Thứ sáu, 19/04/2019 17:12 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử cho các tỉnh phía Bắc

Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương nói riêng và nghiên cứu về chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương nói chung ở nước ta chưa quan tâm đúng mức. Vì vậy, những giống khoai tây được kết luận kháng mốc sương như giống KT3, VC38-6 nhưng khi trồng trên vùng cao bị bệnh mốc sương gây hại rất nặng vào vụ Xuân - Hè ngay ở giai đoạn 50-60 ngày sau trồng, làm cho năng suất thấp và rất khó phát triển khoai tây trên vùng cao phía Bắc và vùng cao trên cả nước. Những giống trên được sản xuất ở vụ Đông, Đông Xuân khi gặp điều kiện nhiệt độ thấp (khoảng 17oC), ẩm độ không khí cao (trên 95%) rất dễ bùng phát thành dịch. Việc lai tạo giống mới trong nước và đánh giá những bộ giống khoai tây nhập nội chủ yếu chú trọng đánh giá về năng suất, chất lượng, còn vấn đề thử tính kháng với các loại bệnh mốc sương bằng phương pháp lây nhiễm chủ động để đánh giá bệnh chưa được thực hiện.

Vì vậy, việc tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu về chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử của nước ngoài trên cơ sở đã xác định được gen kháng, chỉ thị liên kết với gen kháng, lập bản đồ gen kháng kết hợp nguồn vật liệu chọn tạo giống khoai tây trong nước để chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử là một việc hết sức cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm do TS. Trịnh Văn Mỵ dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử cho các tỉnh phía Bắc” trong thời gian từ 2012-2015.

Mục tiêu của đề tài là nhằm tạo được giống khoai tây có năng suất cao (trên 20 tấn/ha), kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử cho các tỉnh phía Bắc.

Một số kết quả của nghiên cứu:

1. Kết quả đánh giá tập đoàn giống khoai tây làm vật liệu nghiên cứu trong nhà lưới và trên đồng ruộng.

- Đã đánh giá 35 giống khoai tây kháng bệnh mốc sương nhập từ CIP2011 trong nhà lưới và ngoài đồng ruộng. Kết hợp đánh giá khả năng nhiễm bệnh mốc sương trên đồng ruộng, lây nhiễm nhân tạo và bằng chỉ thị phân tử LP2, LP3 xác định được các giống 106, 113, 115, 116, 119, 120, 124, 129, 140 kháng bệnh mốc dùng làm vật liệu lai với các giống năng suất cao, chất lượng tốt.

2. Kết quả nghiên cứu xác định chỉ thị phân tử liên kết với QTL/gen kháng bệnh mốc sương.

- Xác định được sự tương phản giữa hai giống bố mẹ là giống KT3 và 116 trong lập bản đồ gen kháng bệnh mốc sương. Xác định được 14 chỉ thị phân tử SSR cho đa hình giữa 2 giống bố mẹ KT3 và 116. Xây dựng được sơ đồ hình cây cho 12 giống khoai tây và xác định được hệ số tương quan giữa các mẫu giống làm cơ sở dữ liệu chọn lọc vật liệu lai tạo giống mới.

- Sử dụng 21/29 chỉ thị phân tử liên kết locus gen kháng bệnh mốc sương để đánh giá đa dạng di truyền liên kết với tính kháng mốc sương của quần thể vật liệu lai thông qua phân tích ANOVA. Kết quả phân tích phương sai cho thấy các chỉ thị này không liên kết chặt với tính kháng (Giá trị P(TTest)>0,05). Trong điều kiện với số lượng và chất lượng chỉ thị như vậy không đáp ứng được cho việc ứng dụng để lập bản đồ QTL.

- Xác định được 3 chỉ thị phân tử liên kết chặt với gen kháng mốc sương: BA213c14t7(LP2); STM1024, STM3016 để phục vụ chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử.

3. Kết quả chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh mốc sương và năng suất cao bằng phương pháp chọn giống nhờ chỉ thị phân tử (MAS)

- Đã lai tạo được 11 tổ hợp F1 với tổng số hơn 18.000 hạt lai và 19 tổ hợp BC1F1 tổng số hơn 70.000 hạt lai:

- Đã đánh giá trên 1.5000 dòng lai F1 và trên 2.900 dòng lai BC1F1, phục vụ chọn giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử.

- Đã thu thập 1.800 mẫu bệnh mốc sương ở 3 tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Vĩnh phúc để phân lập nấm gây bệnh mốc sương và xác định được nấm Phytopthora infestans là nấm gây bệnh mốc sương chủ yếu ở các vùng trồng khoai tây. Sử dụng nấm Phytopthora infestans lây bệnh nhân tào trên 155 dòng F1, 145 dòng BC1F1 và 153 dòng của hai tổ hợp BC1-9 và BC1-11 chọn được các dòng F1, BC1F1 kháng bệnh mốc sương phục vụ cho chọn tạo giống mới và sử dụng cho phân tích vai trò của các chỉ thị liên kết gen kháng bệnh.

- Đã sử dụng ba chỉ thị BA213c14t7, STM1024 và STM3016 để sàng lọc các dòng mang gen kháng bệnh mốc sương kết hợp với phương pháp chọn lọc truyền thống đã chọn được các dòng F1 triển vọng, có đặc điểm nông sinh học mong muốn mang Gen kháng bệnh mốc sương, có năng suất cao, chất lượng tốt.

4. Kết quả đánh giá, so sánh và khảo nghiệm giống khoai tây triển vọng có năng suất cao và kháng với bệnh mốc sương.

- Đã nhân nhanh 2 dòng triển vọng là 4-35 và 4-170 tại Sapa - Lào Cai với tổng số 10.000 cây và thu được 15.000 củ mini.

- So sánh đánh giá 21 dòng F1 trong vụ Đông năm 2014 và 2015 chọn được 13 dòng triển vọng có dạng thân nửa đứng, sinh trưởng phát triển tốt, hình dạng củ oval hoặc tròn, vỏ củ và ruột củ màu vàng, mắt củ nông, chất lượng ăn nếm phù hợp. Năng suất đạt trên 20 tấn/ha, mang 1-5 gen kháng bệnh mốc sương, hàm lượng chất khô đạt từ 18,1 đến 21,4%.

- Khảo nghiệm tác giả tại 4 tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Giang trong 2 năm 2014 và 2015 chọn được 3 giống 1-187, 4-35 và 4-170 có đặc điểm nông sinh học tốt, đạt năng suất trung bình từ 29-32 tấn/ha, hàm lượng chất khô từ 18,5 đến 19,9%, cả 3 giống đều mang gen kháng R1, giống 1-187 mang gen R2, Rpi-abpt và Rpi-blb3.

5. Đã xây dựng được quy trình chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh mốc sương bằng chỉ thị phân tử.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13721) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2882

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)