Thứ ba, 02/01/2018 16:30 GMT+7

Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ngày 21/12/2017, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN); ông Phạm Quang Trung – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ KH&CN; Lãnh đạo Viện NLNTVN; Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục trưởng PGS.TS.Nguyễn Tuấn Khải; Đại diện Cục Năng lượng nguyên tử, Cục trưởng TS. Hoàng Anh Tuấn; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cùng đại diện cán bộ công chức, viên chức của Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp các giáo sư và chuyên gia đầu ngành: GS. Phạm Duy Hiển – nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; GS. TS. Trần Đức Thiệp, Viện Vật lý; GS.TS. Lê Hồng Khiêm – Viện trưởng Viện Vật lý; GS.TS. Đào Tiến Khoa – nguyên Giám đốc Trung tâm Vật lý hạt nhân,Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện KH&KTHN); ông Andrey Stankevich – đại diện của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM); cùng đại diện của các cơ quan, các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.

 

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Viện NLNTVN

 

Bắt đầu chương trình Hội nghị, TS. Trần Ngọc Toàn – Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đại diện Lãnh đạo Viện, đã trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Viện, tập trung vào các nội dung sau: Đặc điểm tình hình năm 2017; Các kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Các dự án đầu tư; Phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu trong năm 2018; và cuối cùng là một số kiến nghị và đề xuất của Viện với Bộ KH&CN.

 

Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Viện NLNTVN

 

Báo cáo Tổng kết đã cho thấy, năm 2017 là một năm có nhiều sự kiện có ảnh hưởng lớn tới định hướng phát triển của Viện NLNTVN, có thể kể đến như cuối năm 2016 Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết số 31 dừng thực hiện các Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận hay Bộ KH&CN bắt đầu triển khai Nghị định 54 về tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự đồng lòng và quyết tâm của Lãnh đạo Viện NLNTVN, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, viên chức, năm 2017 Viện NLNTVN đã đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Đầu tiên phải kể tới thành tích trong việc triển khai nghiên cứu ứng dụng dịch vụ, sản xuất trong toàn Viện NLNTVN. Các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ đề của năm 2017 “Khoa học đi cùng với doanh nghiệp”, cụ thể:

 - Viện Nghiên cứu hạt nhân (Viện NCHN) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS 204 đủ điều kiện hoạt động 12 dịch vụ quan trắc môi trường với 20 thông số quan trắc hiện trường và 150 thông số phân tích môi trường tại phòng thí nghiệm.

- Viện NCHN đã xây dựng Quy trình đánh dấu 99mTc với TRODAT-1 phục vụ chẩn đoán bệnh Parkinson giai đoạn sớm và phân biệt hội chứng Parkinson. Điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 19 cơ sở, bệnh viện trong nước với tần suất 2 tuần 1 lần.
- Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử và máy chiếu xạ nguồn Co-60 theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008, phục vụ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ. Ngoài ra, Trung tâm VINAGAMMA đã được Tổng cục Thủy sản cấp phép lưu hành chế phẩm Oligochitosan dùng chế biến thức ăn gia súc đạt hiệu quả cao và kháng bệnh.
- Trung tâm Đánh giá không phá hủy (NDE) đưa nhiều kết quả ứng dụng vào thực tế, như kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với các kỹ thuật MFL. RFT, IRIS đã được đào tạo và chuyển giao dịch vụ cho nhà máy Fomosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Mông Dương, …mở ra khả năng dịch vụ NDT mới.
- Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (CXHN) đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Úc, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh được việc mất giá khi xuất sang Trung Quốc.
- Trung tâm Triển khai công nghệ (Viện Công nghệ Xạ hiếm): Có thành tích tốt trong sản xuất (kẽm), đạt doanh số cao trong năm 2017 (85 tỷ).

Đối với các hoạt động nghiên cứu Khoa học, trong năm 2017 Viện đã đạt được thành tích nổi bật hơn so với năm 2016, số lượng công bố quốc tế của Viện cũng tăng lên khi có tổng số 45 công trình (năm 2016 là 38 công trình), trong đó 36 công trình (so với 21 công trình năm 2016 – tăng 70%) được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI có hệ số ảnh hưởng (IF) cao trong lĩnh vực vật lý hạt nhân như Physical Review Letters, Physics Letters B, Physical Review C…, với đóng góp đáng kể thuộc về hai đơn vị giàu truyền thống nghiên cứu như Viện KH&KTHN, Viện NCHN Đà Lạt… Bên cạnh đó, ngay cả đơn vị nhỏ như VINAGAMMA cũng tăng số lượng công bố và các công trình nghiên cứu đó đều gắn liền với công việc ứng dụng của Trung tâm. Đặc biệt trong năm 2017, nhóm tác giả TS. Lê Xuân Chung thuộc Viện KH&KTHN đã công bố được 7 công trình có chất lượng cao trên các tạp chí có uy tín trong danh mục ISI nên nhóm tác giả này đã được trao giải đặc biệt của Viện NLNTVN cho các công trình công bố quốc tế.

