Thứ ba, 21/07/2020 15:52 GMT+7

Nắn chỉnh biến dạng cột sống bệnh nhân “siêu gù”

Vừa qua, khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã nắn chỉnh thành công cột sống biến dạng “siêu gù” cho bệnh nhân L.Đ.Q (Nam, 44 tuổi, TP Bắc Ninh).

Anh Q bị bệnh viêm cột sống dính khớp (VCSDK) cách đây 23 năm và bị gù cột sống từ 15 năm. Bệnh nhân (BN) không thể nằm ngửa được suốt 10 năm nay, 3 năm nay luôn đi lại trong tư thế cúi gằm mặt xuống đất, tầm nhìn chỉ khoảng 2 mét trở lại bàn chân. BN phải chịu đựng gù cột sống trong rất nhiều năm, chất lượng sống giảm xuống nghiêm trọng. BN luôn tự ti và mặc cảm về hình thể, không lập gia đình được. Qua tìm hiểu trên mạng internet, BN tìm đến Bệnh viện 108 để điều trị.
Qua thăm khám, anh bị gù rất nặng toàn bộ cột sống, đỉnh đầu còn thấp hơn cả vùng đỉnh gù cột sống, tầm nhìn chỉ 1 - 2 mét. Không khó thở, mệt khi đi lại nhiều (200 - 300 mét). Bụng gấp hết mức, có rất nhiều nếp gấp lằn bụng, mặt cúi gần sát đất. Các khớp vai, khớp háng, khớp gối vận động bình thường.

Sau khi làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán gù toàn bộ cột sống do viêm cột sống dính khớp. Qua hình ảnh phim X-quang cho thấy góc gù toàn bộ cột sống T7L4 112 độ, khoảng cách từ đường dây rọi C7 đến đốt sống 25 cm.


  
Trước và sau phẫu thuật


BN có chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng gù cột sống. Kíp phẫu thuật do TS. BS Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương, Chỉnh hình cột sống đứng đầu đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân cố định cột sống T8-S1, cắt V xương thân đốt L4, L1, nắn chỉnh biến dạng gù và ghép xương. 

Khó khăn, thách thức nhất của ca phẫu thuật là làm sao nắn chỉnh biến dạng gù này tối đa nhất mà không để gây liệt hai chi dưới. Sau gần 9 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được nắn chỉnh biến dạng gù bằng cách phẫu thuật cắt V xương hai thân đốt L1, L4 và cố định cột sống, thay đổi tư thế bàn mổ và nép ép giữa các vít.

Diễn biến hậu phẫu trong 2 tuần thuận lợi, bệnh nhân đã hồi phục tốt, tập đi lại tốt, không liệt. Không gặp những tai biến, biến chứng kể trên. Biến dạng gù cột sống được nắn chỉnh rất tốt, bệnh nhân cao hơn 34 cm so với trước mổ. Dáng ngồi, đứng và đi lại cải thiện rõ rệt. Tầm nhìn của bệnh nhân về như người bình thường, cải thiện đáng kể so với tầm nhìn 2 mét trước phẫu thuật. BN cũng có thể nằm ngửa được. Các nếp lằn bụng (6 nếp) đều được giãn ra nhiều ngay sau mổ.

Từ những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc hình thể cột sống nói trên, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật tại những cơ sở y tế chuyên khoa bệnh nhân có thể xảy ra những tai biến, biến chứng như tổn thương thần kinh. BN có biến dạng gù rất nặng, đỉnh gù lên rất cao, ngang với đĩa đệm T12L1. Do vậy, bác sĩ đã xác định phải cắt V xương (pedicle subtraction osteotomy – PSO) ít nhất là hai vị trí thân đốt, đó là thân đốt L4 và đĩa đệm T12L1 cùng một phần xương thân đốt L1. Can thiệp vào xương thân đốt càng lên cao thì mức độ, nguy cơ gây tổn thương thần kinh càng lớn, đặc biệt là tổn thương tủy ngang T12 L1 có thể gây liệt cả hai chân, bí tiểu tiện và đại tiện. Bằng kinh nghiệm phẫu thuật hơn 20 năm qua, các bác sĩ khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống đã không để xảy ra tổn thương thần kinh nào cho bệnh nhân.

