Thứ ba, 12/12/2017 21:15 GMT+7

Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân lần thứ 8

Trong 2 ngày 7-8/12/2017, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC) và Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED) đã tổ chức Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân lần thứ 8.

Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có lãnh đạo Viện NLNTVN, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN, đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, đại diện các trường đại học. Về phía Nhật Bản có đại diện đến từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Trung tâm Văn hóa và Thông tin Nhật Bản (JICC), Công ty phát triển năng lượng quốc tế Nhật Bản (JINED), Diễn đàn Công nghiệp nguyên tử Nhật Bản ( JAIF), Cơ quan Pháp quy Nhật Bản (NRA), Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và các giáo sư, các nhà nghiên cứu đến từ Học viện công nghệ Tokyo (Titech), Đại học Tokyo cùng các nhà nghiên cứu phát triển đến từ các tập đoàn Toshiba, Hitachi và Mitsubishi.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, ông Yoshito NAKAJIMA cho biết: Diễn đàn Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7 diễn ra ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Vào thời điểm đó, sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử giữa Việt Nam và Nhật Bản được đặt trong một bối cảnh rất khó khăn. Mặc dù vậy hai bên vẫn duy trì hợp tác để diễn đàn lần thứ 8 có thể diễn ra trên cơ sở lòng tin được xây dựng giữa hai bên. Ông Yoshito NAKAJIMA cũng đánh giá cao nỗ lực của hai phía Việt Nam và Nhật Bản để sự kiện này có thể diễn ra tốt đẹp và mong muốn sự trao đổi hợp tác giữa hai bên sẽ là cầu nối và phát huy trên một số chủ đề khác trong tương lai.
 

Ông Yoshito NAKAJIMA, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

 

Tiếp theo đó TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đại diện VINATOM gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự Diễn đàn lần này. Theo TS. Nguyễn Hào Quang, Diễn đàn lần này tập trung vào các nghiên cứu về sự cố hạt nhân và kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân. Các kinh nghiệm của Nhật Bản trong sự cố hạt nhân vừa qua rất có ích với Việt Nam. Diễn đàn lần thứ 8 là cơ hội tốt để Việt Nam có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm mà Nhật Bản đã nỗ lực thực hiện đối với sự cố Fukushima trong suốt thời gian qua. Ông cũng hi vọng sự hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân giữa hai nước ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.

 

TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

 

     GS. Maski SAITO đến từ Học viện Công nghệ Tokyo phát biểu chào mừng tới các đại biểu tham dự từ các đơn vị của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Giáo sư rất vui mừng được tới tham dự diễn đàn lần này và cảm ơn đến đại diện các đơn vị đã phối hợp tổ chức sự kiện này, cũng như các đại biểu, các nhà nghiên cứu, kỹ sư đã có mặt, góp phần vào thành công của Hội nghị.

 

GS. Maski SAITO, Học viện Công nghệ Tokyo phát biểu tại Diễn đàn

 

   Tham gia Diễn đàn lần này có tổng số 23 báo cáo được chia thành 5 phần, trong đó có 10 báo cáo của các đại biểu Việt Nam và 13 báo cáo của đại biểu phía Nhật Bản.

     Hội nghị có 5 phiên họp, trong phiên 1 và 2, Diễn đàn sẽ nghe và thảo luận về việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân khẩn cấp và các công nghệ quan trắc phóng xạ trong ứng phó sự cố hạt nhân. Các đại biểu phía Nhật Bản đã trình bày tình hình năng lượng hạt nhân tại Nhật Bản cũng như kế hoạch ứng phó khẩn cấp tại cơ sở. Các bài trình bày cũng nêu ra các ví dụ cụ thể trong việc khắc phục, xử lý môi trường sau thảm họa do tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Các công nghệ về quan trắc phóng xạ và robot hoạt động trong môi trường phóng xạ cao của hai công ty Toshiba và Hitachi cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu. Các đại biểu phía Việt Nam cũng trình bày về kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân tại Việt Nam và mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường.

     Các phiên họp, thảo luận 3 và 4 của Diễn đàn tập trung vào các biện pháp bảo vệ cho người dân trong sự cố hạt nhân và sự phân tán vật liệu hạt nhân cũng như liều lượng phơi nhiễm phóng xạ.

     Nội dung phiên cuối cùng của Diễn đàn xoay quanh các hệ thống hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố hạt nhân khẩn cấp. Trong phần này các đại biểu được nghe trình bày về Trung tâm ứng phó sự cố khẩn cấp tại nhà máy điện hạt nhân Hamaoka và hệ thống đo lường phóng xạ trong trường hợp khẩn cấp của Nhật Bản. Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe báo cáo về việc tăng cường năng lực ứng phó hạt nhân của Việt Nam. Trong phần này bài báo cáo về ước lượng liều bức xạ từ các tai nạn nhà máy điện hạt nhân bằng cách sử dụng mã RASCAL cũng rất được quan tâm.

 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Việt - Nhật lần thứ 8 về nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực công nghệ hạt nhân

 

   Sau 2 ngày làm việc tích cực và sôi nổi với những phần trao đổi, thảo luận thẳng thắn của từng phiên, tại phiên bế mạc, đại diện phía Việt Nam và Nhật Bản đã cùng nhau tổng kết lại các bài trình bày trong Diễn đàn. Sau đó đoàn đại biểu Nhật Bản đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

 

TS. Trần Minh Quỳnh giới thiệu về khu vực chiếu xạ cho các đại biểu tham dự phía Nhật Bản

 

    Diễn đàn Việt – Nhật là hoạt động được tổ chức thường niên với mục đích hỗ trợ Việt Nam trong việc nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ hạt nhân. Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ luôn là đối tác tin cậy, hy vọng hai nước sẽ vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong tương lai./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2283

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)