Thứ sáu, 27/07/2018 07:59 GMT+7

Khoa học và Công nghệ thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, những vấn đề cụ thể đang đặt ra là cần thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng và đề cao hơn nữa vai trò khoa học công nghệ (KH&CN), đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, thủy hải sản…

KH&CN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày 26/7/2018 tại Tiền Giang, trong khuôn khổ Hội nghị giao ban KH&CN vùng ĐBSCL lần thứ XXV, Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “KH&CN thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chủ trì Hội nghị.

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chủ trì Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Phạm Đại Dương, nguyên Thứ trưởng Trần Việt Thanh, lãnh đạo các vụ, cục, Tổng cục, viện, Học viện thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các ban của Tỉnh ủy, HĐND, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các Sở KH&CN trong Vùng ĐBSCL, lãnh đạo các trường Đại học trong Vùng, hơn 40 Doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong và ngoài vùng cùng đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

 

Toàn cảnh Hội nghị KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 

Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, KH&CN Tiền Giang đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ KHCN địa phương đã từng bước được đổi mới từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ, thẩm định nội dung đến nghiệm thu, ứng dụng kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt đã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, gồm các nội dung như: hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia; thành lập doanh nghiệp KH&CN, đầu tư đổi mới công nghệ; tham gia các hội chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ tại địa phương, trong nước và quốc tế,..

Bên cạnh đó, một số đề tài khoa học được tỉnh hợp tác nghiên cứu, triển khai thực hiện tiêu biểu như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Tiền Giang; Quy tụ, phát huy vai trò đội ngũ trí thức có trình độ đại học trở lên giai đoạn 2010-2020 trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Đề xuất cơ chế chính sách thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020,… đã đóng góp to lớn vào thực hiện chương trình phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng phát biểu tại Hội nghị

 

Cũng theo ông Lê Văn Hưởng, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, nhìn chung cũng còn nhiều vấn đề hạn chế, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đòi hỏi sự tập trung hơn nữa đối với ngành KH&CN như: cần khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ KH&CN gắn với doanh nghiệp, theo hướng phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL, đặc biệt là tập trung vào các mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu; Cần có chương trình hỗ trợ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC làm kiểu mẫu để nhân rộng ra toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Lấy liên kết chuỗi làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp,…

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của các nhà khoa học, các doanh nhân đề cập các nội dung liên quan đến yêu cầu bức thiết về tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và thực trạng tồn tại nhiều khiếm khuyết, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp cần phải khắc phục cũng như sự bức bách về phát triển sản phẩm chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đòi hỏi ứng dụng khoa học công nghệ cao ngày càng trở thành vấn đề thời sự nóng hổi.

Thành lập mạng lưới và liên kết KH&CN liên ngành

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL – Đại học Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 27% vào GDP của cả nước, trong đó GDP khu vực I khoảng 40%. ĐBSCL đã có 3 trong 6 mặt hàng nông nghiệp cả nước đạt kim ngạch từ 3-5 tỉ/năm là gạo, tôm và cá tra, các sản phẩm xuất khẩu thủy sản  của vùng đã có mặt tại 135 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, hiện nay phát triển nông nghiệp và thủy sản, đặc biệt sản phẩm chủ lực về thủy sản, cây ăn quả, vùng ĐBSCL bị áp lực rất lớn về: Khan hiếm tài nguyên nước và suy thoái đất đai do tác động BĐKH và phát triển đập thượng nguồn và quản lý tài nguyên kém hiệu quả; Sản phẩm chủ lực vùng bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt; Chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực kém bền vững do nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, chuỗi bị cắt khúc; Xu thế về phát triển CN4.0 là cơ hội và cũng là thách thức cho sản phẩm chủ lực,…

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh nhận định, do tính phức tạp vùng ĐBSCL về ứng phó biến đổi khí hậu, về an ninh nguồn nước, do đó nghiên cứu và phát triển KH&CN đòi hỏi mang tính đa ngành, hệ thống, mạng lưới và liên kết vì thế các lĩnh vực KH&CN cần quan tâm: lĩnh vực công nghệ sinh học, lĩnh vực sau thu hoạch, kỹ thuật và quản lý đầu vào cho sản xuất, chế biến thực phẩm, lĩnh vực KH tự nhiên, lĩnh vực KHXH,…

