Thứ sáu, 01/08/2014 11:19 GMT+7

Bảo hộ nhãn hiệu màu ở Việt Nam và nước ngoài

Nhãn hiệu màu sắc được coi là nhãn hiệu thuộc nhóm phi truyền thống. Nhãn hiệu màu có thể chứa một màu duy nhất hoặc kết hợp màu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau.

Hiệp định TRIPs của WTO quy định nhãn hiệu có thể là bất kỳ một dấu hiệu hoặc tổ hợp dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Các dấu hiệu đó có thể là hình, chữ, tổ hợp màu sắc hoặc kết hợp các dấu hiệu đó.

Quy định về bảo hộ nhãn hiệu màu được ghi nhận trong luật pháp của hầu hết các quốc gia, nhưng việc đăng ký bảo hộ chúng ở từng quốc gia vẫn có các khác biệt.

Bảo hộ nhãn hiệu màu ở Việt Nam

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) tại Điều 72 quy định một nhãn hiệu được bảo hộ là dấu hiệu nhìn thấy dưới dạng hình, chữ, ba chiều hoặc kết hợp được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.

Như vậy có thể thấy quy định pháp luật của Việt Nam chấp nhận việc bảo hộ nhãn hiệu màu theo quy định của TRIPs và trong thực tế Việt Nam đã chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu dạng này từ lâu, ngay từ khi ra đời những văn bản pháp lý bảo hộ nhãn hiệu đầu tiên của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều lệ về Nhãn hiệu hàng hóa – năm 1982). Tuy vậy, phạm vi bảo hộ nhãn hiệu màu theo quy định hiện hành cũng như trong thực tế đến nay là:

i) Một nhãn hiệu màu được bảo hộ chỉ khi nó là một dấu hiệu hình, chữ, ba chiều hoặc kết hợp được thể hiện bằng một hoặc một tập hợp màu.

ii) Một màu duy nhất hoặc một tập hợp màu không tạo thành một dấu hiệu xác định thì không được bảo hộ như một nhãn hiệu.

Từ trước đến nay nhiều công ty trong nước và nước ngoài đã nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam các nhãn hiệu chỉ là một màu hoặc kết hợp màu đặc trưng riêng dùng để phân biệt hàng hóa và hoạt động kinh doanh của mình trên thị trường. Màu sắc đó dùng để quảng cáo, bao gói hàng hóa, dùng làm nền cho các sự kiện, hoặc sơn phết các cửa hàng của công ty hay màu trang phục nhân viên… ví dụ:

- Màu xanh ngọc và vàng sáng của Hãng đầu khí BP

- Màu tím hoa cà của Hãng sô cô la Milka

- Màu nâu đỏ cho sản phẩm cà phê Trung Nguyên

Tuy nhiên các màu nói trên đều bị từ chối bảo hộ với tư cách một nhãn hiệu riêng biệt.

Trường hợp cụ thể:

Hãng thuốc lá Dunhill (UK) xin đăng ký tại Việt Nam nhãn hiệu là màu đỏ bầm của bao thuốc lá được bán rộng rãi trên thị trường nhiều nước. Nhãn hiệu trên bị từ chối đăng ký bởi các lý do sau:

- Chỉ bản thân màu sắc không thể được coi là một dấu hiệu.

- Số màu sắc tự nhiên là giới hạn, nên không thể tạo độc quyền cho một chủ thể sử dụng một màu mà loại trừ quyền của người khác cùng sử dụng màu đó.

Công ty Dunhill đã khiếu nại và đưa ra các chứng cứ chứng minh màu trên đã được hãng sử dụng rộng rãi cho sản phẩm thuốc lá của mình nhiều thập kỷ qua tại nhiều quốc gia trên thế giới, do đó đã đạt được một khả năng phân biệt xác định. Tuy nhiên, cơ quan sở hữu trí tuệ vẫn giữ nguyên quyết định của mình.

Do đó, để được bảo hộ màu trên, Công ty Dunhill đã xin bảo hộ nhãn hiệu phức hợp là hình chữ nhật có chữ DUNHILL trên nền màu đỏ bầm đặc trưng của hãng. Nhãn hiệu trên được chấp nhận bảo hộ do thỏa mãn tiêu chuẩn: là dấu hiệu hình và chữ được thể hiện bằng một kết hợp màu sắc.



