Thứ sáu, 18/05/2018 12:35 GMT+7

Vinh danh 3 nhà khoa học nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là sự kiện gắn liền với Kỷ niệm Ngày KH&CN 18/5 - Ngày hội của những người làm công tác nghiên cứu khoa học, quản lý khoa học, của các doanh nghiệp có tinh thần đổi mới sáng tạo; là điểm hẹn thường niên để cộng đồng KH&CN cả nước tổ chức các sự kiện có ý nghĩa thiết thực vừa để ghi nhận những nỗ lực, thành công của ngành KH&CN đóng góp cho kho tàng tri thức cũng như phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, vừa để thảo luận, định hướng hoạt động nhằm hướng đích các mục tiêu của ngành KH&CN nói riêng, của đất nước nói chung trong ngắn hạn và dài hạn.

Toàn cảnh lễ trao giải.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 sáng ngày 18/5. Đây là một trong số các sự kiện quan trọng, thiết thực chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5).

Tham dự buổi Lễ có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương.

Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, có sự tham dự của đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đồng chí Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.

Buổi Lễ còn có sự tham dự của Đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu; các nhà khoa học, đại biểu đại diện cho các tổ chức khoa học và công nghệ, các thành viên Hội đồng Giải thưởng và các nhà khoa học đã được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu, sinh viên các trường đại học; các cơ quan thông tấn, báo chí. Đặc biệt, tham dự Lễ trao Giải thưởng còn có GS. TS. Pierre Darriulat, người đã đồng hành cùng Giải thưởng Tạ Quang Bửu suốt 5 năm qua.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại lễ trao giải.
 

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo đã được khẳng định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực cùng với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Cùng với đó, việc tổ chức trao tặng các giải thưởng về khoa học và công nghệ cũng đã góp phần động viên các nhà khoa học tiếp tục hăng say nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước.

Thời gian qua, ngành KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, trong đó chú trọng đến đồng hành, gắn kết và phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chuyển mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu sang chế độ hậu kiểm; tham gia trực tiếp vào các chuỗi sản xuất-kinh doanh ; ... để phục vụ hiệu quả cho việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Song hành với những vấn đề nêu trên, khoa học cơ bản vẫn nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ Chính phủ. Việc thúc đẩy thực hiện các Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 cũng như là đưa vào vận hành 02 Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý được UNESCO công nhận là mục tiêu quan trọng của ngành KH&CN. Đây sẽ là môi trường nền tảng, cùng với các chương trình KH&CN của các Bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng tới gặt hái được những kết quả, công trình nghiên cứu ở tầm quốc tế như những công trình đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trao.

“Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng thường niên của Bộ Khoa KH&CN nhằm tôn vinh những nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Qua 5 năm tổ chức xét tặng, Giải thưởng đã nhận được sự đánh giá, ghi nhận tích cực của cộng đồng các nhà khoa học như một Giải thưởng uy tín, nghiêm túc, chất lượng. Giải thưởng đã góp phần động viên, khích lệ các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN hướng tới những nghiên cứu chất lượng cao tại Việt Nam; cổ vũ cho việc xây dựng môi trường học thuật, sáng tạo và thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đủ tầm thực hiện những công trình nghiên cứu ở trình độ quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 

GS Nguyễn Đức Chiến – Đại diện Hội đồng Giải thưởng phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.
 

GS. Nguyễn Đức Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho biết: Năm 2018, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 54 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 09 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 nhận định các công trình năm nay đều có chất lượng tốt, được xuất bản trên các tạp chí có uy tín và một vài trong số đó có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Ngày 10/5/2018, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Quyết định số 1226/QĐ-BKHCN, trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2018 cho 03 nhà khoa học được Hội đồng Giải thưởng đề xuất, bao gồm:

Tác giả của công trình khoa học xuất sắc: TSKH. Trần Đình Phong, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là tác giả chính của công trình trong lĩnh vực Vật lý: “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” (“Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide”). Công trình được công bố trong Nature Materials, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới về Khoa học vật liệu.

PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” (In vitro digestibility and in vivo glucose response of native and physically modified rice starches varying amylose contents). Công trình được công bố trong Food Chemistry, Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Nông nghiệp và Sinh học.

Nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc: TS. Đỗ Quốc Tuấn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là tác giả công trình khoa học trong lĩnh vực Vật lý: “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng” (Higher dimensional nonlinear massive gravity). Công trình được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực Vật lý.
 

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng cho TSKH Trần Đình Phong và PGS.TS Phạm Văn Hùng.
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trao tặng Giải thưởng cho TS. Đỗ Quốc Tuấn.
 

Cũng theo GS. Nguyễn Đức Chiến , số lượng hồ sơ đề xuất năm nay khá lớn một mặt chứng tỏ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ngày càng có chất lượng hơn, công bố ở các tạp chí quốc tế được xếp hạng cao hơn trong từng lĩnh vực. Mặt khác, điều đó cũng cho thấy các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học trẻ, rất quan tâm đến giải thưởng Tạ Quang Bửu. Các công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên các tạp chí hàng đầu quốc tế góp phần nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên thế giới, đóng góp vào kho tàng kiến thức chung của nhân loại.

“Quỹ NAFOSTED góp phần quan trọng vào việc thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt về tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, một nhân tố quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam”, GS. Nguyễn Đức Chiến nhấn mạnh.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là Giải thưởng của Bộ KH&CN, do Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia làm Cơ quan thường trực, được tổ chức hằng năm nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Giải thưởng góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng, KH&CN Việt Nam nói chung. Các nhà khoa học đoạt Giải thưởng phải có những đóng góp chủ đạo trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và công bố các kết quả thu được trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
 

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học đạt giải.
 

