Thứ sáu, 20/04/2018 11:08 GMT+7

Khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5

Sáng 18/4/2018, tại Hà Nội đã chính thức diễn ra Lễ khai mạc Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 5 tại Hà Nội. Tại đây, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã tham gia một gian hàng triển lãm tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5.

Tới dự buổi Lễ có Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo... cùng đông đảo độc giả yêu quý sách.

Qua 4 năm thực hiện, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn.

Không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức, khẳng định vị thế quan trọng của sách trong xã hội, Ngày Sách Việt Nam và các hoạt động liên quan đến sách còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là thúc đẩy hơn nữa sự đóng góp, hỗ trợ sách cho các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi đang thiếu sách, khao khát thông tin, tri thức, đồng thời tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng. 
 

Toàn cảnh buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách “ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm”.
 

Đặc biệt, tại Ngày Sách Việt Nam lần thứ 5, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã tổ chức giao lưu và giới thiệu sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” của tác giả TSKH. Phan Xuân Dũng - một trong những nhà khoa học, nhà quản lý với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực KH&CN biên soạn.

Việt Nam đạt được thành tích về phát triển kinh tế và xã hội, đã giúp nâng cao thu nhập và giảm nghèo, nhưng hiện nay đang đứng trước ngã rẽ quan trọng. Giáo sư Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng: “Việt Nam đang phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình với một loạt các dấu hiệu đáng lo ngại. Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào việc tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo công nghệ và cần cải thiện đáng kể năng lực đổi mới sáng tạo trong nước”.

Ông Võ Tuấn Hải – Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, đây là cuốn sách có chất lượng cao, đưa ra cái nhìn một cách khoa học, mạch lạc về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nó như sợi dây xuyên suốt thể hiện quan điểm thống nhất về cách nhìn của nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong quá trình phát triển thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam.

KH&CN đang phát triển nhanh chưa từng có, tạo nên một cuộc Cách mạng KH&CN mới, thúc đẩy xã hội loài người bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, sự hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3 D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người – máy móc… Để không bị đẩy ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại, các nước đều phải tiến hành đổi mới và hội nhập để khai thác tốt nhất và hạn chế tối đa khó khăn do Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đưa tới.
 

TSKH Phan Xuân Dũng thăm gian hàng của NXB KH&KT.
 

Cuốn sách do TSKH Phan Xuân Dũng biên soạn với kinh nghiệm của người làm công tác lâu năm trong hoạch định chính sách, quản lý KH&CN đầy tâm huyết, thấm nhuần sâu sắc, nhuần nhuyễn tư tưởng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, tác giả đã giải nghĩa những nội dung cơ bản nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – một đề tài đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay.

Tại Tọa đàm, TSKH. Phan Xuân Dũng chia sẻ, chúng ta đang sống trong thế giới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà ở đó mọi sự thay đổi diễn ra một cách mau lẹ và năng động. Đó là cuộc cách mạng dựa trên các công nghệ nền tảng: dữ liệu lớn, điện toán đám mây, các robot thông minh và internet kết nối vạn vật…, là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa thế giới thực và ảo của các lĩnh vực như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, người máy, tích hợp con người – máy móc… Một thế giới mà sự phân loại các công nghệ chỉ là tương đối, khó mà tách biệt với nhau vì chúng quyện lẫn với nhau, tích hợp với nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Vì thế mà cuốn sách mới đặt tên là “Cuộc cách mạng của sự hội tụ”. Bối cảnh ra đời và thực tế đang diễn đã chứng minh mục đích cuộc cách mạng này là tiết kiệm trí tuệ và sức lao động, thời gian và không gian, tài nguyên và môi trường…cũng chính vì lẽ đó mà chúng tôi gọi cuộc cách mạng công nghiệp lần này là “cuộc cách mạng của sự tiết kiệm”.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả TSKH Phan Xuân Dũng.
 

Thông qua cuốn sách, tác giả mong muốn truyền tải câu chuyện về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hàm chứa sự thay đổi lớn lao, toàn diện, không chỉ về KH&CN mà còn cả kinh tế, văn hóa và xã hội. Với mong muốn câu chuyện sẽ là nguồn động lực thúc đẩy tư tưởng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp và hội nhập trong giới trẻ Việt Nam hiện nay, những con người sẽ chiếm lĩnh cơ hội mới, rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các quốc gia phát triển khác về trình độ công nghệ, về khoa học kĩ thuật, nâng cao vị thế quốc gia, đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2585

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)