Thứ hai, có thể xảy ra nhiễm trùng và chậm liền vùng mổ. Bệnh nhân này gầy, nặng chỉ 37 kg, sờ rất rõ xương cột sống. Phẫu thuật vô cùng lớn vì bộc lộ phần mềm rộng rãi, đường mổ dài hơn 60 cm, mất nhiều máu (2000 ml máu), đặt nhiều dụng cụ nẹp vít cột sống (16 vít, 2 thanh dọc). Chính vì vậy, nguy cơ nhiễm trùng vùng mổ cao, chậm liền vết mổ. Sau mổ dễ dàng sờ thấy hệ thống nẹp vít dưới da.
Tại phòng bệnh của khoa, công tác điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân rất tốt như tập vận động sớm (trăn trở BN thường xuyên tại giường những ngày đầu sau mổ, 4 ngày sau mổ thì tập ngồi dậy. 6 ngày sau mổ thì tập đi lại), dinh dưỡng cho BN tốt (truyền đạm, huyết tương, khối hồng cầu, ăn uống sớm từ ngày thứ 2 sau mổ). Do đó, bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe nhanh chóng, mau ngồi và đi lại được, vết mổ liền kỳ đầu thuận lợi.

Thứ ba, có nguy cơ chảy máu nhiều. Thời gian cắt, đục xương, nắn chỉnh cột sống kéo dài 3 - 4 tiếng, đây là thì chảy máu chủ yếu. BN mất gần 2000 ml máu nên có nguy cơ rối loạn đông máu do truyền máu nhiều.

Thứ tư, nguy cơ không đảm bảo độ vững của dụng cụ cố định cột sống. Chất lượng xương của BN viêm cột sống dính khớp luôn luôn không được tốt. Nên độ chắc của hệ thống vít cố định các đốt sống và khả năng liền xương sau ghép xương sẽ không được như tốt nhất. Có thể nảy sinh vấn đề lỏng vít và không đạt được mục tiêu nắn chỉnh.

Đây là trường hợp bị gù toàn bộ cột sống do bệnh lý viêm cột sống dính khớp mức độ biến dạng nặng nhất từ trước đến nay. Việc lập kế hoạch phẫu thuật cũng rất khó quyết định, đặc biệt là tính toán vị trí cắt V xương thân đốt qua cuống, số lượng xương cần cắt để đạt được hiệu quả nắn chỉnh tốt nhất trong khi vẫn đảm bảo được việc hạn chế nguy cơ tổn thương thần kinh.

Sự thành công của phẫu thuật do nhiều yếu tố: Sự chuẩn bị chu đáo trước mổ, sự quyết tâm của người bệnh và gia đình, sự phối hợp ăn ý của kíp phẫu thuật. Ngoài ra, có rất nhiều thách thức, khó khăn trong ca phẫu thuật như đã kể trên. Kết quả cuối cùng thật ấn tượng, BN hồi phục nhanh, có thể nói kết quả điều trị vượt quá sự mong đợi của kíp phẫu thuật, không để xảy ra tai biến, biến chứng.

Bệnh VCSDK là bệnh lý viêm mạn tính kéo dài đặc trưng bởi tình trạng đau và cứng cột sống tiến triển. Nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ hoàn toàn. Có hai đặc điểm chính là hiện tượng viêm và xơ hóa, canxi hóa các dây chằng, bao khớp (đặc biệt tại vị trí cột sống), các điểm bám gân. Gù cột sống là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh như: Gù cột sống nặng làm ảnh hưởng thẩm mỹ và hạn chế chức năng hô hấp, đau thắt lưng do mất vững cột sống./.

Link: http://banthiduakhenthuongtw.gov.vn/noi-dung/7353/Nan-chinh-bien-dang-cot-song-benh-nhan-%E2%80%9Csieu-gu%E2%80%9D

Nguồn: Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương

Lượt xem: 2282

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)