Thứ sáu, 15/03/2019 17:10 GMT+7

Hội thảo về ứng dụng bức xạ chùm tia điện tử trong xử lý nước thải dệt nhuộm và khâu mạch dây điện và dây cáp điện trong chương trình hợp tác vùng RCA

Nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử cũng như mở rộng các ứng dụng công nghệ bức xạ tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) - Viện NLNT Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế thuộc chương trình hợp tác vùng RCA về ứng dụng chùm tia điện tử trong xử lý nước thải dệt nhuộm và khâu mạch dây điện và dây cáp điện từ ngày 04-07/03/2019.

Tham gia Hội thảo có 02 chuyên gia đến từ đến từ Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc GS. Myun Joo Lee và GS. Phil Hyun Kang, ông Lê Minh Tuấn nguyên Phó Giám đốc phụ trách hiện là điều phối viên chương trình RCA khu vực phía nam, các đại biểu đến từ các trường Đại học, các Công ty dệt nhuộm và sản xuất dây điện, dây cáp điện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cùng Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm VINAGAMMA. 
 


Các đại biểu tham dự Hội thảo

Mở đầu buổi Hội thảo, TS. Phan Việt Cương, Phó Giám đốc Trung tâm đã có lời phát biểu chào mừng, cảm ơn các chuyên gia và các đại biểu đến tham dự, đồng thời bày tỏ mong muốn qua Hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc cùng các cán bộ nghiên cứu của Việt Nam sẽ thảo luận và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ bức xạ mà hai bên cùng quan tâm.

Ông Lê Minh Tuấn đã giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển và vai trò của Trung tâm VINAGAMMA trong lĩnh vực công nghệ bức xạ tại Việt Nam. Tiếp theo đó, TS. Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển cũng giới thiệu những kết quả đã đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học tại Trung tâm VINAGAMMA trong thời gian vừa qua.

Về phía chuyên gia Hàn Quốc, GS. Myun Joo Lee trình bày những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu ứng dụng phương pháp chiếu xạ sử dụng chùm điện tử để xử lý khí thải, bùn thải và nước thải tại Hàn Quốc, đặc biệt nhấn mạnh xử lý nước thải dệt nhuộm. Trong bài báo cáo giáo sư đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp chiếu xạ trong việc xử lý chất màu, chất hữu cơ trong nước thải dệt nhuộm. Ngoài ra, giáo sư cũng đưa ra những khuyến cáo khi áp dụng phương pháp này tại Việt Nam.

Để các chuyên gia và các đại biểu hiểu rõ về thực trạng về xử lý nước thải dệt nhuộm tại Việt Nam, TS. Bùi Mạnh Hà, Khoa Môi Trường - Đại học Sài Gòn đã trình bày các phương pháp xử lý nước thải tại Việt nam. TS. Nguyễn Ngọc Duy trình bày các kết quả trong đề tài cấp cơ sở năm 2018 “Nghiên cứu xử lý chất màu trong nước thải nhà máy dệt nhuộm bằng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử”.

Ngoài ra, tại Hội thảo các đại biểu còn được nghe giáo sư Phil Hyun Kang giới thiệu việc ứng dụng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử trong khâu mạch dây điện và dây cáp điện tại Hàn Quốc với những ưu điểm nổi bật như quá trình khâu mạch xảy ra nhanh, quy trình có thể áp dụng sản xuất lớn và đặc biệt không sử dụng chất khâu mạch hóa học nên thân thiện với môi trường và con người. Bài báo cáo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía các đại biểu đến từ công ty Neissei Electric chuyên sản xuất dây điện và dây cáp điện.

Sau hai ngày Hội thảo, các chuyên gia và đoàn đại biểu đã đi tham quan thực tế hệ thống xử lý nước thải tại công ty Giấy Sài Gòn trong khu công nghiệp Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
 


Chuyên gia Hàn Quốc trình bày tại hội thảo

Hội thảo kết thúc tốt đẹp sau buổi thảo luận giữa các chuyên gia và Ban Lãnh đạo của Trung tâm VINAGAMMA. Trong buổi thảo luận, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo để có hiệu quả về mặt kinh tế khi áp dụng phương pháp chiếu xạ trong lĩnh vực xử lý nước thải dệt nhuộm thì dung lượng nước thải phải từ 10.000 m3/ngày và nên có hệ thống xử lý nước thải tập trung thay vì phân tán như hiện nay. Ngoài ra, áp dụng phương pháp chiếu xạ chùm tia điện tử để xử lý Polychlorinated Biphenyls (PCBs) trong dầu biến thế và xử lý dioxin trong đất cũng được thảo luận một cách chi tiết. Đối với lĩnh vực khâu mạch bức xạ dây điện và dây cáp điện bằng phương pháp chiếu xạ, các chuyên gia cũng đề nghị phía Việt Nam cần có những nghiên cứu khảo sát nhu cầu thị trường đặc biệt là thị trường dây điện chịu nhiệt trong xe ô tô để có những cơ sở xây dựng dự án chuyển giao công nghệ. Về phía Việt Nam, Ban Lãnh đạo Trung tâm VINAGAMMA cũng rất mong muốn được hợp tác và cử các bộ nghiên cứu sang Hàn Quốc tham gia các khóa đào tạo về các lĩnh vực nêu trên./.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2147

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)