Thứ hai, 26/11/2018 23:35 GMT+7

Lan tỏa, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương

Ngày 26/11/2018 tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế tổ chức Hội thảo Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại địa phương và kiến nghị chính sách từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần.

Hội thảo là cơ hội để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, các quỹ đầu tư và các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp. Đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp; giúp các thanh niên, sinh viên có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công.
 


Ban tổ chức đã có buổi đối thoại thẳng thắn tại Hội thảo


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, cùng với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động ĐMST của tỉnh. Với nguồn lực nòng cốt là 08 trường Đại học thành viên và 02 Khoa trực thuộc Đại học Huế gồm 120 chuyên ngành đào tạo với 43.000 sinh viên. Trong đó với sự hợp tác của các tổ chức khởi nghiệp lớn như: Quỹ bảo lãnh tín dụng cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ Khởi nghiệp KH&CN Việt Nam; Công ty CP tư vấn và đầu tư Cộng hưởng,…

Sau hơn hai năm triển khai, các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST đã tạo hiệu ứng, tính lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Chỉ trong năm 2018, nhiều vườn ươm đã ra đời trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm khởi nghiệp ĐMST của Đại học Huế; các không gian làm việc chung, CLB khởi nghiệp cùng các hoạt động kết nối, liên kết địa phương, liên kết Vùng,… đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, cơ chế chính sách cho DN nhỏ và vừa trong đó có DN khởi nghiệp ĐMST đã được ban hành, tạo thuận lợi bước đầu cho những hoạt động liên quan đến khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Để đẩy mạnh hoạt động ĐMST, bà Trần Thị Thùy Yên Phó giám đốc Sở KH&CN Quảng Nam cho rằng, cần tiếp tục có các cơ chế chính sách phù hợp, khuyến kích đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST như: chính sách đặc thù về thuế, tín dụng,… trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST. Ngoài ra, nhà trường cần có nhiều chương trình đào tạo về khởi nghiệp ĐMST phù hợp để hình thành và nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp ĐMST. Bên cạnh đó, để có được thành công, các bạn trẻ phải dám bước ra khỏi “vùng an toàn” và theo đuổi giấc mơ nghề nghiệp và khởi nghiệp ĐMST thực sự là nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân, tổ chức, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

“Trong quá trình triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, tỉnh luôn xác định một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành tố, bao gồm nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư mạo hiểm doanh nhân, doanh nghiệp (DN),… Trong đó, Quỹ đầu tư không những giúp các DN khởi nghiệp giải quyết bài toán về vốn mà còn có thể đem đến cho DN khởi nghiệp những “giá trị tăng thêm” như: hỗ trợ vận hành kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh sản phẩm dịch vụ và công ty….”, ông Trần Quốc Thắng Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN Thừa Thiên Huế cho biết thêm.

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện DN khởi nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn của các Quỹ đầu tư. Tỉnh đang nghiên cứu để hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình Quỹ đầu tư khởi nghiệp.

Với kinh nghiệm lâu năm của mình trong công tác khởi nghiệp ĐMST, ông Nguyễn Việt Đức, cố vấn cao cấp mảng đầu tư, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam; Tổng Giám đốc Cty CP Quản lý đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chia sẻ, khởi nghiệp có thể mang đến thành công, nhưng tỷ lệ khoảng 8/10 DN khởi nghiệp sẽ thất bại, và những người làm khởi nghiệp cần có tâm thế đối mặt với sự thất bại, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.

Chủ tịch Cty CP tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp Quốc gia Nguyễn Tiến Trung nhấn mạnh: Nếu muốn thành công, các bạn phải vượt qua được “thung lũng của những xác chết startup”, nếu như vượt qua, các bạn sẽ sống sót, và thành công đến với bạn là điều hiển nhiên.

Trong quá trình khởi nghiệp, ông Trung lưu ý đến nguồn vốn, và công tác kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư, ngoài việc cần thiết phải thể hiện độ “máu lửa”, ý tưởng, các bạn phải tìm đến các nhà đầu tư thiên thần tiềm năng. Ngoài nguồn vốn, nhà đầu tư thiên thần sẽ mang đến sự nhạy bén, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh cũng như cung cấp, cố vấn, huấn luyện, kết nối nhà đầu tư, khách hàng.

Ngoài ra, với kinh nghiệm của mình, ông Trung gửi lời khuyên tới các bạn trong quá trình gọi vốn, cần cân nhắc với tỉ lệ: 51%, hoặc 36% bởi sự chi phối của các nhà đầu tư.

Trong không khí thảo luận sôi nổi của Hội thảo, nhiều câu hỏi thẳng thắn đến từ các startup đã được gửi tới Ban tổ chức. Phần lớn các câu hỏi liên quan đến những khó khăn, thách thức với các starup hiện nay như: kêu gọi nguồn vốn; khả năng tiếp cận thông tin; kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp; cơ chế chính sách phù hợp cho các starup công nghệ thông tin; chính sách phát triển các vườn ươm doanh nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn “mối” cho các startup,… Điều này thể hiện sự kỳ vọng, đam mê rất lớn của các startup với mong muốn trong mang lại nhiều giá trị thực chất, có ý nghĩa cho cộng đồng trong tương lai.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:


Cục trưởng Phạm Hồng Quất phát biểu tại Hội thảo

 


Phó Giám đốc phụ trách Trần Quốc Thắng phát biểu tại Hội thảo

 


Ông Nguyễn Việt Đức chia sẻ kinh nghiệm bản thân với các starup

 


CEO LC TECH Việt Nam Nguyễn Thành Công gửi tới Ban tổ chức một số câu hỏi tại Hội thảo.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2712

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)