Thứ năm, 10/05/2018 18:32 GMT+7

Phát triển KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư

Trong khuôn khổ Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ XVII, chiều ngày 10/5 tại Lào Cai, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Phan Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa; đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo và cán bộ các Sở KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc; các đại biểu đến từ viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức KH&CN trung ương và địa phương; đại diện văn phòng tỉnh ủy, văn phòng UBND, HĐND, các sở, ban, ngành UBND cấp huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai; đại diện hiệp hội, doanh nghiệp...

Hội thảo là cơ hội giúp các nhà quản lý, các nhà khoa học định hướng được những nhiệm vụ, giải pháp khoa học, giải pháp tổ chức thực hiện thiết thực đối với từng địa phương để tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (I4.0), phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng cũng như của đất nước.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã khái quát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với việc tiếp cận I4.0 tại Chỉ thị số 16/CT-CP và kế hoạch triển khai của Bộ KH&CN thực hiện Chỉ thị số 16.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, I4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội nhất là ở các quốc gia phát triển. I4.0 mang đến cho nhân loại nhiều cơ hội để thay đổi phương thức sản xuất, đời sống sinh hoạt và các hoạt động của phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía Bộ KH&CN thời gian qua đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và ngày 4/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-CP về tăng cường năng lực tiếp cận I4.0.

Gần đây, tại Hội trảo - Triển lãm Quốc tế về phát triển công nghiệp thông minh do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 5/12/2017 tại Hà Nội với chủ đề “Định hình và phát triển nền sản xuất công nghiệp thông minh trong tương lai”, trong phát biểu khai mạc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, Việt Nam cần xác định đang ở đâu trên con đường phát triển và tiếp cận, đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật, thực tiễn nền kinh tế, nền sản xuất trong nước, từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức, đe dọa khi tiếp cận công nghiệp lần thứ tư; cần xác định thế giới đang làm gì để phát triển trong xu thế của cuộc Cách mạng này, Việt Nam cần làm gì để phát triển nền kinh tế số, đón bắt xu thế phát triển của I4.0.

Thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ, ngày 30/6/2017 Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 1749 về Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN thực hiện Chỉ thị số 16, trong đó đã cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ KH&CN được phân công tại Chỉ thị số 16, để tổ chức triển khai đồng bộ góp phần chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của I 4.0 đối với VN.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, một số vấn đề trọng tâm trong Kế hoạch hành động của Bộ KH&CN tập trung vào một số lĩnh vực gồm: 1. Tập trung thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đmst quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; 2. Tập trung xây dựng, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; 3. Phối họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan kết nối các chương trình, nhiệm vụ KH&CN; 4. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp kịp thời thông tin để định hướng dư luận nhận thức đúng về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; 5. Rà soát, xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN để tổ chức triển khai phù hợp xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; 6. Phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc tổ chức lựa chọn, đề xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra một số năm trước đây đối với các nước phát triển, nhưng đối với Việt Nam mới diễn ra gần đây, để tiếp cận được với cuộc Cách mạng này không chỉ cần sự tập trung trí tuệ của nhiều Bộ, ban ngành trong cả nước mà đòi hỏi sự vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành kết hợp tìm hiểu kinh nghiệm của các nước đã có mô hình được xây dựng thành công”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay.

Trung du và miền núi phía Bắc tiếp cận với I 4.0

Đối với Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có nhiều khó khăn hơn so với các vùng kinh tế khác của nước ta, do vậy, việc tiếp cận với I4.0 trong bối cảnh cụ thể của địa phương, của Vùng như thế nào?, phải chuẩn bị những gì? nắm bắt cơ hội như thế nào?… để có thể tiếp cận thành công các thành tựu của cuộc cách mạng này nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, những thuận lợi, đồng thời có được những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó, giải quyết những khó khăn hạn chế, trên cơ sở đó KH&CN phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.

Tại Hội thảo khoa học này, với sự có mặt của các nhà khoa học, nhà quản lỷ của Vùng, các đại biểu đã được nghe thông tin tiếp cận I4.0 trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc và các báo cáo tham luận để làm rõ thêm những việc cần làm đối với hoạt động KH&CN nhằm tăng cường năng lực tiếp cận với I4.0; xác định được những cơ hội cũng như thách thức đặt ra đối với từng địa phương trong vùng, trong toàn vùng và đối với Việt Nam hiện nay. Tại Hội thảo các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận về chủ đề “Phát triển KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh phát biểu tại Hội thảo.
 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Thanh cho biết, I4.0 đang làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất quản lý quản trị trên toàn thế giới, tác động đến mọi lĩnh vực và đời sống xã hội. Ý thức được sự tác động to lớn của I 4.0 và thực hiện Chỉ thị số 16 ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận I4.0, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp các ngành chủ động nghiên cứu, tiếp cận và triển khai thực hiện các biện pháp nhằm thích ứng với I4.0. Cùng với đó là tăng cường hợp tác nghiên cứu và triển khai với các trường đại học viện nghiên cứu lớn và các tập đoàn công nghiệp lớn trong nước; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, giao ban trực tuyến từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn, đẩy mạnh xây dựng đề án đô thị thông minh (Y tế thông minh, giáo dục thông minh, du lịch thông minh, giao thông thông minh….); ban hành Kế hoạch của tỉnh Hỗ trợ hệ sính thái khởi nghiệp giai đoạn 2017-2020; Triển khai Dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đẩy manh liên kết ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất và đời sống; bước đầu xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

“Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong khu vực, hoạt động KH&CN của tỉnh Lào Cai vẫn còn không ít những hạn chế, chắc chắn phải đối mặt vô số thách thức dể thích ứng với sự tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư khi mà cơ bản nông nghiệp và công nghiệp của tỉnh vẫn còn ở trình độ Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai”, ông Đặng Xuân Thanh thẳng thắn chia sẻ.

Trước những cơ hội và tác động tích cực, tiêu cực mà I 4.0 mang lại, với đặc điểm kinh tế - xã hội và đặc thù về địa lý của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc, TS. Nguyễn Võ Hưng, đại diện Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đã đưa ra khuyến nghị với các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đó là: Thứ nhất, cần xác định, lựa chọn lĩnh vực, chuỗi giá trị nào mà địa phương có thể tham gia dựa trên lợi thế so sánh của địa phương mình, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch – là những lĩnh vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có lợi thế. Thứ hai, chú trọng đến các yếu tố dẫn dắt liên quan đến Công nghệ và ĐMST, Vốn con người và Nguồn lực bền vững. Thứ ba, thu hút, khuyến khích sự tham gia và hợp tác của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong việc tham gia vào các chuỗi giá trị địa phương và chuỗi giá trị của Việt Nam, chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam tham gia. Thứ tư, khuyến khích các hoạt động sáng kiến cải tiến kĩ thuật của người dân; tăng cường hỗ trợ, phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng kĩ thuật – công nghệ trong hoạt động sáng kiến, cải tiến kĩ thuật của người dân. Phát huy tri thức bản địa trong việc quản lí và khai thác, sử dụng các nguồn lực bền vững. Thứ năm, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo vùng.

Kết thúc Hội thảo Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao sự có mặt và đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo và đề nghị các cơ quan quản lý KH&CN ở địa phương, các tổ chức KH&CN, nhà khoa học, các doanh nghiệp cần có sự liên kết, trao đổi thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh I4.0.
 

Các đại biểu tham dự Hội thảo thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm ứng dụng KH&CN trong khuôn khổ Hội thảo và Hội nghị Giao ban KH&CN vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Vụ Phát triển KH&CN địa phương

Lượt xem: 5566

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)