Thứ sáu, 19/04/2019 17:15 GMT+7

Nghiên cứu xác lập các kiểu nguồn gốc thành tạo quặng Volfram ở Việt Nam

Khoáng hóa volfram ở nước ta được phát hiện ở khá nhiều nơi, phân bố ở nhiều đới cấu trúc khác nhau, mối liên quan của chúng với hoạt động magma khá rõ ràng. Nhiều mỏ, điểm quặng volfram đã được tìm kiếm, thăm dò và khai thác góp phần phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay việc dự báo, điều tra nguồn tài nguyên khoáng sản này vẫn còn nhiều hạn chế.


Việc triển khai Đề tài nêu trên với các kết quả đạt được sẽ góp phần giải quyết những tồn tại về nghiên cứu địa chất khoáng sản volfram ở nước ta từ trước đến nay. Bên cạnh đó  tạo cơ sở khoa học quan trọng giúp cho việc dự báo, đánh giá tài nguyên khoáng sản volfram, cũng như định hướng cho công tác tìm kiếm thăm dò loại hình khoáng sản này ở nước ta một cách hiệu quả hơn, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học địa chất và khoáng sản do TS. Nguyễn Văn Nam dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác lập các kiểu nguồn gốc thành tạo quặng Volfram ở Việt Nam” trong thời gian từ 2013-2015.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác lập các kiểu nguồn gốc thành tạo quặng volfram ở Việt Nam, phục vụ cho công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tiềm năng, triển vọng khoáng sản volfram ở Việt Nam.

Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:

- Các kiểu nguồn gốc thành tạo quặng volfram ở Việt Nam bao gồm kiểu thành tạo quặng nội sinh là greisen - nhiệt dịch, skarn và kiểu thành tạo quặng ngoại sinh (sa khoáng).

- Nguồn sinh quặng volfram và một số khoáng sản khác có giá trị đi kèm ở Việt Nam chủ yếu là các thành tạo magma xâm nhập granit kiểu S, tuổi Kreta muộn. Trong đó, ở các khu vực Núi Pháo - Đại Từ - Thái Nguyên; Thiện Kế - Sơn Dương- Tuyên Quang, magma sinh quặng volfram là các thành tạo xâm nhập granit phức hệ Pia Oắc (tương ứng là các khối granit Đá Liền và khối Thiện Kế); ở khu vực đới Đà Lạt nói chung và khu vực Đồi Cờ - Mé Pu - Đức Linh - Bình Thuận nói riêng, magma sinh quặng volfram là các thành tạo xâm nhập granit phức hệ Ankroet (khu vực Đồi Cơ là khối - khối granit Đồi Cờ). Khoáng hóa volfram ở các khu vực nhƣ Quảng Nam, Đà Nẵng có thể liên quan với granit khối Bà Nà; khu vực Bù Me - Thanh Hóa có thể liên quan với granit phức hệ Bản Chiềng; khu vực Bắc Kạn có thể liên quan với granit phức hệ Phia Bioc...

- Các thành tạo quặng volfram nguồn gốc greisen - nhiệt dịch ở Việt Nam phổ biến hơn các thành tạo quặng volfram nguồn gốc skarn, chúng phân bố ở khá nhiều nơi. Thân quặng thường có dạng mạch, hệ mạch và dạng thấu kính, xâm tán hoặc lấp đầy các khe nứt, hệ khe nứt và phát triển kéo dài không liên tục tại các đới, rìa tiếp xúc giữa magma xâm nhập granit với các đá vây quanh hoặc trên vòm các khối xâm nhập granit (kiểu greisen trên vòm đỉnh khối granit), ít hơn trong các đá vây quanh là trầm tích lục nguyên hoặc trầm tích phun trào (ryolit). Biến đổi đá vây quanh các thân quặng chủ yếu là greisen hóa, thạch anh hóa, muscovit hóa, tourmalin hóa, microclin hóa và sericit hóa... Khoáng vật quặng chủ yếu là volframit đượcthành tạo chủ yếu trong hai giai đoạn: Giai đoạn thạch anh – volframit (casiterit, molipdenit...) thành tạo trong khoảng nhiệt độ từ trên 410oC đến khoảng 300oC; Giai đoạn thạch anh - volframit - sulfur thành tạo trong khoảng nhiệt độ 300 - 200oC.

- Các thành tạo quặng volfram nguồn gốc skarn ở Việt Nam ít phổ biến hơn so với kiểu nguồn gốc greisen-nhiệt dịch (điển hình là mỏ volfram Núi Pháo - Đại Từ - Thái Nguyên). Thân quặng thường có dạng khối, đới, thấu kính hoặc dạng ổ, phát triển tại rìa tiếp xúc của các thể xâm nhập granit với các đá vây quanh là trầm tích lục nguyên carbonat. Biến đổi đá vây quanh chủ yếu là skarn hóa. Các khoáng vật quặng chứa volfram kiểu nguồn gốc skarn chủ yếu là sheelit (rất hiếm gặp volframit), thường đi cùng với khoáng hóa sulfur của các nguyên tố Cu, Au, Bi… Các khoáng vật phi quặng trong đới biến đổi có thể gặp granat, clinopyroxen (Cpx), amphibol, biotit, calcit, verzuvian…

- Các thành tạo quặng volfram nguồn gốc ngoại sinh (thành tạo sa khoáng) ở nước ta thường đi cùng với các mỏ nguồn gốc nội sinh (greisen và nhiệt dịch), ít hơn liên quan với skarn, chúng thường phân bố không xa, trong hoặc quanh khu vực có phân bố các thân quặng volfram gốc. Khoáng vật quăng volfram trong sa khoáng chủ yếu là volframit, rất ít sheelit, thường đi cùng với các sa khoáng thiếc (casiterit).

- Trong các khu vực nghiên cứu chi tiết: Ở khu mỏ Đồi Cờ diện tích rất có triển vọng phân bố ở trung tâm mỏ Đồi Cờ; Ở khu mỏ Thiện Kế diện tích rất có triển vọng phân bố ở khu mỏ Tây Bắc xã Thiện Kế, diện tích có triển vọng phân bố ở khu vực mỏ Hội Kế. Ở khu mỏ volfram “đa kim” Núi Pháo, diện tích rất có triển vọng phân bố ở khu vực Dốc Chẹo, diện tích có triển vọng là khu vực Núi Chiêm, khu vực Núi Con Mèo và khu vực Đông Bắc Dốc Chẹo; Khu vực trung tâm khối Núi Pháo có triển vọng về khoáng sản volfram nguồn gốc nhiệt dịch.

Ở Việt Nam volframit trong sa khoáng tập trung chủ yếu ở các khu vực Pia Oắc - Cao Bằng, Thiện Kế - Tuyên Quang; Đồi Cờ - Bình Thuận.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xác lập các tiền đề và dấu hiệu địa chất tìm kiếm khoáng sản volfram và các khoáng sản khác có giá trị đi kèm cho các khu vực Núi Pháo - Đại Từ - Thái Nguyên; Thiện Kế - Sơn Dương - Tuyên Quang và Đồi Cờ - Mé Pu - Đức Linh - Bình Thuận. Đây cũng là cơ sở khoa học quan trọng giúp định hướng cho công tác nghiên cứu tiếp theo về khoáng sản volfram ở nước ta một cách hợp lý và hiệu quả hơn.

 

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13709) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3706

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)