Thứ tư, 07/03/2018 12:15 GMT+7

Khoa học và công nghệ đem lại những thành tựu mới cho y tế

Năm 2017, ngành y tế có những bước phát triển vượt bậc. Ðể tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngoài các giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thì công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ mới vào y tế tiếp tục được chú trọng.


Sản xuất vắc-xin tại Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế). Ảnh: Ðức Anh

 

Một số nhà khoa học đề nghị các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cần tập trung vào lĩnh vực y tế dự phòng nhằm đề phòng các dịch bệnh mới.

Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2017, GS.TS Ðỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ thành công mới nhất trong ứng dụng KH&CN của lĩnh vực y tế, đó là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện vào tháng 2-2017. Các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã phối hợp các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi cho một bệnh nhi 7 tuổi (Hà Giang). Ghép thùy phổi là việc làm khó, trong khi ca mổ này lại ghép cùng một lúc hai thùy phổi. Từ một người bị dị tật tim bẩm sinh, còi cọc, hiện tại, bệnh nhi đã trở lại cuộc sống, học tập bình thường.

Ca phẫu thuật thành công một phần nhờ kinh phí hỗ trợ từ việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não” do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y. Ca ghép phổi đầu tiên thực hiện thành công chứng minh trình độ KH&CN của Việt Nam trong lĩnh vực y học ngày càng phát triển, ngang tầm các nước. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ quy trình ghép các tạng như tim, gan, thận, nhiều quy trình đã triển khai rộng rãi, có hiệu quả, mang lại cuộc sống cho hàng nghìn người bệnh.

Nhiều cơ sở y tế đã ứng dụng thành công kỹ thuật sinh học phân tử, giúp chẩn đoán các bệnh nguy hiểm nhưng khó chẩn đoán bằng các kỹ thuật thông thường như bệnh huyết tán bẩm sinh, SARS, cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), cúm A (H7N9)... Một số thuốc bằng công nghệ sinh học được sản xuất như thuốc điều trị viêm gan B, viêm gan C, điều trị thiếu máu, giảm bạch cầu, viêm khớp. Các sản phẩm này đã và đang được thương mại hóa, mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp, thay thế thuốc nhập khẩu. Nhiều cơ sở y tế ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến trong việc sử dụng để chẩn đoán, điều trị ung thư. Các nhà khoa học trong nước thực hiện thành công nghiên cứu về giải trình tự gen hệ ty thể của một số tộc người Việt Nam, giám định gen hài cốt liệt sĩ, giải trình tự gen của các vi sinh vật gây bệnh.

Trong số 30 loại vắc-xin phòng bệnh trên thị trường thì các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công mười loại, đưa vào phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng, chủ động nguồn vắc-xin phòng nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong năm 2017, các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin phối hợp sởi - rubella do Nhật Bản chuyển giao, đưa Việt Nam trở thành nước thứ tư tại châu Á sản xuất được vắc-xin này. Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc sản xuất thành công vắc-xin phối hợp sởi - rubella là nền tảng cho việc phát triển các vắc-xin phối hợp năm trong một, sáu trong một thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Đánh giá các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y tế thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, các kết quả nghiên cứu đã tiệm cận trình độ khu vực và thế giới. GS.TS Ðỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho rằng: Năm 2018, Bộ KH&CN cần có các chương trình KH&CN trọng điểm tập trung vào lĩnh vực y tế dự phòng để phòng các dịch bệnh mới, các bệnh có nguy cơ; đồng thời, góp phần giải quyết tình trạng quá tải người bệnh tại các cơ sở y tế hiện nay. Trong bối cảnh khí hậu thay đổi nhiều, nguy cơ thảm họa lớn như bão, lũ, cháy nổ, ngành KH&CN cần có đột phá về y học thảm họa bằng nhiều đề tài nghiên cứu các yếu tố thiên nhiên và yếu tố do con người gây ra. Qua đó, tìm ra các biện pháp đáp ứng y tế khẩn cấp, cứu sống được nhiều người nhất.

TS. Ðỗ Tuấn Ðạt, Giám đốc Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 cũng cho rằng, về y tế dự phòng, Việt Nam có nhiều ưu thế trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, nhưng thiếu các cơ sở sản xuất thử nghiệm đạt tiêu chuẩn. Vừa qua, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) được thành lập, chọn lĩnh vực hoạt động là công nghệ sinh học. Thời gian tới, V-KIST cần giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cấp công nghệ để nâng cao năng suất sản xuất các sản phẩm sinh học đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Bộ KH&CN cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đề cập đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực y tế. Ðây là cơ sở để Bộ KH&CN tham mưu cho Chính phủ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phát triển KH&CN trong lĩnh vực y tế là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35690302-khoa-hoc-va-cong-nghe-dem-lai-nhung-thanh-tuu-moi-cho-y-te.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3064

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)