Thứ tư, 25/09/2019 14:29 GMT+7

Tiếp nhận và làm chủ công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên Quốc gia

Tiếp nhận thành công bộ mô hình WEHY-HCM và các công nghệ do Trung tâm Thủy văn California (CHRL) Đại học UC Davis, Hoa Kỳ chuyển giao; làm chủ các công nghệ hiện đại và đã tính toán khôi phục toàn bộ chuỗi số liệu Mưa và Dòng chảy cho lưu vực cho lưu vực Đà – Thao từ 1900-2016; mô phỏng diễn biến các điều kiện khí tượng thủy văn trên lưu vực trong tương lai từ 2019-2100;…

Đó là những kết quả chủ yếu của tiểu dự án “Tiếp thu công nghệ tính toán mưa, lũ lớn cho các lưu vực sông liên Quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc – Áp dụng thử nghiệm cho lưu vực sông Đà – Thao” do Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển phối hợp với Trung tâm Thủy văn California (CHRL) - Đại học UC Davis, Hoa Kỳ thực hiện từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019. Tiểu dự án thuộc Hợp phần 1.a – Khoản tài trợ cho các chuyên gia giỏi nước ngoài về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thuộc Dự án Đẩy mạnh Đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN – FIRST, do Ngân hàng Thế giới tài trợ và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
 

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Tại Hội thảo tổng kết tiểu dự án, sáng ngày 24/9/2019, TS. Hồ Việt Cường – Chủ nhiệm tiểu dự án cho biết, tiểu dự án hướng đến mục tiêu tiếp thu và làm chủ được công nghệ tính toán mô phỏng mưa - lũ lớn cho các lưu vực sông liên Quốc gia trong điều kiện hạn chế hoặc không có dữ liệu đo đạc. Qua đó góp phần nâng cao năng lực tính toán khí tượng, thủy văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chuyên gia trong lĩnh vực thủy văn tài nguyên nước của Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Triển khai tiểu dự án nói trên, nhóm chuyên gia của CHRL đã thường xuyên sang Việt Nam trao đổi, tập huấn và chuyển giao công nghệ của UC Davis – Hoa Kỳ cho các chuyên gia của Việt Nam với mong muốn giúp Việt Nam chủ động dữ liệu, từ đó tính toán dự báo thiên tai, khí tượng thủy văn trong tương lai, dưới tác động của biến đổi khí hậu. Hai đơn vị đã nghiên cứu lựa chọn cấu hình thích hợp của mô hình WEHY-HCM để mô phỏng mưa, lũ lớn cho lưu vực sông Đà - Thao (bao gồm cả phần lưu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc); Tổ chức công tác đi điều tra, thu thập các thông tin dữ liệu về điều kiện tự nhiên (địa hình, thảm phủ, mạng lưới sông suối…), số liệu dân sinh kinh tế xã hội trên lưu vực, tình hình thiên tai lũ lụt…; Tổ chức các chuyến đi thực địa và khảo sát các hồ chứa lớn điều tiết dòng chảy ở thượng nguồn lưu vực sông Đà – Thao;…

Đến nay, tiểu dự án đã hoàn thành các mục tiêu, kết quả đặt ra. Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển đã tiếp nhận thành công bộ mô hình WEHY-HCM và các công nghệ do CHRL-Hoa Kỳ chuyển giao. Tổ chức đào tạo và tập huấn sử dụng mô hình trong tính toán mô phỏng khí tượng thủy văn trên lưu vực sông. Đồng thời, đã tính toán khôi phục toàn bộ chuỗi số liệu Mưa và Dòng chảy cho lưu vực cho lưu vực sông Đà – Thao từ 1900-2016. Mô phỏng diễn biến các điều kiện khí tượng thủy văn trên lưu vực trong tương lai trong giai đoạn 2019 - 2100 theo các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5.

Nhóm thực hiện cũng đã xây dựng được báo cáo nghiên cứu về diễn biến mưa, lũ lớn trên lưu vực sông Đà - Thao trong quá khứ và dự báo diễn biến trong tương lai. Phân tích, đánh giá ảnh hưởng tác động của mưa - lũ đến điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội trên lưu vực.

Tiểu dự án đã công bố 2 bài báo quốc tế trên Tạp chí ISI - Science of the Total Environment, 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước; đăng ký 01 giải pháp hữu ích “Phương pháp tính toán khôi phục chuỗi số liệu cho lưu vực sông trong điều kiện hạn chế hoặc không có số liệu đo đạc” - Quyết định số 70350/QĐSHTT ngày 23/8/2019 về việc chấp nhận đơn hợp lệ.
 

Ông Tạ Bá Hưng – Cán bộ phụ trách Hợp phần 1.a, Dự án FIRST phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Bá Hưng – Cán bộ phụ trách Hợp phần 1.a, Dự án FIRST cho rằng, mục tiêu của Hợp phần 1.a – Dự án FIRST là là thu hút, khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia giỏi nước ngoài, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức khoa học, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong nước để triển khai thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo chuyển giao tri thức. Thông qua việc thực hiện tiểu dự án nói trên, các chuyên gia của Việt Nam đã tiếp nhận và làm chủ được công nghệ mới. Điều đó đã góp phần vào thành công chung của Dự án FISRT. “Mong rằng từ việc làm chủ công nghệ được chuyển giao, các chuyên gia sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền thông để nhiều đơn vị có thể tiếp cận, vận dụng sáng tạo mô hình tính toán khí tượng thủy văn kết hợp WEHY-HCM của CHRL-Hoa Kỳ để nâng cao khả năng tính toán khôi phục và dự báo xu thế diễn biến mưa, lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Tạ Bá Hưng nhấn mạnh.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 1808

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)