Thứ năm, 25/10/2018 16:41 GMT+7

Diễn đàn hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA) 2018, Kurchatov, Kazakhstan

Nhằm tổng kết và đánh giá các kết quả đạt được từ các dự án trong chương trình hợp tác hạt nhân Châu Á (FNCA) để từ đó định hướng các nghiên cứu tiếp theo cũng như đề xuất các hướng nghiên cứu mới nhằm đẩy mạnh hơn nữa các ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp, công nghiệp, y học và các lĩnh vực khác, ngày 08/10/2018 Trung tâm Hạt nhân quốc gia Kazakhstan kết hợp với Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã tổ chức hội thảo “Quá trình bức xạ và biến tính polymer cho các ứng dụng trong nông nghiệp, môi trường và y học” tại thành phố Kurchatov, Kazakhstan.

Đoàn đại biểu tham gia hội nghị

 

Tham dự hội thảo có 25 thành viên đến từ các quốc gia: Bangladesh (2), Trung Quốc (2), Indonesia (2),  Malaysia (2), Mông cổ (2), Philippin (2), Thái Lan (2), Nhật Bản (4), Kazakhstan (5) và Việt Nam (2), TS. Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ và TS. Trần Minh Quỳnh, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tham gia hội thảo.

Hội thảo được diễn ra trong năm ngày từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 10 năm 2018. Tại hội thảo, đại diện các nước báo cáo các kết quả đạt được trong việc áp dụng công nghệ bức xạ chế tạo vật liệu xử lý môi trường, ứng dụng phân vi sinh, oligosaccarit (oligochitosan, oligocaraginan,..) cũng như hiệu ứng công hợp giữa phân vi sinh, oligosaccarit và chất siêu hấp thụ nước (SWA) trong việc kích thích tăng trưởng cho cây trồng, hiệu ứng kích kháng bệnh của oligochitosan, oligocaraginan trên một số loại cây như lúa, ớt, tiêu, ngô, đậu tương, cà chua, khoai tây,… Ngoài ra, hiệu ứng kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của oligochitosan trên động vật (gà, bò, vịt,..) và trên cá tra, cũng được trình bày với định hướng phát triển một nền nông nghiệp an toàn và bền vững. TS. Nguyễn Ngọc Duy và TS. Trần Minh Quỳnh, đại diện nhóm nghiên cứu  trình bày các kết quả đạt được trong việc áp dụng công nghệ bức xạ để xử lý màu trong nước thải nhà máy dệt nhuộm cũng như hiệu quả khi kết hợp xử lý bức xạ và tác nhân oxi hóa hydrogen peroxit (H2O2) với hiệu suất khử màu lên đến 98% ở liều xạ 3 kGy + 10 mM H2O2. Các nghiên cứu chế tạo nanosilica và hiệu ứng cộng hợp giữa oligochitosan và nano silica được sử dụng như là chất kích thích tăng trưởng và kháng bệnh cho cây trồng trong nông nghiệp, các kết quả khảo nghiệm về hiệu ứng kháng bệnh và tăng trọng của oligochitosan chế tạo bằng phương pháp chiếu xạ đối với cá tra (Pangasianodon hypophthamlmus) quy mô ao nuôi cũng như các kết quả về ứng dụng bức xạ tạo chất mang nguồn gốc polyme cho sản xuất phân bón vi sinh chất lượng cao, đột biến tạo chủng vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp protease bằng phương pháp chiếu xạ gamma Co-60 cũng được báo cáo tại hội thảo.

 

  Đại diện của Việt Nam báo cáo chuyên đề tại hội nghị

 

Sau khi nghe đại diện các nước thành viên báo cáo các kết quả đạt được, hội nghị đã thảo luận những khó khăn trong việc nghiên cứu và thương mại hóa, phát triển sản phẩm cũng như đánh giá và đề nghị các nội dung nghiên cứu mới cho dự án trong những năm tiếp theo. Cụ thể, hội nghị đã thảo luận chi tiết các chủ đề như sau: (1) Cắt mạch chitosan và ứng dụng làm chất kích kháng bệnh trong chăn nuôi và trong thủy sản, (2) Chế tạo hydrogel cho các ứng dụng trong y học, (3) Chế tạo vật liệu xử lý môi trường, (4) Hiệu ứng cộng hợp giữa chất kích thích tăng trưởng thực vật (PGP), chất siêu hấp thụ nước và phân bón vi sinh trong nông nghiệp, (5) Đánh giá quá trình phát triển và ứng dụng PGP và SWA trong nông nghiệp và (6) Đột biến tạo giống vi sinh trong phân vi sinh bằng phương pháp chiếu xạ gamma Co-60. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 12/10/2018 với việc thông qua bản kế hoạch phát triển chi tiết cho những năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021-2023.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2316

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)