Trong công tác Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Trung tâm Đào tạo hạt nhân của Viện đào tạo và quản lý 36 nghiên cứu sinh (NCS), năm 2017 có 06 NCS bảo vệ thành công luận án cấp Nhà nước. Hiện nay, Viện có 03 cán bộ đã bảo vệ luận án TS và đang theo chương trình sau tiến sĩ, 16 cán bộ đang theo học chương trình đào tạo tiến sĩ, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Liên bang Nga, và 14 cán bộ theo học chương trình đào tạo thạc sĩ tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Belarus,... Ngoài ra Trung tâm Đào tạo còn tổ chức một số khóa học cơ bản về các kỹ năng hỗ trợ trong nghiên cứu khoa học như: Khóa học bồi dưỡng kỹ năng viết bài báo khoa học; Khóa học xử lý số liệu ghi đo bức xạ, thực nghiệm hạt nhân...

Trong công tác Thông tin, tuyên truyền, hội nghị, hội thảo khoa học: Viện đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 (Vietnam Conference on Nuclear Science and Technology-“VINANST-12”) vào tháng 8 tại Nha Trang với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan, các trường đại học trong nước và nhiều đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ hạt nhân tiên tiến như Liên bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hungary, Ấn Độ, v.v. Đặc biệt là Hội nghị lần này còn có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA), Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân Châu Âu (CERN), Viện Liên hợp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna (Liên bang Nga) và các chuyên gia từ các nước láng giềng như Lào, Campuchia và Singapore.

Trong năm 2017, Viện NLNTVN đã tiếp tục triển khai các dự án lớn của ngành năng lượng nguyên tử: Trung tâm KH&CN hạt nhân (CNEST); Mạng Quan trắc và cảnh báo phóng xạ toàn quốc; Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng.

Về phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu của năm 2018, Viện đề ra hoạt động khoa học công nghệ với chủ đề “Phát triển bền vững dựa vào khoa học và công nghệ” (Sustainable Development Based on Science and Technology), nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học trong lĩnh vực Năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế xã hội là nền tảng phát triển bền vững cho các đơn vị trực thuộc và toàn thể Viện NLNTVN.

Kết thúc Báo cáo là một số kiến nghị của Viện NLNTVN tới Bộ KH&CN: Xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số vấn đề cho triển khai nhiệm vụ năm 2018, như: Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với Viện NLNTVN trong triển khai Nghị định 54, chuyển đổi các đơn vị nghiên cứu sang tự chủ một phần; Phê duyệt và ra Quyết định thành lập Viện Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng; Tiếp tục cho phép Viện NLNTVN tuyển dụng cán bộ mới (bù vào số cán bộ đã về hưu) để chuẩn bị nguồn nhân lực cho dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân; Đảm bảo kinh phí hoạt động bộ máy, tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết cho nghiên cứu.

Tiếp đó, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã báo cáo tóm tắt những thành tích đạt được năm 2017 và đề ra phương hướng công tác của đơn vị mình năm 2018, cũng như góp ý vào phương hướng công tác năm 2018 của Viện NLNTVN, đồng thời đưa ra những kiến nghị đối với Lãnh đạo Viện NLNTVN và Bộ KH&CN về các vấn đề: Nâng ngạch viên chức, chức danh nghề nghiệp cho cán bộ trẻ; Tháo vỡ những khúc mắc trong việc thực hiện Nghị định 54 khi thực hiện phương án tự chủ của các đơn vị; Công tác bổ nhiệm cán bộ; Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực,…. Đại điện Tập đoàn ROSATOM đã có ý kiến mong muốn Chính phủ Việt Nam cần quan tâm để phê duyệt Báo cáo tiền khả thi của Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân một cách sớm nhất để Tập đoàn ROSATOM triển khai thực hiện dự án này và khẳng định nước Nga luôn là đối tác và là bạn bè tốt của Việt Nam. Ngoài ra, đại diện của ROSATOM cho biết phía Nga có thể tiếp nhận 10 cán bộ Việt Nam tốt nghiệp chuyên ngành Năng lượng hạt nhân tại Nga về làm việc cho các nhà máy điện hạt nhân của Nga xây dựng ở các nước Bangladesh, Belarus, ...

