Thứ sáu, 26/04/2019 23:15 GMT+7

Đồng bằng sông Hồng: Khoa học giải bài toán nông nghiệp công nghệ cao

Thông điệp được Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc nhấn mạnh khi phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Hồng” được tổ chức tại Hải Dương sáng 26/4 do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương.

Tham dự Hội thảo còn có ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Lương Văn Cầu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; Lãnh đạo các Sở KH&CN thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH); đại diện một số Sở KH&CN, Sở NN&PTNN trên cả nước cùng đông đảo các nhà khoa học và trên 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC).

 Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều khẳng định, các giải pháp về cơ chế chính sách, về đầu tư và đặc biệt là về ứng dụng KH&CN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất khép kín của ngành nông nghiệp hiện nay.
 

Toàn cảnh Hội thảo

Hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Những năm gần đây, vùng ĐBSH trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm với nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng quy trình CNC tạo ra chuỗi cung ứng, cho ra đời những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu. 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là chìa khoá giúp vùng ĐBSH tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC thành công như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Công ty Dabaco (Bắc Ninh), Công ty Thái Dương, Công ty Marphavet, Công ty CP Thủy sản Trung Sơn…

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, trên những “bờ xôi ruộng mật” chuyên trồng lúa trước đây ở các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh… đã hình thành các cánh đồng ứng dụng CNC, cho ra đời những sản phẩm sạch, chất lượng cao, tạo doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Bắc Ninh là một trong nhiều địa phương vùng ĐBSH thành công khi đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, gắn với các sản phẩm chủ lực. Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành một số vùng sản xuất như: quy hoạch 450 ha tại các huyện Lương Tài và Gia Bình trồng cà rốt và cho đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung; 50 ha tại huyện Thuận Thành quy hoạch thành vùng trồng rau an toàn.

Vùng ĐBSH cũng được biết đến với các mô hình sản xuất ứng dụng CNC như mô hình trồng các giống dưa thơm Kim hoàng hậu, Kim Cô Lương, Kim Vương nhập khẩu được sản xuất trong nhà lưới, nhà màn quy mô nông hộ, trồng trên giá thể; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân tự động của Israel; áp dụng công thức dinh dưỡng thủy canh, cung cấp theo nhu cầu của cây trồng; quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng nhiều các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. Những mô hình này cho năng suất đạt 45 - 50 tấn/ha, giá bán 18.000 - 20.000 đồng/kg, cho doanh thu từ 810 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Những mô hình này đang được mở rộng và phát triển tốt tại Hải Dương, Hải Phòng... bởi quy mô nông hộ, dễ áp dụng, khả năng thành công và hiệu quả kinh tế cao.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, CNC được các địa phương và doanh nghiệp ứng dụng rộng rãi. CNC được ứng dụng rất đa dạng trong việc chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường….

Trong lĩnh vực thủy sản, CNC được ứng dụng chủ yếu trong nuôi thủy sản bao gồm công nghệ nuôi thâm canh, công nghệ bioflock, công nghệ lọc nước tuần hoàn, công nghệ sông trong ao. Tiêu biểu như mô hình “nuôi thâm canh cá chép V1 trong ao tại các huyện Yên Mỹ và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên”. Dự án có quy mô 1,5 ha ao nuôi được cải tạo phù hợp để nuôi thâm canh năng suất cao, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tối thiểu chi phí năng lượng và chi phí thức ăn, tối đa hóa sự sinh trưởng. Với mật độ thả 01 con/m2, sau 12 tháng nuôi, cá thương phẩm đạt kích cỡ cá thu hoạch từ 1,5 - 1,8 kg/con.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các Sở KH&CN, một số trường đại học và doanh nghiệp đã khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng tích hợp các công nghệ, số hóa kết nối Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới; tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản trị... Đặc biệt, việc ứng dụng CNC, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hoá; thúc đẩy sản xuất theo chuỗi liên kết trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, ứng dụng CNC trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hoá, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, góp phần phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững.

Hiện nay, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC phần lớn do các tập đoàn, công ty có năng lực tài chính thực hiện. Tập đoàn Hòa Phát chính thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2015 và định hướng phát triển theo chuỗi 3F (Farm-Feed-Food), thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc ngay từ đầu để đạt hiệu quả cao nhất. Hòa Phát đang triển khai hai công đoạn đầu của chuỗi này là sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi. Tập đoàn đã thực hiện một số mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và gia cầm tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có một số tỉnh thuộc vùng ĐBSH. Trong đó phải kể đến trại nuôi bò ứng dụng CNC do Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) đầu tư với quy mô lớn nhất tỉnh Thái Bình (công suất nuôi 7.000 con).

