Thứ hai, 23/07/2018 20:59 GMT+7

Ứng dụng công nghệ tự động hóa và IoT trong nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 20/7/2018, tại Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN đã tổ chức thành công Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tự động hóa và IoT trong nông nghiệp công nghệ cao”.

Hội thảo có sự tham gia của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, đại diện các Trung tâm thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ, các trường chuyên về nông nghiệp như Viện Rau quả, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Nông lâm Thái Nguyên,… công ty Murata (Nhật Bản), tập đoàn FPT và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp KHCN khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp tại Việt Nam cũng như sự cần thiết phải có các công nghệ mới ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ tự động hóa và IoT.
 

Ông Trần Vũ Tuấn Phan phát biểu khai mạc Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã chia sẻ một số xu hướng trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay như thủy canh, nông nghiệp chính xác… Công nghệ cao đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng với rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, với nhiều người nông dân, đặc biệt là những người dân trồng rau, có rất nhiều điểm yếu khi áp dụng công nghệ 4.0 như sự sẵn sàng đổi mới để tham gia, nguyên liệu đầu vào thấp, công lao động rẻ…
 

ThS. Vũ Kim Thoa – Viện Đại học Mở Hà Nội chia sẻ về “Công nghệ thủy canh: xu hướng, nhu cầu và khó khăn cần giải quyết tại thị trường Việt Nam”

 

TS. Nguyễn Thị Tân Lộc – Viện Rau quả với bài chia sẻ “Thực trạng, cơ hội và thách thức phát triển ngành hàng rau có áp dụng công nghệ 4.0: góc nhìn từ thực tiễn”.
 

Ông Đặng Hoàng Anh Tuấn – Trung tâm Công nghệ Vật liệu.
 

Một khái niệm mới được chuyên gia Đào Duy Thoại đến từ tập đoàn FPT đưa ra đó là nông nghiệp chính xác. Nông nghiệp chính xác là khái niệm quản lý nông nghiệp dựa trên việc quan sát, đo lường và ứng phó với sự biến đổi nội đồng, liên nội đồng trong cây trồng. Mục tiêu của nghiên cứu nông nghiệp chính xác là xác định một hệ thống hỗ trợ quyết định cho quản lý toàn bộ trang trại với mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận trên đầu vào trong khi vẫn bảo tồn tài nguyên môi trường. Hệ thống nông nghiệp chính xác bao gồm rất nhiều thành phần như hệ thống phân tích dữ liệu và hỗ trợ quyết định, hệ thống lưu trữ thông tin mở rộng, hệ thống điều khiển/dẫn đường… Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi áp dụng nông nghiệp chính xác như lợi thế về khí hậu, truyền thống canh tác, thu nhập bình quân tăng lên, nhu cầu về thực phẩm sạch cũng tăng, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cho chúng ta khi năng suất lao động trong nông nghiệp thấp, chiếm 47% lao động nhưng chỉ tạo được 18% GDP, nhân công giá rẻ và vốn đầu tư ít…
 

Ông Đào Duy Thoại – Tập đoàn FPT với phần chia sẻ “Thiết kế hệ thống IoT cho nông nghiệp chính xác”.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.
 

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế-xã hội, nông nghiệp ngày càng được coi trọng và đầu tư. Nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Để nông nghiệp có được những bước phát triển mới, cần có sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ không chỉ của các nhà khoa học mà cả các cơ quan ban ngành, các trường đại học, các doanh nghiệp và cả của những người nông dân cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng vì một nền nông nghiệp bền vững.

Nguồn: Viện Ứng dụng Công nghệ

Lượt xem: 3327

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)