 

Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Viện NLNTVN

 

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành đã đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các đơn vị trực thuộc, hiện tại các đơn vị đã bắt đầu củng cố được nguồn nhân lực và phát triển ổn định. Tuy nhiên, Viện NLNTVN và các đơn vị trực thuộc muốn phát triển bền vững được thì phải dựa vào khoa học và công nghệ. Do đó, chủ đề tiếp theo của Viện NLNTVN trong năm 2018 sẽ là “Phát triển bền vững dựa vào khoa học và công nghệ”. Ngoài ra, Viện trưởng cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ KH&CN tạo điều kiện hơn nữa cho cán bộ nghiên cứu khoa học của Viện được tham dự nhiều hội nghị quốc tế vì đây chính là cơ hội giao lưu, tiếp xúc, trao đổi và thu được rất nhiều kinh nghiệm từ các nhà khoa học nước ngoài. Viện trưởng cũng chia sẻ ở nước ngoài, các nghiên cứu sinh được nhà nước tài trợ cho việc học tập, nghiên cứu còn ở Việt Nam, học viên phải tự đóng tiền nếu muốn làm nghiên cứu sinh mà thực tế cho thấy số lượng công bố quốc tế chủ yếu là từ nghiên cứu sinh.Từ đó, Viện trưởng Trần Chí Thành có ý kiến đề xuất Bộ KH&CN xem xét, kiến nghị đến những cơ quan có thẩm quyền nên có chính sách hỗ trợ kinh phí cho những cán bộ nghiên cứu có mong muốn làm nghiên cứu sinh.

Trong lời phát biểu của mình, GS. Phạm Duy Hiển thể hiện sự vui mừng trước sự phát triển của dịch vụ công nghệ bức xạ và tăng trưởng về số lượng các bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín của Viện. Tuy nhiên, GS. Phạm Duy Hiển cho rằng Viện nên chú ý đến vấn đề xây dựng cơ chế hợp lý khi sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào các bài báo công bố quốc tế. Đặc biệt, trong tình hình mới của ngành NLNT hiện nay, Viện NLNTVN nên xây dựng mục tiêu phát triển mới của Viện, cụ thể là mục tiêu công nghệ để có thể giải quyết được những vấn đề công nghệ ngoài việc đẩy mạnh những nghiên cứu mang tính chất hàn lâm. Về vấn đề con người, GS. Phạm Duy Hiển đề ra giải pháp là Viện NLNTVN cần phải đầu tư có chiều sâu cho những nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc để họ trở thành những cán bộ trụ cột, đầu đàn của Viện. Giáo sư bày tỏ hi vọng Viện NLNTVN sẽ là một Viện Nghiên cứu khoa học có vị trí xứng đáng trong tương lai.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu  tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Viện NLNTVN

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chúc mừng những thành tích mà Viện NLNTVN đã đạt được khi mà năm 2017 là một năm khó khăn đối với ngành NLNT nói chung, Viện NLNTVN nói riêng. Thứ trưởng cũng chia sẻ sự cảm thông với những khó khăn, vướng mắc của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện trong việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ, ví dụ như Nghị định 54 và Nghị định 27, và bày tỏ mong muốn trong năm 2018, Viện NLNTVN tiếp tục cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thúc đẩy ứng dụng, sản xuất, dịch vụ, trong đó tiếp tục ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp: Tăng cường sản xuất dược chất phóng xạ đáp ứng nhu cầu thực tế, tiếp tục xuất khẩu sang Campuchia; Tăng thêm các sản phẩm ứng dụng khác. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Các nhà khoa học phải luôn kết hợp với doanh nghiệp để đóng góp ngày càng nhiều cho tiến trình phát triển kinh tế chung của đất nước, ví dụ  như trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 của Viện NLNTVN đã thành công tốt đẹp, khép lại năm 2017 với chủ đề “Khoa học đi cùng với doanh nghiệp” với nhiều thành tựu trong nghiên cứu và triển khai hoạt động ứng dụng dịch vụ, mở ra năm 2018 với chủ đề “Phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ” (Sustainable Development Based on Science and Technology). Chủ đề này thể hiện một định hướng quan trọng có tính chiến lược, nhằm khuyến khích thúc đẩy các đơn vị trực thuộc và toàn Viện phát triển ổn định, lấy khoa học và công nghệ làm nền tảng cho phát triển bền vững./.

 

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2077

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)