Thứ ba, 01/10/2019 11:09 GMT+7

Hội thảo về “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý” trong khuôn khổ Dự án ARISE+IPR

Ngày 20/9/2019, trong khuôn khổ Dự án ARISE+IPR của Liên minh Châu Âu hỗ trợ khu vực hội nhập ASEAN, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Dự án tổ chức Hội thảo về “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý” tại Hà Nội.

Đến dự Hội thảo có khoảng 70 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý (CDĐL), các doanh nghiệp xuất khẩu… Phía Cục Sở hữu trí tuệ có sự hiện diện của Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng, Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn; về phía Dự án ARISE+IPR có Ông Carsten Schittek - Trưởng ban Kinh tế và Thương mại Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam, Bà Carotina Pitarch - Phó Giám đốc Dự Án ARISE+IPR và Ông Denis Sautier Chuyên gia về CDĐL đến từ Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ Công nghiệp (CIRAS).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định: CDĐL đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt ở quốc gia có nhiều sản phẩm nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa khai thác hết được những tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình. Hiện số lượng CDĐL của Việt Nam đã đăng ký ở trong nước còn ít và cũng chưa nhiều CDĐL của Việt Nam được đăng ký ra nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn khi đưa ra thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Một số nguyên nhân có thể thấy là chúng ta còn chưa có nhận thức đầy đủ về việc đăng ký bảo hộ CDĐL (trong và ngoài nước), chưa quảng bá mạnh mẽ sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
 


Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia của Dự án chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo hộ và quảng bá CDĐL, cơ chế duy trì và kiểm  soát CDĐL và những thời cơ và thách thức đối với các sản phẩm mang CDĐL trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh Châu Âu ký kết Hiệp định thương mại tự do... Cục Sở hữu trí tuệ cũng chia sẻ về thực trạng bảo hộ, thương mại hóa sản phẩm mang CDĐL của Việt Nam trong thời gian qua.

Hội thảo cũng nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu về bảo hộ, khai thác, quảng bá sản phẩm, duy trì và kiểm soát CDĐL và chia sẻ những vấn đề thực tiễn của các địa phương. Các đại biểu cũng được thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm mang CDĐL từ các địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến như: chè Thái Nguyên, gạo Khẩu Mang (Hà Giang), chè Shan Tuyết (Hà Giang), mật ong Bạc Hà Hà Giang, nón lá Huế...
 

 


Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm
 


Các chuyên gia tham dự hội thảo

Có thể đánh giá, Hội thảo bảo hộ CDĐL đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường công tác tuyên truyền của Cục Sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về bảo hộ CDĐL, đặc biệt là sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp trong việc bảo hộ, khai thác thương mại hóa các sản phẩm mang CDĐL mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 1751

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)