Thứ năm, 10/05/2018 16:23 GMT+7

Lợi ích kép từ sở hữu trí tuệ

Câu chuyện chuyển nhượng thành công bản quyền giống lúa TH3-3 của PGS-TS. Nguyễn Thị Trâm cho thấy, muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tạo ra hiệu quả kinh tế cao và tác dụng xã hội tích cực, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền, được nông dân và doanh nghiệp (DN) cùng chấp nhận. Đó cũng chính là đích đến của nghiên cứu khoa học.

PGS - TS. Nguyễn Thị Trâm (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) giới thiệu giống lúa do bà và các cộng sự nghiên cứu

 

Kiếm tiền tỷ từ bản quyền

PGS-TS. Nguyễn Thị Trâm đã từng gây chấn động giới khoa học Việt Nam bởi giống lúa lai hai dòng TH3-3 do bà và các cộng sự nghiên cứu, chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục lên tới 10 tỷ đồng. Trước đó, chưa từng có giống lúa nào ở Việt Nam lại được bán bản quyền với giá cao như vậy.

Chia sẻ tại chương trình tọa đàm “Nữ trí thức và công cụ sở hữu trí tuệ (SHTT) trong đổi mới sáng tạo” do Cục SHTT tổ chức mới đây, PGS-TS. Nguyễn Thị Trâm cho biết: Năm 1999, bà lập nhóm nghiên cứu tự nguyện với mục đích tạo ra các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng phù hợp cho các vụ, vùng trồng lúa phía Bắc nước ta. Thành quả nghiên cứu đầu tiên của nhóm là giống lúa TH3-3 ra đời.

Năm 2007, giống TH3-3 được cấp bằng SHTT. Bà Trâm và nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện công nghệ sản xuất hạt giống nhanh, liên kết với DN cùng trình diễn, tạo cơ hội để DN hiểu nhu cầu thị trường và giá trị giống mới đầy đủ hơn. Nhờ vậy, DN sẵn sàng mua bản quyền sớm với giá cao. “Giống TH3-3 bán được giá cao đã khích lệ nhiều người chọn tạo và đăng ký bảo hộ giống lúa mới. Trong gần 20 năm, chúng tôi đã có 10 bằng bảo hộ, chuyển nhượng được 6 bản quyền trọn gói, thu được 16,4 tỷ đồng và 1 bản quyền chuyển nhượng theo hình thức cùng khai thác” - PGS-TS. Nguyễn Thị Trâm nhấn mạnh.

Giá trị lan tỏa

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Trâm, lợi ích của việc xác lập và chuyển nhượng quyền SHTT không chỉ ở tiền thu từ bản quyền mà còn lớn hơn nhiều. Bởi, công ty mua bản quyền tập trung vào việc sản xuất hạt giống, cung cấp đủ số lượng theo nhu cầu và bảo đảm chất lượng với giá cạnh tranh bằng 50 - 60% giá giống nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cả DN và người nông dân.

Đơn cử, Công ty TNHH Cường Tân là công ty gia đình siêu nhỏ, thành lập năm 2005. Ngày đầu, công ty chỉ sở hữu vỏn vẹn 1 bàn làm việc trong nhà, 1 kho chứa 10 - 20 tấn thóc giống và thuốc trừ sâu, vài xe gắn máy làm phương tiện giao dịch. Từ khi mua bản quyền giống lúa TH3-3 vào tháng 6/2008, đến nay, công ty này đã biến cả một vùng nông thôn nghèo sản xuất manh mún của 3 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường (Nam Định) thành làng nghề lớn sản xuất hạt giống lai F1, với cánh đồng giống 500ha được quy hoạch đúng tiêu chuẩn cùng hệ thống cơ sở vật chất khang trang gồm khu điều hành, xưởng chế biến, khu kho máy nông nghiệp hiện đại…

Qua khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh giống lúa TH3-3 tại các địa phương cho thấy, Công ty Cường Tân đã sản xuất và bán được 1.950 tấn hạt giống TH3-3 thu lợi nhuận từ sản xuất giống là 21.935 triệu đồng. Đồng thời, nông dân giảm tiền mua hạt giống, thuốc trừ sâu bệnh mà năng suất TH3-3 lại tăng từ 9,6 - 14,5 tạ/ha/vụ so với giống đại trà khác; tổng lợi nhuận nông dân thu được là 437,73 tỷ đồng.

Theo Cục SHTT, để bảo vệ quyền lợi của mình, các nhà nghiên cứu nên đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt. Quyền lợi của tác giả được bảo vệ kể cả khi kết quả nghiên cứu chưa được duyệt cấp bản quyền, bởi Luật SHTT tại Điều 131 đã quy định về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/loi-ich-kep-tu-so-huu-tri-tue.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2747

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)