VinEco cũng nổi tiếng là doanh nghiệp rất thành công khi đầu tư mạnh cho ứng dụng CNC trong trồng rau an toàn. Cuối năm 2015, VinEco chính thức ra mắt thị trường lô rau sạch đầu tiên, khởi động chương trình đầu tư vào nông nghiệp của Tập đoàn Vingroup. Với quyết tâm cao và đầu tư mạnh, chỉ sau hai năm, VinEco đã xây dựng và mở rộng 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước. Các nông trường được quy hoạch thiết kế khoa học gồm khu sản xuất, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói tự động, khu bảo quản với tổng diện tích sản xuất gần 3.000 ha. Các nông trường VinEco còn tiên phong đưa công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam. Điển hình là công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản), công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (I-xra-en), công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen. Để nâng cao hiệu quả kinh doanh, VnEco đã đầu tư nhằm hoàn chỉnh chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến phân phối thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+, đảm bảo đưa sản phẩm rau an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên không chỉ có những tập đoàn hay doanh nghiệp lớn mới đầu tư cho nông nghiệp mà cũng có các doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này. Công ty TNHH Xuất khẩu Kinoko Thanh Cao, tuy quy mô không lớn nhưng với định hướng và động viên của Bộ KH&CN, đã mạnh dạn đầu tư nhập dây chuyền hiện đại của Nhật Bản và chọn sản phẩm nấm kim châm là sản phẩm chủ lực. Sau nhiều năm hoạt động, với nỗ lực trong việc ứng dụng CNC, công ty đã thành công khi thu hẹp diện tích nuôi trồng nấm từ 30 ha ban đầu xuống 3.000m2 nhưng doanh thu tăng gấp hơn 10 lần. Hiện nay, công ty sản xuất khoảng 1,5-2 tấn nấm kim châm mỗi ngày, phân phối tại hệ thống siêu thị lớn và các cửa hàng sản phẩm sạch. Năm 2018, công ty đạt doanh thu 17 tỷ đồng.

KH&CN thực sự là chìa khóa phát triển nông nghiệp Việt Nam

Từ những mô hình nông nghiệp áp dụng CNC của các doanh nghiệp cho thấy, khoa học thực sự là chìa khóa để phát triển nông nghiệp. Để nhân rộng những mô hình này, ngoài sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước và chính quyền các cấp trong tháo gỡ khó khăn về tích tụ đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng, ĐBSH là vùng nông nghiệp trọng điểm của các tỉnh phía Bắc, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi có giá trị phục vụ nội tiêu và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản cho các vùng sản xuất nông nghiệp tại đây, nhằm đối phó với sự thiếu hụt nguồn tài nguyên tự nhiên (đất, nước), thiếu hụt nguồn lực lao động, giảm thiểu những mô hình sản xuất nhỏ, manh mún.

Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là chìa khoá giúp ĐBSH tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các khu nông nghiệp ứng dụng CNC cần đóng vai trò “đầu tàu”, mở đường cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại. Cùng với đó, xây dựng được các quy trình CNC, cho ra những sản phẩm chất lượng với quy mô sản xuất lớn, tạo ra chuỗi cung ứng đáp ứng được ba yêu cầu: kỹ thuật, chức năng và dịch vụ.
 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh:Cần phải tổ chức lại sản xuất, phát triển đa dạng tùy theo từng sản phẩm, công nghệ và đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh, ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn thách thức như các mô hình ứng dụng CNC còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, chưa giảm được nhiều ảnh hưởng của các yếu tố biến đổi khí hậu. Do đó, trong thời gian tới, cần phải tổ chức lại sản xuất, phát triển đa dạng tùy theo từng sản phẩm, công nghệ và đặc biệt là tăng cường sự vào cuộc của các doanh nghiệp đầu tư, trong đó có doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân.
 


Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định:Để đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp vùng ĐBSH, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực KH&CN”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Để đẩy mạnh ứng dụng CNC trong nông nghiệp vùng ĐBSH, cần tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực KH&CN, chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ tiếp thu và ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp cho người dân, nhất là kiến thức về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Một số đại biểu cũng đề xuất các giải pháp về KH&CN như: Ưu tiên một số nhiệm vụ KH&CN để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại vùng ĐBSH được đánh giá là khả thi; Tiến hành một số nghiên cứu để đánh giá việc ứng dụng, chuyển các công nghệ cao của các nước và Việt Nam cho phù hợp với vùng; Đẩy mạnh đưa KH&CN phát triển nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp ứng CNC, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị tập trung vào các mặt hàng chủ lực xuất khẩu có lợi thế của vùng và địa phương.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc thăm quan các gian hàng giới thiệu một số sản phẩm của các địa phương trong vùng.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6559

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)