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, ngoài định hướng các lĩnh vực KHCN về liên ngành, mạng lưới và liên kết để góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương về phát triển bền vững ứng phó BĐKH và tái cơ cấu nông nghiệp, việc ứng dụng 8 hình thức nông nghiệp thông minh và lồng ghép KH&CN liên ngành và CN 4.0 là: cấu trúc – thực hiện và hiệu quả thị trường; quản lý tài nguyên theo hệ sinh thái và sản phẩm; Thông minh về giống đạt 3 chuẩn: thị trường – BĐKH – chất lượng; Về giảm đầu vào, vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng chất lượng; Tiết kiệm nước ứng phó BĐKH hiệu quả; Phát triển xanh và giảm khí thải nhà kính; Tổ chức sản xuất (HTXNN, DN nông thôn, trang trại, ND-DN trong cánh đồng lớn); Lồng ghép chính sách NQ 120CP và QĐ1819TTg và kêu gọi đầu tư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh cũng đề xuất, thành lập mạng lưới và liên kết khoa học công nghệ liên ngành để thúc đẩy thực hiện thành công Nghị quyết 120/CP và Quyết định 1819/TTg là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, sớm phát triển trung tâm thông tin và dữ liệu vùng để thực hiện mạng lưới khoa học công nghệ nêu trên; nghiên cứu, phát triển quản lý và sử dụng nước rất quan trọng đến an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền nông nghiệp thông minh kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 đồng thời với thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tiếp cận nâng cấp chuỗi giá trị và lồng ghép cộng đồng để phát triển mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đề xuất, cần có chính sách thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Ông Tuấn cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng KH&CN phát triển nông nghiệp – nông thôn cần chú trọng tăng đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân; cải thiện tiếp cận tín dụng cho nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Nhà nước cần có chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề và chuyển đổi lao động cũng như đổi mới quản lý nhà nước…

Đề cao vai trò ứng dụng KH&CN trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng, hiệu quả cao Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) khẳng định, KH&CN có vai trò rất lớn, tác động tích cực đến chuỗi giá trị cung ứng gạo. Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, những tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng triệt để, căn cơ góp phần đưa ngành lương thực của tập đoàn ngày càng phát triển, doanh nghiệp cũng như nông dân và cả nền kinh tế cùng hưởng lợi.

Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh nhằm phân hủy rơm rạ sau khi thu hoạch để làm phân bón ngay tại ruộng; công nghệ tưới nước luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô giúp giảm chi phí tưới nước, giúp rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất giảm được đổ ngã cũng như giảm phát thải khí nhà kính methane; trồng lúa công nghệ cao; triển khai dự án sản xuất lúa gạo bền vững…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam giới thiệu những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực chọn tạo và nhân giống cây ăn quả chất lượng cao, góp phần giúp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phát huy tiềm năng và thế mạnh trồng cây ăn quả đặc sản trong tình hình biến đổi khí hậu đang đòi hỏi phải tái cấu trúc nền nông nghiệp cũng như chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái.

Để góp phần vào việc phát triển ngành hàng rau, hoa và quả, nhiều tiến bộ KH&CN về kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật và công nghệ sau thu hoạch đã được Viện Cây ăn quả chuyển giao để sản xuất hiệu quả. Nhiều giống cây trồng mới xuất xứ từ Viện đã giúp nông dân sản xuất hiệu quả như: Giống thanh long ruột đỏ LD91, giống thanh long ruột tím hồng LD95, giống cam sành không hạt LD 6…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh hoan nghênh những ý kiến đóng góp thiết thực của các nhà khoa học, các doanh nhân cũng như các cấp, các ngành có liên quan. Bộ trưởng cho rằng, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và quan tâm ứng dụng KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực trước tình hình biến đổi khí hậu gay gắt đang là vấn đề thời sự nóng bỏng cần được các địa phương, bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học cũng như mọi tầng lớp nông dân trong khu vực quan tâm.

Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh, đối với Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, những vấn đề cụ thể đang đặt ra là cần thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng và đề cao hơn nữa vai trò KH&CN, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất; xây dựng nền nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi giá trị mà những sản phẩm chủ lực của vùng là lúa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, thủy hải sản…

 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

 

Những đề xuất và kiến nghị của các nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân, các địa phương sẽ được Ban Tổ chức đúc kết, tổng hợp và được các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụ thể hóa trong thời gian tới thông qua những giải pháp khả thi nhằm đưa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò KH&CN thúc đẩy tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp và phát triển sản phầm chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long vào đời sống, nông dân hưởng lợi và nông nghiệp – nông thôn đổi mới.

Tại Hội nghị, đại diện các Doanh nghiệp trong Vùng đã chia sẻ các mô hình ứng dụng KH&CN như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cá tra; Ứng dụng KH&CN để phục vụ phát triển trái cây vùng ĐBSCL theo hướng tăng cường xuất khẩu vào các thị trường Âu, Mỹ; Ứng dụng KH&CN trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo chất lượng, hiệu quả cao...

Ngoài ra, bên lề hội thảo còn có hoạt động trưng bày sản phẩm chủ lực phát triển công nghệ đã thu hút đại biểu và các doanh nghiệp tham gia.

 

Hoạt động trưng bày sản phẩm chủ lực phát triển công nghệ đã thu hút đại biểu và các doanh nghiệp tham gia.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 3186

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)