Thứ sáu, 29/12/2017 13:40 GMT+7

Giải thưởng Chất lượng quốc gia: Tạo giá trị thương hiệu đích thực cho doanh nghiệp

Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng quốc gia (GTCLQG) đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội.

Trong khuôn khổ buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Triển vọng để doanh nghiệp phát triển bền vững” do Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa tổ chức mới đây, phóng viên ghi lại một số câu hỏi của độc giả với Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ KH&CN Đặng Quang Huấn xoay quanh Giải thưởng danh giá này.

 


Phó tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm NC&PT Truyền thông KH&CN Trần Quang Tuấn và các khách mời tại buổi giao lưu
 

Giải thưởng - Thủ tướng Chính phủ quyết định, tổ chức trao tặng

Hiện nay có rất nhiều giải thưởng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương (Cơ quan Trung ương) tổ chức xét tặng để tôn vinh DN, doanh nhân có thành tích trong sản xuất, kinh doanh. Vậy những văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các giải thưởng này? Đồng thời, sự khác biệt của GTCLQG so với các giải thưởng hiện nay là gì thưa ông?

Ông Đặng Quang Huấn: Để quản lý và định hướng hoạt động tôn vinh danh hiệu, trao giải thưởng cho doanh nhân và DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 (Quyết định 51) về việc ban hành Quy chế quản lý, tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và DN; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 01/2012/TT-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2012 quy định thi hành Quyết định 51. Theo thống kê chưa đầy đủ, tôi được biết: hiện nay, có 23 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương xin phép tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và DN với gần 50 giải thưởng (tính từ năm 2010 đến tháng 10.2017). Cấp có thẩm quyền đã đồng ý cho phép 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở Trung ương chức xét 30 giải thưởng.

Như vậy, hiện nay có 30 giải thưởng của 14 cơ quan cấp trung ương tổ chức tôn vinh, xét tặng giải thưởng liên quan đến DN và doanh nhân thực hiện theo quy định của Quyết định 91 (chưa kể đến các giải thưởng xét tặng cho doanh nhân và DN do cấp tỉnh/TP trực thuộc TW tổ chức).

Các đợt tổ chức xét tặng giải thưởng, tôn vinh doanh nhân và DN đã góp phần kịp thời khích lệ, động viên và ghi nhận đóng góp của doanh nhân và DN cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc tổ chức xét tặng giải thưởng tràn lan, có một số ban tổ chức xét tặng giải thưởng đã yêu cầu, đề nghị DN hỗ trợ, đóng góp kinh phí thông qua đơn vị trung gian không những gây ra tình trạng lãng phí của cải, vật chất mà còn gây phản cảm trong xã hội.

Nhằm quản lý thống nhất các hoạt động tôn vinh, xét tặng giải thưởng liên quan đến doanh nhân và DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 để điều chỉnh các hoạt động tổ chức tôn vinh danh hiệu và xét tặng giải thưởng nêu trên. GTCLQG là Giải thưởng uy tín, duy nhất về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức trao tặng hàng năm cho các tổ chức, DN có đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Sự khác biệt của GTCLQG so với các giải thưởng nêu trên là:

(i) Giải thưởng được tổ chức xét tặng dựa trên căn cứ pháp lý của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế;

(ii) Giải thưởng uy tín, duy nhất về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức trao tặng hàng năm;

(iii) Các tổ chức, DN đạt giải vàng chất lượng quốc gia sẽ tạo ra hệ thống quản trị DN tiên tiến, nề nếp, tạo ra giá trị khác biệt trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế chung của khu vực và thế giới.

Vậy GTCLQG được xét tặng trên cơ sở pháp lý nào? Cơ quan nào chủ trì xét tặng Giải thưởng này?

Ông Đặng Quang Huấn: Việc xét tặng GTCLQG dựa trên căn cứ pháp lý của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007; Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Thông tư số 17/2011/TT-BKHCN ngày 30/6/2011 và Thông tư số 07/2012/TT-BKHCN ngày 02/4/2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN (Cơ quan Thường trực là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - TĐC) tổ chức xét tặng GTCLQG.

Vậy GTCLQG có được coi là "Giấy thông hành" khi hội nhập thưa ông?

Ông Đặng Quang Huấn: Giải thưởng không phải là giấy thông hành để DN vào thị trường mà là công cụ góp phần giúp DN hội nhập quốc tế. Lợi thế của tổ chức, DN đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia trong 2 năm gần nhất sẽ được lựa chọn tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA). Đây là cơ hội để tổ chức, DN vươn tầm ra thế giới.

