Thứ ba, 12/12/2017 20:09 GMT+7

Hội thảo đề tài cấp Bộ 2016-2017 ĐTCB.16/16/VCNXH Trung tâm Phân tích - Viện Công nghệ xạ hiếm

Ngày 06/12/2017, tại Phòng hội thảo, Viện Công nghệ xạ hiếm (CNXH) đã diễn ra buổi báo cáo kết quả thực hiện các chuyên đề thuộc đề tài cấp Bộ 2016-2017: “Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống nước làm mát lò phản ứng hạt nhân nước áp lực và xây dựng một số quy tình phân tích các thành phần chính của nước mô phỏng hệ làm mát” do PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Dung làm chủ nhiệm.

  Tham dự Buổi báo cáo có: Lãnh đạo phòng Kế hoạch và Hợp tác quốc tế - Viện CNXH, chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia đề tài cùng một số cán bộ đến từ Trung tâm Công nghệ vật liệu.

Đã có 9 chuyên đề được báo cáo với 4 chuyên đề tổng quan và 5 chuyên đề thực nghiệm.

Chuyên đề 1: “Nghiên cứu sự phụ thuộc pH và độ dẫn điện dung dịch chứa axit boric vào nồng độ Li/K và nhiệt độ, xây dựng hàm tương quan Meek” do ThS. Ngô Quang Huy trình bày. Chuyên đề là một mắt xích quan trọng xuyên suốt đề tài, có tính ứng dụng cao, là tiền đề cho các chuyên đề thực nghiệm phía sau.

Chuyên đề 2: “Nghiên cứu định lượng oxy hòa tan trong các mẫu nước có thành phần tương tự nước làm mát lò áp lực bằng phương pháp điện hóa” do ThS. Đỗ Thị Ánh Tuyết trình bày. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước nhà máy điện hạt nhân có ảnh hưởng đến chất lượng nước làm mát và gây ra ăn mòn vật liệu, gây hư hỏng các cấu kiện trong chu trình nhiệt. Các nghiên cứu được tiến hành trên các mẫu nước có thành phần mô phỏng nước làm mát lò áp lực.

 

CN. Nguyễn Thị Liên trình bày báo cáo chuyên đề

 

Chuyên đề 3: “Nghiên cứu phân tích thành phần đồng vị nhẹ 6Li/7Li bằng phương pháp ICP-MS” do CN. Nguyễn Thị Liên trình bày. Li là một trong những thành phần quan trọng trong nước làm mát vòng sơ cấp lò nước áp lực, Mặt khác, 7Li lại là sản phẩm được sinh ra từ phản ứng hấp thụ nơtron của 10B dẫn đến nồng độ 7Li trong nước làm mát cần được kiểm soát và cần được loại bỏ nếu cần thiết để ổn định pH. Nghiên cứu này phù hợp với xu hướng chung của các nghiên cứu hóa học nước làm mát vòng sơ cấp, đủ khả năng áp dụng khi có nhu cầu.

 Chuyên đề 4: “Nghiên cứu phân tích vết các anion F-, Cl-, SO42- trong nền mẫu nước chứa axit boric bằng kỹ thuật IC” do ThS. Nguyễn Thị Hằng thực hiện. Đây là một trong những chuyên đề thực nghiệm có tính ứng dụng cao đối với việc kiểm tra thành phần nước làm mát của các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Việc xuất hiện hàm lượng vết của các anion nói trên trong nước làm mát vòng sơ cấp của các nhà máy điện hạt nhân gây ăn mòn các cấu kiện, ảnh hưởng xấu tới chu trình hơi nước, từ đó giảm tuổi thọ của nhà máy. Chuyên đề trên cũng mang lại các sản phẩm có giá trị đó là: 1 luận văn thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên và 1 bài báo đăng trên tạp chí Phân tích Hóa, Lý và Sinh học.

Chuyên đề 5: “Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích B trong nước bằng phương pháp Grant (đo điện thế)” do CN. Nguyễn Thị Mến trình bày. Nằm trong chuỗi những chuyên đề thực nghiệm, chuyên đề cũng mang lại những kết quả có giá trị, phù hợp với hướng nghiên cứu thực nghiệm chung của các nhà nghiên cứu quốc tế (báo cáo của Tập đoàn AREVA Pháp) góp phần bổ trợ cho những đề tài trước và sau đó. Nội dung chuyên đề đã được báo cáo tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 12.

 

ThS. Đỗ Thị Ánh Tuyết trình bày báo cáo chuyên đề

 

Chuyên đề 6, 7: “Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống nước làm mát (coolant) của hệ lò áp lực AP1000 và thành phần chính của nước vòng sơ cấp” và “ Nghiên cứu tổng quan các phương pháp phân tích một số thành phần chính của nước vòng sơ cấp”do TS. Nguyễn Thị Hoa Mai trình bày. Hai chuyên đề này đã được hội đồng nghiệm thu chấp nhận và có những đánh giá tích cực về kết quả mà chuyên đề mang lại.

Chuyên đề 8, 9: “Nghiên cứu tìm hiểu hệ thống nước làm mát của hệ lò áp lực kiểu VVER-1000/1200 và thành phần chính của nước vòng sơ cấp” và “Nghiên cứu tìm hiểu các quy trình xử lý nước vòng sơ cấp định hướng sử dụng ở Việt Nam” do ThS. Nguyễn Nho Lân trình bày. Đây cũng là hai chuyên đề tổng quan được nghiệm thu trước đó.

Chuyên đề tổng quan đem lại những hiểu biết cơ bản nhất về các nhà máy điện hạt nhân với các thế hệ lò khác nhau cùng các chế độ hóa nước và các phương pháp xác định thành phần hóa học nước, là tiền đề cho các chuyên đề thực nghiệm phía sau.

Buổi báo cáo diễn ra với sự nghiêm túc của các thành viên tham gia đề tài, với nhiều kết quả đạt được. Các câu hỏi và bình luận xen kẽ giữa các chuyên đề được diễn ra sôi nổi, bám sát vào nội dung từng chuyên đề, từ đó giúp những thành viên tham gia hiểu hơn về các nội dung khác nhau trong cùng một đề tài. Các ý kiến đóng góp giúp các thành viên tham gia đề tài hoàn thiện hơn về nội dung cũng như hình thức trình bày.

Đề tài có sự tham gia của toàn bộ cán bộ trẻ thuộc Trung tâm Phân tích, dưới sự dẫn dắt, động viên sát sao của chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung, các cán bộ trẻ đã đạt được những kết quả nhất định, có được cái nhìn tổng quan về hóa học nước trong nhà máy điện hạt nhân, có thể chủ động và độc lập trong nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ khoa học./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 1791

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)