Giải thưởng được xét tặng cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, bao gồm: Khoa học tự nhiên (Toán học, Khoa học máy tính và thông tin; Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học, Khoa học tự nhiên khác), Khoa học kỹ thuật và công nghệ, Khoa học y dược và Khoa học nông nghiệp.

Cơ cấu Giải thưởng Tạ Quang Bửu bao gồm: Từ một (01) đến ba (03) Giải thưởng chính và một (01) Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi).

Nhà khoa học đoạt giải thưởng sẽ được nhận Bằng chứng nhận Giải thưởng của Bộ trưởng Bộ KH&CN và tiền thưởng 200 triệu đồng (đối với Giải thưởng chính) hoặc 50 triệu đồng (đối với Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ).
 

 Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. HCM là tác giả chính của công trình khoa học trong lĩnh vực Sinh học Nông nghiệp: “Khả năng tiêu hóa in vitro và sinh đường in vivo của các loại tinh bột gạo có hàm lượng amylose khác nhau và tinh bột gạo biến đổi bằng phương pháp vật lý” phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. 
 

Sau 5 năm triển khai, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã nhận được 227 hồ sơ đăng ký với 14 nhà khoa học được vinh danh, trong đó có 11 nhà khoa học là tác giả của công trình khoa học xuất sắc trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học Thông tin và Máy tính, Khoa học trái đất và môi trường, Sinh học - Nông nghiệp và 03 nhà khoa học trẻ trong các lĩnh vực Toán học và Vật lý.

Đồng hành với Giải thưởng năm 2018 là:  Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA), Trường Đại học Thành Tây, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG-HCM (INOMAR).

 

TS.  Đỗ Quốc Tuấn, nhà khoa học trẻ là tác giả của công trình khoa học xuất sắc vui mừng cho rằng: hôm nay, dường như tôi đã có trọn niềm vui nho nhỏ của một nhà khoa học với sự nghiệp nghiên cứu còn non trẻ. Ngày 18/5, ngày được chính phủ chọn để tôn vinh các nhà khoa học với những công việc nghiên cứu, giảng dạy khoa học thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng.  Với việc xây dựng nên giải thưởng mang tên vị Bộ trưởng, nhà khoa học tài ba, Tạ Quang Bửu, để vinh danh các nghiên cứu cơ bản xuất sắc của các nhà khoa học làm việc trong nước, Bộ KH&CN đã cho xã hội thấy sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của khoa học cơ bản nước nhà. Đây là một việc làm hết sức kịp thời và đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khoa học cơ bản dường như đang bị xem nhẹ hơn so với khoa học ứng dụng.

 

 

 

PGS.TS Phạm Văn Hùng: Là một nhà khoa học, tôi nhận thấy rằng mỗi công trình nghiên cứu, dù là cơ bản hay ứng dụng, để có được các kết quả xuất sắc, đều phải xuất phát từ tình yêu và niềm đam mê công việc. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần được tự chủ trong nghiên cứu để được tự do sáng tạo.

Vừa qua, việc thành lập và triển khai mô hình tài trợ đề tài nghiên cứu khoa học qua quỹ Nafosted của Bộ Khoa học và Công nghệ với đặc điểm nổi bật là sự công bằng và tính minh bạch trong quá trình xét chọn, nghiệm thu và thanh quyết toán đề tài đã được các nhà khoa học đánh giá cao. Các nhà nghiên cứu trẻ có năng lực đã không còn băn khoăn làm thế nào để có được kinh phí nghiên cứu. Nhờ đó, số lượng công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí thuộc danh mục ISI đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua.

Chúng tôi mong muốn Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới các cơ chế, chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và tăng tính tự chủ trong công tác nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và có các công bố khoa học xuất sắc; mong muốn có điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để đưa những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu trở thành các sản phẩm ứng dụng trong thực tế.
 

TSKH. Trần Đình Phong: Tôi muốn nói rằng, những người làm nghiên cứu, dù có cho mình một định hướng ứng dụng thật lớn, thật hoàn hảo thì cũng hiểu rằng con đường đi tới nó nhiều khi không hẹn trước và chúng tôi cũng chuẩn bị cho mình tinh thần của người không thành công. Tuy nhiên trên con đường đi đó rất có thể chúng tôi có những phát hiện khác, bất ngờ và hữu ích.

Nhưng cho dù không có những khám phá công nghệ nổi bật như vậy thì vẫn có một giá trị chắc chắn mà các nghiên cứu nghiêm túc đem lại: đào tạo con người, những người có đầu óc phân tích và sáng tạo trong việc tìm kiếm và giải quyết vấn đề.

Tôi mong rằng có một sự thấu hiểu và tin tưởng giữa các nhà quản lí khoa học và các nhà khoa học. Có niềm tin, các nhà khoa học sẽ chỉ có nhiệm vụ duy nhất làm tốt hơn nữa công việc của mình mà không phải bận tâm tìm hiểu các nguyên nhân khác, dù có dù không, khi nghiên cứu của mình chưa nhận được tài trợ. Có niềm tin, các nhà quản lí có thể dần đơn giản hóa các thủ tục hành chính giúp các nhà khoa học bớt thời gian làm các việc ngoài khoa học. Tôi tin rằng khi đó hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao.

 

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3631

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)