Cùng với UTTTL, tuyến này còn có các bệnh khác như viêm xơ, u phì đại lành tính nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán UTTTL (Lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, phương pháp mô bệnh học, động học chỉ số PSA…) nhưng thực tế cho thấy hầu hết các phương pháp chẩn đoán hiện nay chỉ phát hiện được UTTTL khi đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, việc nghiên cứu để có phương pháp chẩn đoán đặc hiệu cho tuyến tiền liệt bị ung thư đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả. Trong đó phương pháp chẩn đoán bằng kháng thể kháng các dấu ấn sinh học đặc hiệu của UTTTL đạt độ chính xác và hiệu quả cao do ứng dụng các kĩ thuật sinh học phân tử kết hợp với các kĩ thuật miễn dịch. Một số công trình nghiên cứu trên thế giới gần đây đã chứng minh kháng nguyên sớm UTTTL - EPCA (Early Prostate Cancer Antigen) là dấu ấn sinh học mới đặc hiệu trong chẩn đoán UTTTL. Protein này có đặc điểm rất đáng lưu ý là chỉ tăng mạnh ở tế bào ác tính ở tuyến tiền liệt và các mô xung quanh tuyến ung thư, nên rất đặc trưng cho UTTTL. EPCA đã được tìm thấy có khả năng kết hợp với kháng thể (KT) đặc hiệu. Vì thế, việc sản xuất KT đặc hiệu với EPCA và dùng nó để xác định sự có mặt của EPCA trong các dịch sinh học của cơ thể, đặc biệt trong huyết thanh là một phương pháp chẩn đoán sớm UTTTL nhiều triển vọng, giúp định hướng cho các nhà lâm sàng trong chẩn đoán và dự báo tiên lượng bệnh.
Để có thể sản xuất được KT đặc hiệu EPCA tiền đề quan trọng cần có là protein kháng nguyên (KN) EPCA chuẩn. Nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Phạm Thiện Ngọc và PGS. TS. Quang Huấn, Trường Đại học Y Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu biểu hiện gen mã hóa kháng thể đặc hiệu EPCA để ứng dụng trong chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt” nhằm mục tiêu xây dựng qui trình sản xuất kháng thể đặc hiệu kháng EPCA trên hệ thống biểu hiện sinh học; Bước đầu đánh giá độ nhậy, độ đặc hiệu của kĩ thuật sử dụng kháng thể sản xuất trong việc phát hiện kháng nguyên EPCA trong máu bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt; Đánh giá giá trị của xét nghiệm kháng thể kháng EPCA trong mối tương quan với các xét nghiệm khác đang được dùng để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
Nghiên cứu được thực hiện ở 30 bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đã được chẩn đoán xác định bằng phương pháp mô bệnh học, 30 bệnh nhân có u phì đại lành tính tuyến tiền liệt (UPĐLT TTL) đã được chẩn đoán xác định bằng phương pháp mô bệnh học và 10 nam giới khỏe mạnh cùng lứa tuổi với nhóm nghiên cứu không có các biểu hiện bệnh lý của TTL.
Các kết quả thu được từ nghiên cứu như sau:
- Tái tổ hợp thành công poliepitope EPCA-2.22, 2.19 ở dạng đông khô tinh sạch.
- Xây dựng thành công qui trình sản xuất kháng thể Aptamer đặc hiệu kháng EPCA - trên hệ thống biểu hiện sinh học.
- Kĩ thuật gắn Aptamer với hạt nano vàng (Apt-Au) cho kết quả tốt để sử dụng trong việc phát hiện EPCA-2 trong huyết thanh.
- Sử dụng kháng thể Apt-Au đặc hiệu kháng EPCA-2.22,2.19 đã phát hiện được kháng nguyên EPCA-2.22,2.19 trong huyết thanh 30/30 bệnh nhân UTTTL.
- Sử dụng kháng thể Apt-Au đặc hiệu kháng EPCA-2.22,2.19 đã phát hiện được kháng nguyên EPCA-2.22,2.19 trong huyết thanh 2/30 bệnh nhân UPĐLT TTL.
- Kỹ thuật đ nh lượng kháng nguyên EPCA-2 sử dụng kháng thể Apt-Au cho kết quả tương đương với kết quả của kít ELISA xác định EPCA-2 của CUSABIO (CSB – EQ 027679HU).
- Kết quả xác định EPCA- 2 trong huyết thanh bệnh nhân UTTT tương đồng với kết quả của phương pháp chẩn đoán bằng mô bệnh học.
- Xác định được 2 bệnh nhân UPĐLT TTL có EPCA-2(+) trong huyết thanh, không tương đồng với kết quả của phương pháp chẩn đoán bằng mô bệnh học.
- Kết quả xác định EPCA-2 bằng kháng thể Apt-Au không tương đồng với giá trị tPSA ở cả hai nhóm bệnh nhân UTTT và UPĐLT TTL.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13043-2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.