Uy tín cho doanh nghiệp, cộng đồng xã hội

Ông có thể cho biết DN có những lợi thế gì khi đạt GTCLQG và những đóng góp nổi bật của các DN đạt Giải thưởng cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua là gì?

Ông Đặng Quang Huấn: Theo tôi, DN có những lợi thế khi đạt GTCLQG, đó là:

- Thông qua quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng GTCLQG, tổ chức, DN đã rà soát quy trình quản trị của DN từ đó sẽ hoàn hiện hệ thống quản trị DN sao cho phù hợp nhất, nghĩa là giảm được chi phí hoặc kiểm soát chặt chẽ chi phí không phù hợp của chu trình sản xuất, kinh doanh.

- Nâng cao uy tín thương hiệu của DN đối với người tiêu dùng và xã hội, mở mang, tăng trưởng về kinh doanh, thị phần và tìm kiếm khách hàng mới,…

- Có lợi thế trong việc cạnh tranh chất lượng sản phẩm hàng hóa đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước và đóng góp phát triển kính tế - xã hội bền vững của Việt Nam. Những đóng góp nổi bật của các DN đạt GTCLQG cho phát triển kinh tế - xã hội: Trong hai mươi năm (1996 - 2016), GTCLQG đã tôn vinh 1.690 lượt DN tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào năng suất - chất lượng.

Các DN được tôn vinh đã ghi những dấu mốc quan trọng trong phát triển của chính mình nói riêng và đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia nói chung.Ví dụ như: Công ty CP May 10, Công ty CP Traphaco, Công ty TNHH nhà nước MTV cấp thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng tàu, Công ty TNHHMTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần Thiết bị điện và Công ty TNHH Minh Long 1…

 


Ông Đặng Quang Huấn tại buổi giao lưu
 

 

Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước

GTCLQG là nguồn động viên lớn của Đảng, Nhà nước đối với các DN có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ sản phẩm, hàng hóa. Theo ông, cần có những giải pháp nào để Giải thưởng tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng, tổ chức, DN?

Ông Đặng Quang Huấn: GTCLQG không những là nguồn động viên lớn đối với các DN tiêu biểu chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn ghi nhận là những DN tiêu biểu, dẫn đầu phong trào năng suất và chất lượng, là ngọn cờ đầu trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và ngày càng hoàn thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Để Giải thưởng tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng tổ chức, theo tôi DN cần quan tâm, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DN hội nhập và phát triển nói chung và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GTCLQG nói riêng, phù hợp tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh dựa trên những thành tựu trải qua 20 năm hình thành và phát triển của Giải thưởng. Điều này sẽ tạo nền tảng, đồng hành cùng DN phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Qua 20 năm hình thành và phát triển, ông có thể cho biết vai trò quản lý nhà nước của Bộ KH&CN trong việc tổ chức GTCLQG? Và định hướng trong thời gian tới của Bộ là gì?

Ông Đặng Quang Huấn: Tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt –Xô (Hà Nội) vào tháng 8/1995, Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình đã công bố việc khởi xướng phong trào năng suất - chất lượng trong thập niên chất lượng Việt Nam lần thứ nhất theo sáng kiến của Bộ KH&CN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) thiết lập Giải thưởng chất lượng quốc gia nhằm tôn vinh, khuyến khích các tổ chức, DN hưởng hứng Phong trào năng suất - chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Bộ KH&CN được Chính phủ thống nhất giao quản lý nhà nước về KH&CN trong đó có lĩnh vực TĐC.

Theo tôi, việc tổ chức, xét tặng Giải thưởng trong thời gian tới sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về TĐC nó chung và GTCLQG nói riêng để phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội; gắn với đổi mới ứng dụng công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo làm trung tâm.

Ngoài ra, kế thừa kết quả của hoạt động tổ chức xét tặng Giải thưởng trong hơn 20 năm qua kết hợp với tinh thần đổi mới, sáng tạo để phù hợp với phát triển kinh tế -xã hội hiện nay.

Và cuối cùng là tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để các tổ chức, DN hiểu thấu đáo giá trị đích thực của GTCLQG mang lại cho phát triển và quản trị DN.

 

Ông Đặng Quang Huấn trả lời phỏng vấn báo chí

 

Nguồn: Vụ Thi đua - Khen thưởng

Lượt xem: 3542

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)