Thứ tư, 22/08/2018 11:15 GMT+7

Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững

Ngày 21/8/2018, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững".

Nhiều thành tựu trong ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp).
 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Sau 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam có bước tiến dài, đến nay đã đảm bảo được an ninh lương thực, thực phẩm bền vững. Ngoài ra nông nghiệp là ngành đóng góp tỷ trọng xuất khẩu cao, đóng góp kim ngạch xuất khẩu khoảng 2% so với tổng số kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc. Năm 2017 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt được 36,52 tỷ đô la Mỹ, con số này cao hơn rất nhiều so với năm 2016.

Theo TS. Vũ Ngọc Huyên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã không ngừng phát triển, từng bước được hiện đại hóa, phát huy vai trò “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Năm 2017 giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 26,44 tỷ USD và năm 2018 đang phấn xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 40 tỷ USD.

“Đến nay, cả nước có 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại: Hậu Giang, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bạc Liêu. Ngoài ra, có 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được UBND cấp tỉnh quyết định thành lập tại: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn ( Bộ NN&PTNT) cho biết thêm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã hỗ trợ xác lập, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 93 đặc sản nổi tiếng như: Thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, cam Vinh, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, xoài cát Hòa Lộc...

Nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong nông nghiệp, ông Hoàng Nguyễn, Đại học California, Hoa Kỳ cho hay, vai trò của KH&CN trong nông nghiệp là rất quan trọng, thiếu yếu tố này đồng nghĩa với việc rủi ro lớn cho cả nền nông nghiệp. Bởi, theo ông Hoàng Nguyễn, cây trồng vật nuôi không phải là hàng hóa bình thường mà là những thực thể sống. Ở quy mô lớn, mỗi thiếu sót về kỹ thuật có thể trả giá bằng hàng triệu đô-la.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Ngũ Hiệp).
 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại Hội thảo, nhiều diễn giả là các chuyên gia, tiến sỹ, thạc sỹ, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước đã thảo luận về những khó khăn, thách thức liên quan đến phát triển nền nông nghiệp Việt Nam; vấn đề sử dụng hóa chất trong bảo quản thịt, thủy sản và nông sản còn nhiều nan giải, dư lượng hóa chất gây ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Cách mạng công nghiệp 4.0 – cơ hội vàng cho ngành nông nghiệp

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một điểm mốc phát triển rực rỡ về KH&CN trên toàn cầu. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp thế giới nói chung và nông nghiệp của Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, những thành tựu công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), và công nghệ viễn thám (Remote sensing). Các ứng dụng của công nghệ sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ; thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn; hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất. Từ đó, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, khâu đầu tiên để ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp thành công là cần đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực phải quản trị được công nghệ. Các trường đào tạo cần đổi mới phương pháp đào tạo, tăng cường đào tạo thực hành, kỹ năng để phát huy trong môi trường công nghệ hiện đại. Có thể xây dựng thí điểm các khu ứng dụng công nghệ cao theo hình thức chọn một doanh nghiệp trụ cột đầu tư.

Theo ông Hoàng Nguyễn - Đại học California Davis, Hoa Kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một thời cơ vàng để ngành nông nghiệp Việt Nam thay da đổi thịt. Chính phủ và doanh nghiệp cần tận dụng nguồn giống và quy trình công nghệ của các nước lớn chuyển về Việt Nam, trong quá trình này internet là “cây cầu” vô tận. Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia Hoàng Nguyễn, sẽ cần có thêm nhiều hội đồng hay cơ quan chuyên ngành để giải quyết các rủi ro cho những “cánh đồng lớn”, như việc dự đoán và phản ứng nhanh trước diễn biến của thị trường nông sản, liên kết các viện, trường đại học để cung cấp nguồn chất xám.

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng: Các dự án liên ngành này chỉ có thể thực hiện được khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ như Bộ NN&PTNT, Công thương, KH&CN, Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan thu thập thông tin nước ngoài. Lực lượng khuyến nông, chính quyền địa phương và doanh nghiệp sẽ tham khảo các thông tin này để triển khai tổ chức sản xuất và phân phối. Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tham gia vào quá trình thẩm định, tuyển chọn đề tài, dự án để tăng tính thực tế cho sản phẩm nghiên cứu. Ông Nguyễn Hoàng đưa ra dẫn chứng trong lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều tiểu bang ở Mỹ, khối doanh nghiệp có thể chiếm 25/26 phiếu trong các hội đồng tuyển chọn dự án nghiên cứu. Cách làm này bắt buộc các nhà khoa học phải quan tâm đến lợi ích doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp luôn ở mức cập nhật cao nhất về công nghệ.

Các diễn giả tại Hội thảo cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá là tiềm năng tốt để mời các chuyên gia người Việt ở nước ngoài về tham gia, đưa KH&CN vào nông nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, cho biết những thách thức của nông nghiệp Việt Nam vẫn rất nhiều, từ biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên, Việt Nam vẫn là một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi liên kết giá trị thấp. Cần xác định thời gian tới tập trung vào hai giải pháp đó là áp dụng KH&CN và tổ chức lại khâu sản xuất. Theo ông Doanh, để làm được việc này, ngoài nội lực trong nước cần có sự hỗ trợ từ quốc tế, đó là những nhà khoa học, những người Việt Nam có điều kiện học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

Ngoài ra, tại Hội thảo nhiều tham luận của các chuyên gia giới thiệu về những mô hình phát triển nông nghiệp thông minh ở một số nước trên thế giới đã thực hiện, có thể áp dụng tại Việt Nam, như: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và môi trường sống trong sạch, an toàn; khởi nghiệp nông nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0; ứng dụng công nghệ rô-bốt tự hành trong sản xuất rau sạch; mô hình nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao; rà soát chính sách, chiến lược hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; xây dựng hạ tầng dữ liệu cho ngành nông nghiệp...

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4572

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)