Thứ năm, 12/12/2019 07:32 GMT+7

Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 22

Trong 02 ngày từ 05-06/12/2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM), Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư Tp. HCM và Bệnh viện K tổ chức Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 22. GS.BS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã chủ trì Hội thảo. Trước thời gian tổ chức chính thức Hội thảo, vào ngày 04/12/2019, Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM đã tổ chức Hội thảo tập huấn tiền ung thư dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, bác sỹ về ung thư trong và ngoài nước.

Lễ khai mạc Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Tp. HCM lần thứ 22.
 

Tham dự Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Tp. HCM lần thứ 22 có GS. Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, TS. BS. Phạm Xuân Dũng - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM – Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, PGS. TS. Vương Hữu Tấn – Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam và trên 1500 đại biểu đến từ các tỉnh/thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa..., các đơn vị y tế lớn trên cả nước, các trường Đại học y khoa, các công ty dược và trang thiết bị y tế và các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. BS. Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Tp. HCM cho biết ung thư vẫn là vẫn đề y tế nan giải của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, ung thư được ghi nhận là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu, tiếp tục là gánh nặng cho các gia đình, xã hội và hệ thống y tế trong nước. Tại Tp.HCM, sự gia tăng bệnh ung thư là khoảng 9%/năm: nếu năm 2010 Thành phố chỉ ghi nhận khoảng 6.800 ca ung thư mới thì đến giai đoạn 2015 -2017 đã tăng trên 9000 ca/năm. Trong thời gian qua, cả nước đã có thêm nhiều bệnh viện có khoa và trung tâm điều trị ung thư nhưng Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM vẫn phải tiếp nhận số lượng bệnh nhân ung thư tới điều trị tăng khoảng 10%/năm. Theo TS. Phạm Xuân Dũng, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống lại ung thư. Các kỹ thuật chẩn đoán đã không chỉ là chẩn đoán bằng hình thái học mà còn cho biết về đặc điểm sinh học của bướu; các xét nghiệm mới về miễn dịch, giải trình tự gen cũng đã được thực hiện tại Việt Nam; hình ảnh học và các kỹ thuật mới đã giúp chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo bước đầu được nghiên cứu và áp dụng trong hỗ trợ ra quyết định điều trị tại một số bệnh viện. Việc chẩn đoán và ra quyết định điều trị cho bệnh nhân ung thư được cá thể hóa, chính xác hơn, mang lại kết quả tích cực trong điều trị. Các phương pháp điều trị không những làm tăng hiệu quả điều trị mà còn hướng đến giảm độc tính, giảm di chứng do điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ được chức năng sinh học và yếu tố thẩm mỹ cho bệnh nhân.

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2018 cả nước có gần 115.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư và gần 165.000 ca mắc mới tập trung ở 5 loại ung thư chính là ung thư gan (15,4%), phổi (14,4%), dạ dày (10,6%), vú (9,2%) và ung thư đại trực tràng (8,9%). Tính đến cuối năm 2018, tổng số người đang mắc ung thư tại Việt Nam là trên 300.000 người. Tại Phiên khai mạc Hội thảo, GS. BS. Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam đã có báo cáo chuyên đề về "Ngăn đại dịch viêm gan, ngừa đại họa ung thư gan" do đây hiện là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở nước ta. Theo GS. Nguyễn Chấn Hùng, trong thập niên tới, lây nhiễm virus HBV, HCV vẫn còn xảy ra và là nguyên nhân chính của ung thư gan trên toàn cầu. Hiện nay, con người đang tập trung ứng phó với sự lan tràn của đại dịch viêm gan virus nhưng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có những vẫn đề chưa giải quyết được như chưa có vắc xin phòng ngừa viêm gan virus HCV,... .

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ và kết quả tích cực trên cả 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang. Các kỹ thuật xạ hình tiên tiến của thế giới đã trở thành thường quy ở Việt Nam hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị ung thư. Cả nước có khoảng 40 cơ sở y học hạt nhân, được trang bị trên 50 thiết bị xạ hình bao gồm trên 40 máy SPECT, SPECT/CT, 12 máy PET/CT; 5 trung tâm cyclotron sản xuất đồng vị phóng xạ cho xạ hình PET/CT. Cả nước hiện có khoảng 40 trung tâm xạ trị có trang bị gần 80 máy xạ trị, trong đó có khoảng 60 máy xạ trị gia tốc. Nhiều trung tâm ung thư lớn đã được trang bị các thiết bị xạ trị hiện đại nhất thế giới như máy xạ trị - xạ phẫu Truebeam STx, Infinity Elekta, Versa HD… Hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ y bác sỹ, kỹ sư y vật lý có trình độ cao đã tạo điều kiện triển khai các phương pháp điều trị ung thư tiên tiến ngay tại Việt Nam như SBRT, IMRT, IGRT… Hiện nay Cục Năng lượng nguyên tử đang chủ trì nghiên cứu xây dựng bản đồ ứng dụng công nghệ xạ trị, lộ trình phát triển công nghệ xạ trị ở Việt Nam. Cục NLNT cũng đang hợp tác với các cơ quan của các bộ, ngành liên quan xây dựng Quy hoạch phát triển ứng dụng NLNT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực y tế giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
 

Báo cáo poster đạt giải nhất tại Hội thảo.
 

Hội thảo hàng năm phòng chống ung thư Tp. HCM là sự kiện luôn thu hút sự quan tâm của ngành ung thư cả nước và là diễn đàn uy tín để các chuyên gia, bác sỹ chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, tiến bộ y học trong kiểm soát căn bệnh này. Tại Hội thảo lần thứ 22 đã có 21 phiên hội thảo chuyên đề và 6 phiên hội thảo vệ tinh, tập trung vào 04 chủ đề chính: (1) Dịch tễ học, tầm soát, phát hiện sớm ung thư; (2) Tổng quát, phổi-lồng ngực, tiêu hóa, ung bướu nhi-niệu dục; (3) Tuyến vú, phụ khoa, huyết học, đầu cổ và (4) Giải phẫu bệnh, chăm sóc giảm nhẹ, điều dưỡng, kỹ thuật phóng xạ. Bên cạnh đó còn diễn ra triển lãm báo cáo poster về 21 đề tài, Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn và trao 7 giải thưởng cho các poster đạt giải nhất, nhì, ba và khuyến khích. Cũng trong dịp này, UBND Tp. HCM đã trao tặng “Huy hiệu Thành phố” cho PGS.TS. Eric Lewis Krakauer - Giám đốc chương trình Chăm sóc giảm nhẹ toàn cầu, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) do có nhiều đóng góp và hỗ trợ chuyên môn trong hoạt động Chăm sóc giảm nhẹ tại Tp. Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử

Lượt xem: 3203

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)