Thứ hai, 02/07/2018 15:57 GMT+7

Chính sách đặc thù cho nghiên cứu khoa học cơ bản

Trong khi nghiên cứu ứng dụng đang được các viện nghiên cứu, trường đại học tập trung phát triển, thì nghiên cứu cơ bản (NCCB) vẫn chưa được quan tâm tương xứng. Ðã có tình trạng các nhà khoa học NCCB chuyển việc, gây lo lắng thiếu nhân lực, thiếu các công trình nghiên cứu làm cơ sở cho nghiên cứu ứng dụng sau này. Do đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên cho NCCB.

Nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học tại Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ, Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: ÐĂNG KHOA
 

Thực tế, có nhiều kết quả NCCB chưa được ứng dụng, phải cất "ngăn kéo", khiến xã hội hiểu nhầm, cho rằng đó là những nghiên cứu không hiệu quả, gây lãng phí. Theo nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Nguyễn Quân, những đề tài NCCB là quan trọng, cần thiết vì nó đặt nền móng cho nghiên cứu ứng dụng và nhiều khi chưa thể ứng dụng ngay được. NCCB nằm "ngăn kéo" là để chờ cơ hội, có thể là nhiều năm sau, khi nền KH và CN đủ trình độ mới ứng dụng các NCCB. Nhiều chuyên gia cho rằng, những quốc gia mạnh về công nghệ ứng dụng đều là những nước có nghiên cứu khoa học cơ bản phát triển. Ở đó, NCCB được xem như yếu tố sống còn trong việc xác lập vị thế của quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Trong những năm gần đây, một số cơ quan tại Việt Nam bị tin tặc tiến công vào hệ thống thông tin. Sau khi các chuyên gia vào cuộc phát hiện, hầu hết các đơn vị đều nhập công nghệ, phần mềm của nước ngoài. Do đó dẫn tới tình trạng phụ thuộc công nghệ lõi, công nghệ nguồn và xảy ra nhiều rủi ro khi tin tặc có thể nắm quyền kiểm soát, nếu hệ thống không nhanh chóng cập nhật các bản vá lỗi. Nếu Việt Nam tự phát triển công nghệ an ninh mạng, sẽ hạn chế rủi ro và có thể chủ động trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý sớm sự cố. Ðể làm được điều này, các nhà toán học phải nghiên cứu về mã hóa và làm chủ nhiều lĩnh vực NCCB khác. GS, TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho rằng, Việt Nam có thể theo kịp các nước trong khu vực nếu sản xuất được những mặt hàng tốt hơn, NCCB tốt hơn các nước khác. Về lâu dài, đất nước muốn phát triển phải có một nền khoa học NCCB đạt ngưỡng trung bình, nếu chỉ nhập công nghệ thì sẽ không bao giờ đuổi kịp các quốc gia khác. Ðây cũng là chủ trương của Bộ KH&CN khi quyết định phát triển và làm chủ công nghệ vi mạch tại Việt Nam vào năm 2011, với việc đầu tư vào dự án "Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng". Dự án này tại thời điểm đó có kinh phí lên tới 145 tỷ đồng khiến nhiều ý kiến băn khoăn, Việt Nam nên hay không nên đầu tư vào một dự án vốn đã lạc hậu so với sự phát triển công nghệ chip của thế giới. Bộ KH và CN đã khẳng định, Việt Nam phải có hệ thống các công nghệ nền tảng, phải tự làm chủ từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo, qua đó sẽ từng bước tiếp cận với nền công nghệ của thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế đã chứng minh, do được đầu tư xứng đáng, dự án đã thành công, tạo bước đột phá cho khoa học Việt Nam, là tiền đề để các nhà khoa học tạo ra những sản phẩm công nghệ mang thương hiệu Việt, bớt phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng, "đóng cửa" với NCCB sẽ làm các trường đại học, các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu thiếu vắng các giáo sư và nhà khoa học trẻ xuất sắc. Do đó, cần tạo không gian cho NCCB, dành ưu tiên cao nhất để tạo dựng một môi trường làm việc tốt, để từ đó làm nền tảng cho các tài năng nở rộ và giữ được người tài ở lại làm việc trong nước. Việt Nam nên hình thành một vài trung tâm chất lượng cao, thu hút những nhà khoa học giỏi làm việc, cùng với đó là chế độ tiền lương thỏa đáng để họ không bị phân tâm trong công việc, khắc phục được tình trạng "chảy máu chất xám" như hiện nay. TS Ðỗ Quốc Tuấn, Khoa Vật lý, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Ðại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở các nước, với chế độ đãi ngộ và tiền lương thỏa đáng, nhà khoa học toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu. Ðấy là lý do khiến NCCB ở nước ngoài phát triển vượt bậc, khi NCCB phát triển sẽ thúc đẩy sự đi lên của quốc gia.

Tại Việt Nam, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể đối với môi trường làm việc cho các nhà khoa học, nhất là khoa học cơ bản, nhưng vẫn cần có cơ chế chính sách đặc thù hơn nữa, để những người say mê làm khoa học yên tâm làm việc và đóng góp cho đất nước. Theo Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh, Nghị quyết T.Ư 6 khóa XII về phát triển KH và CN, Luật KH và CN và các chương trình của Chính phủ đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt cho NCCB. Gần đây, NCCB đã được quan tâm với những chương trình đầu tư nghiên cứu cho từng lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như Toán học, Vật lý, Khoa học sự sống, Tin học; sẽ tăng cường NCCB, nghiên cứu hoạch định đường lối, chính sách để phát triển đất nước, quan tâm NCCB có trọng tâm, trọng điểm.

Hiện nay, số lượng các nghiên cứu công bố quốc tế tăng lên từ 15% đến 20% hằng năm, giúp khoa học NCCB của Việt Nam từng bước tiệm cận với trình độ thế giới. Tuy các nghiên cứu ứng dụng đang được quan tâm, coi trọng nhưng trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà khoa học kiến nghị, cần phát triển đồng thời NCCB và nghiên cứu ứng dụng, dành kinh phí phù hợp cho NCCB tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Bởi vì NCCB đóng góp cho tri thức nhân loại và làm nền tảng để khoa học Việt Nam phát triển, tạo ra sản phẩm trong tương lai.

 

Liên kết nguồn tin: http://www.nhandan.com.vn/khoahoc/item/36857102-chinh-sach-dac-thu-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-co-ban.html

 

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 4189

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)