Nhãn hiệu được chấp nhận đăng ký tại Việt Nam của Dunhill

Bảo hộ nhãn hiệu màu ở nước ngoài

Việc bảo hộ nhãn hiệu màu ở nước ngoài cũng không đơn giản. Ngoài việc bảo hộ nhãn hiệu như một dấu hiệu được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc, giống như tại Việt Nam, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ là màu sắc cũng không dễ dàng. Chúng ta sẽ xem xét một số trường hợp sau đây:

* Năm 2004 Công ty Cadbury UK Ltd. nộp đơn đăng ký tại Anh nhãn hiệu màu sắc cho các sản phẩm kẹo sô cô la (nhóm 29).

Nhãn hiệu đơn giản chỉ là một màu tía (pantone 2685C) trải rộng



Nhãn hiệu kết hợp của Cadbury


Nhãn hiệu chỉ màu tía của Cadbury


Thẩm định viên Cục Sở hữu trí tuệ Anh đã từ chối việc bảo hộ nhãn hiệu trên với lý do: nhãn hiệu xin đăng ký không có khả năng phân biệt.

Tuy nhiên, sau khi Công ty Cadbury nộp chứng cứ chứng minh dấu hiệu đạt được tính phân biệt qua sử dụng (distinctiveness acquainted) từ năm 1914 (lấy màu mà Nữ hoàng Anh yêu thích), đơn đăng ký đã được chấp nhận và Công bố trên Công báo nhãn hiệu 5/2008.

Tháng 8/2008 Công ty Nestlé (Thụy Sĩ) đã nộp đơn phản đối việc đăng ký nhãn hiệu nêu trên với các lí do: i) màu xin đăng ký không có tính phân biệt, ii) không phải là một dấu hiệu.

Cục Sở hữu trí tuệ Anh không chấp nhận đơn phản đối của Nestlé và vẫn giữ nguyên quyết định cấp đăng ký cho nhãn hiệu của Cadbury.

Nestlé tiếp tục kiện lên Tòa án Tối cao Anh tại London, tuy nhiên, ngày 01/10/2012 Tòa Tối cao đã ra phán quyết giữ nguyên hiệu lực đăng ký nhãn hiệu của Cadbury.

Không dừng ở đó, Nestlé tiếp tục kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm và họ đã thắng trong trận chiến cuối cùng này. Tháng 12/2013, Tòa Phúc thẩm Anh quốc đã ra phán quyết phủ nhận khả năng đăng ký nhãn hiệu màu tía của Công ty Cadbury. Cả ba thẩm phán của Tòa đều cho rằng: Dấu hiệu của Cadbury không đáp ứng các yêu cầu để được đăng ký là một nhãn hiệu.

* Trường hợp đăng ký nhãn hiệu màu của Milka tại Ba Lan

Việc đăng ký nhãn hiệu đơn màu tại Ba Lan cũng là vấn đề được tranh cãi trong nhiều năm. Và mãi cho đến nay Cục Patent Ba Lan mới chỉ cấp đăng ký duy nhất cho một nhãn hiệu đơn màu, là màu tím hoa cà (lilac) của sản phẩm sô cô la nổi tiếng Milka. Quyết định đăng ký nhãn hiệu này được đưa ra sau nhiều năm tranh cãi giữa hãng sản xuất sô cô la Milka và nhà sản xuất sô cô la nổi tiếng Anpin Gold Chocolate (Thụy Sĩ). Việc chấp nhận đăng ký được thông qua sau nhiều cấp xét xử trên cơ sở: Hãng Milka đã sử dụng màu tím hoa cà một cách liên tục, lâu dài và nhất quán cho sản phẩm sô cô la, cùng với các chiến dịch quảng cáo mạnh mẽ đã làm cho màu này đạt được ý nghĩa thứ hai (secondary meaning). Do đó, màu đặc trưng này đã trở thành chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm của Milka.



Nhãn hiệu kết hợp của Milka



Nhãn hiệu màu lilac (tím hoa cà) của Milka

Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, chính nhãn hiệu màu tím nói trên của Milka lại bị Cục Patent Achentina từ chối cấp đăng ký bảo hộ trên lãnh thổ quốc gia này. Điều đó giúp các đối thủ cạnh tranh thoải mái sử dụng màu tím hoa cà trên sản phẩm sô cô la của mình để chống lại chính Milka.

Lượt xem: 2622

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)