Thứ hai, 11/12/2017 15:56 GMT+7

Khai thác và phát triển một số nguồn gen bưởi Trụ, bưởi Đường, bưởi Quế Dương

Ở nước ta bưởi được trồng hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt đã hình thành những vùng bưởi cổ truyền mang tính đặc sản địa phương như bưởi Đoan Hùng - Phú Thọ, bưởi Diễn - Từ Liêm - Hà Nội, bưởi Phúc Trạch - Hương Khê - Hà Tĩnh, bưởi Thanh Trà - Huế, bưởi Năm Roi - Vĩnh Long và gần đây là bưởi da xanh - Mỏ Cày - Bến Tre vv… Ở các địa phương trên, bưởi được coi là cây nông nghiệp chính với giá trị thu nhập hàng năm cao hơn gấp nhiều lần so với lúa và một số cây trồng khác, đồng thời cũng được coi là lợi thế so sánh với các địa phương khác trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

 

Bưởi Đường trồng tại xã Hiệp Thuận, Phúc Thọ, bưởi Quế Dương được trồng tại xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội và giống bưởi Trụ trồng tại xã Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam là các giống được trồng lâu đời tại địa phương. Đây là các giống có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Mặc dù các giống này được trồng từ lâu đời nhưng người dân trồng tự phát theo kiểu quảng canh, thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, cùng với sự phát sinh phát triển của sâu, bệnh và sự thay đổi của điều kiện môi trường sống dẫn đến giống bị thoái hoá, năng suất, chất lượng không đồng đều, có chiều hướng giảm, vì vậy chưa thể khai thác hết được tiềm năng của các giống bưởi này. Bảo tồn và phát triển các nguồn gen có giá trị và quý hiếm là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng để đảm bảo và duy trì an ninh lương thực của mỗi quốc gia. Vì vậy, từ tháng 7/2011 đến tháng 10/2015, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên thực vật do GS.TS. Vũ Mạnh Hải làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển một số giống bưởi Trụ, bưởi Đường, bưởi Quế Dương”.

Qua 4 năm thực hiện, đề tài đã thu được một số kết quả sau:

1. Các cây đầu dòng của 3 giống bưởi Trụ, bưởi Đường và bưởi Quế Dương thể hiện được tính vượt trội về sinh trưởng, năng suất và chất lượng quả so với các cá thể cùng giống trong quần thể, năng suất một cây 125-150 kg (với bưởi Trụ và bưởi Đường), trên 300 kg (với bưởi Quế Dương), độ Brix 9,8 -11,2%). Tất cả các cây đầu dòng đều đã được các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, đang được bảo tồn, chăm sóc và khai thác tốt.

2. Các cây giống gốc So (20 cây/giống) được nhân bằng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng (STG) từ các cây đầu dòng, đảm bảo sạch bệnh vi khuẩn Greening (sử dụng phương pháp PCR để kiểm tra) và bệnh virus Tristeza (sử dụng phương pháp ELISA để kiểm tra) thể hiện khả năng sinh trưởng khỏe, ra hoa quả ổn định, đang được bảo tồn trong nhà lưới, chăm sóc và quản lý  theo đúng quy trình và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Các vườn cây giống S1 (3 vườn cho 3 giống, mỗi vườn 100 cây nhân bằng phương pháp ghép, mắt ghép lấy từ cây So, gốc ghép là trấp Thái Bình-với 2 giống bưởi Đường và Quế Dương, gốc bưởi chua - với bưởi Trụ) đã qua kiểm tra độ sạch bệnh thể hiện khả năng sinh trưởng tốt, sau 2 năm trồng trong nhà lưới cách ly có chiều cao trung bình 197 cm, đường kính gốc 1,3 cm ra được từ đợt 2-3 lộc/năm, chưa có biểu hiện bị sâu bệnh nguy hểm.

4. Xác định một số biện pháp kỹ thuật có tác động tích cực đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả trồng các giống bưởi đặc sản trong phạm vi nghiên cứu.

5. Các mô hình thâm canh (quy mô 1ha/giống) của 3 giống bưởi thể hiện được sự nổi trội hơn các vườn đại trà về sinh trưởng, độ sạch bệnh, tỷ lệ đậu quả, năng suất, độ ngọt và màu sắc quả, giá bán và qua đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Đề tài góp phần bảo tồn nguồn gen bản địa quý hiếm phục vụ cho phát triển nông nghiệp của vùng, nhất là nguồn gen cây đặc sản truyền thống; Hoàn thiện quy trình canh tác cho từng giống bưởi tạo nên sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy được lợi thế của vùng, sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động nông thôn vốn đang còn có lãng phí; ngoài ra còn góp phần mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ cây có múi trong đó có cây bưởi ở các tỉnh phía Bắc và trong cả nước.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12730/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia./.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1958

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)