Thứ bảy, 16/03/2019 21:38 GMT+7

Hoạt động KH&CN địa phương đã chủ động đi đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2018, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua. Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết, đưa hoạt động KH&CN chuyển động từ “gắn với” sang “phục vụ” phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 15/3/2019, tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Đây là Hội nghị quan trọng góp phần kết nối trực tiếp sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Bộ với các địa phương.
 

Toàn cảnh Hội nghị
 

Tham dự Hội nghị có: đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở KH&CN của các tỉnh/thành phố; đại diện lãnh đạo của gần 50 cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ KH&CN, các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở KH&CN, các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
 

KH&CN đóng góp thiết thực phát triển KT-XH địa phương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định, nhìn lại những kết quả hoạt động KH&CN cả nước trong thời gian qua đã có nhiều kết quả ấn tượng. Lĩnh vực nào cũng có bóng dáng của KH&CN. Khoa học và công nghệ ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương. Có thể nói năm 2019, Chính phủ đã coi KH&CN, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng.

“Hội nghị là dịp để Bộ KH&CN lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến trao đổi thẳng thắn, trực tiếp từ địa phương về những thuận lợi, kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, khó khăn, qua đó đề xuất giải pháp phát triển KH&CN của địa phương cũng như những đóng góp hiệu quả, thiết thực của KH&CN vào phát triển KT-XH của đất nước”- Thứ trưởng chia sẻ.

Ngay sau phần phát biểu khai mạc, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ đã có những báo cáo liên quan đến: Nhiệm vụ trọng tâm triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của ngành KH&CN; Những vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và Nghị định 13/2019/NĐ-CP về phát triển Doanh nghiệp KH&CN; Các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thúc đẩy cải thiện chỉ số GII ở các địa phương; Những vấn đề cần lưu ý về công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (TĐC) liên quan đến địa phương; Định hướng công tác thông tin, thống kê KH&CN và Đề án Tri thức Việt số hóa.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương cho biết, năm 2018 là năm bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2016-2021, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực xây dựng chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng. Trong kết quả chung đó, có sự đóng góp rất tích cực của ngành KH&CN nói chung, hoạt động KH&CN địa phương nói riêng. Các tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; các cơ chế, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế… KH&CN ngày càng khẳng định vị thế và đóng góp thiết thực cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa phương.

Điểm nổi bật trong hoạt động KH&CN địa phương năm 2018 là sự quan tâm, đầu tư cho công tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở một số địa phương bắt đầu hình thành và phát triển nhanh, nhất là ở đô thị như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thái Nguyên… góp phần tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới, kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ và năng động trong tiếp cận thị trường.

Tại Hội nghị, nhiều Giám đốc Sở KH&CN đã đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tạo hành lang pháp lý cho KH&CN phát triển. Các đại biểu cũng đã có những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động KH&CN tại địa phương liên quan đến giải pháp phát triển doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 13, triển khai giải pháp thực hiện các chỉ số GII ở địa phương; sớm hình thành mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo chung, cũng như giải pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính liên tỉnh, liên vùng; Việc triển khai tổ chức sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 19-NQ/TW và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP; Quỹ KH&CN địa phương...

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề xuất Bộ KH&CN cần sớm có những điều chỉnh, sửa đổi về hoạt động Quỹ Phát triển KH&CN địa phương; giải pháp và tiêu chí phát triển sàn giao dịch KH&CN; giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN… Hội nghị cũng nhận được nhiều kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng kết quả và chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng có những bài học trong triển khai hoạt động KH&CN tại địa bàn, mỗi bài học kinh nghiệm đều thể hiện sự sinh động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn như: tỉnh Bến Tre phát triển KH&CN gắn với các sản phẩm chủ lực địa phương, điển hình là doanh nghiệp Lương Quới phát triển sản phẩm gắn với cây dừa; Lạng Sơn, Sở KH&CN đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh lồng ghép KH&CN trong phát triển nông thôn mới; Hải Dương với kinh nghiệm triển khai tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW; Thành phố Đà Nẵng là bài học thành công với đẩy mạnh ươm tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ,…
 

Chủ động, sáng tạo triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2019

Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, năm 2018, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới. Trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 482 tỷ USD; xuất siêu 7,2 tỷ USD; dự trữ ngoại hối đạt trên 60 tỷ USD; xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 15,9%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (12,9%); hàng hóa mang thương hiệu Việt đã có tại siêu thị của hầu hết các quốc gia trên thế giới với 5 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD, 29 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD; lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD. Trong thành tựu chung của cả nước, có đóng góp rất rõ nét của ngành khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả hoạt động KH&CN trong cả nước thời gian qua. Rất nhiều công việc, địa phương đã thể hiện tính chủ động, đi đầu giải quyết, đưa KH&CN chuyển động gắn sang phục vụ, đúng với thông điệp tại Hội nghị tổng kết Bộ KH&CN năm 2016 của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là làm sao để KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN phải theo cùng để giải quyết bài toán tốt nhất cho các ngành, lĩnh vực.

Bộ trưởng cho rằng, với trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo tỉnh về hoạt động KH&CN, các lãnh đạo Sở KH&CN ở địa phương đã vượt qua khó khăn, thể hiện vai trò tham mưu của mình. Rất nhiều nghị quyết, chương trình của tỉnh đã có bóng dáng tham mưu của Sở KH&CN. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ nhưng hoạt động KH&CN đã nhận được sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KH&CN phát triển.

 “Thành công của hoạt động KH&CN từ địa phương cũng là của Bộ, của ngành KH&CN, và ngược lại, khó khăn của các địa phương cũng là điều trăn trở của Bộ và cá nhân tôi”- Bộ trưởng chia sẻ.
 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị
 

Về những kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình để trình Chính phủ xem xét sửa đổi các Luật có liên quan đến KH&CN do Bộ chủ trì. Bên cạnh đó, chú trọng việc tham gia đóng góp ý kiến đối với các Luật khác có nội dung tác động đến hoạt động KH&CN để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống Luật. Chủ động trình Chính phủ xem xét, sửa đổi các văn bản luật liên quan đến KH&CN đang còn bất cập.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH&CN địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, cần chú trọng một số vấn đề trọng tâm như: cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương hoạt động KH&CN phải hướng vào phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội cả trong ngắn hạn cũng như lâu dài; Phải coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo. Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng ở từng địa phương.

Triển khai hiệu quả Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa": Trong phạm vi quốc gia cũng như đối với từng địa phương đều phải coi đây là một việc làm rất quan trọng. Khi triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án cần lồng ghép với việc triển khai các nhiệm vụ thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ở địa phương. Ở cả tầm quốc gia cũng như địa phương, cần tiếp tục quan tâm xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp.

Chú trọng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông qua thực hiện nhiệm vụ KH&CN, triển khai có hiệu quả chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng cán bộ KH&CN. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ…

Bộ KH&CN sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng các địa phương để tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, đồng thời khai thác thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng khẳng định.

 


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa chúc mừng các tân Giám đốc Sở KH&CN

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 4926

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)