bên cầu, giai đoạn tới, các tổ chức trung gian với vai trò dẫn dắt (gồm các chợ công nghệ, sàn giao dịch) cần được nâng cao năng lực, mở rộng các sàn công nghệ địa phương. Ngoài nguồn cung trong nước, các kênh nhập khẩu và chuyển giao công nghệ nước ngoài phải được thúc đẩy để gia tăng tỷ trọng công nghệ thiết bị. Đặc biệt, các sản phẩm trong nước cần tạo điều kiện để kết nối với thị trường quốc tế, không chỉ bó hẹp tại thị trường nội địa.

Đưa ra định hướng và giải pháp phát triển KHCN đến năm 2030, ông Tạ Bá Hưng, Trưởng ban Chủ nhiệm Chương trình 2075 nhấn mạnh, việc thúc đẩy cung cầu trên sàn giao dịch công nghệ cần sớm triển khai bằng cách nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm lựa chọn. Đồng thời đáp ứng yêu cầu giảm thiểu chi phí giao dịch và minh bạch các thông tin được mua bán trên thị trường KHCN. Ngoài ra, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu tích hợp, dùng chung về thị trường KHCN gồm tài sản trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kỹ thuật.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/thuc-day-nguon-cung-trong-thi-truong-khoa-hoc-cong-nghe-4185163.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 1243

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)