Đó là chia sẻ của đồng chí Chu Ngọc Anh – Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN tại Diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” chiều ngày 10/12, tại Hà Nội.
Sự kiện do Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức và nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022. Tham dự Diễn đàn về phía Bộ KH&CN có đồng chí Chu Ngọc Anh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Trần Văn Tùng - Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và các đồng chí Bí thư, nguyên Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ KH&CN.
Về phía Trung ương Đoàn có đồng chí Nguyễn Phi Long- Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số Ban thuộc Trung ương Đoàn; đặc biệt có sự tham dự của 125 đại biểu chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI.
Toàn cảnh Diễn đàn
Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên tham gia hoạt động KH&CN
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng, nhờ những thành tựu to lớn của KH&CN, chúng ta đang trong quá trình chuyển từ nền văn minh công nghiệp sang kỷ nguyên số, từ nền kinh tế dựa vào các nguồn lực tự nhiên sang nền kinh tế dựa vào tri thức, mở ra cơ hội mới cho các nước đang phát triển có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với một nước đang phát triển như Việt Nam, KH&CN có vai trò hết sức quan trọng. Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiến trình đó đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có phần quan trọng của thanh niên, với vai trò là “rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&CN nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh niên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc nói chung, phát triển nền KH&CN đất nước nói riêng. Luật KH&CN năm 2013 đã quy định cụ thể các chính sách đãi ngộ về lương, phụ cấp trách nhiệm, việc đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế… với nhà khoa học trẻ tài năng là 1 trong 3 nhóm đối tượng được trọng dụng đặc biệt cùng với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Trong đó có các chính sách nhằm tạo điều kiện, cơ hội để các nhà khoa học trẻ có quyền tham gia tuyển chọn, thực hiện đề tài khoa học các cấp, đề tài nghiên cứu cơ bản, được hỗ trợ kinh phí để tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với Trung ương Đoàn ký kết các Chương trình hành động, Nghị quyết liên tịch với mục đích hỗ trợ, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tổ chức giải thưởng, hội thi; xây dựng các câu lạc bộ, vườn ươm để tạo điều kiện cho các bạn trẻ những sân chơi mang tính tri thức, trí tuệ cao; duy trì, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực; hỗ trợ các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của thanh niên... đã mang lại những đóng góp thiết thực trong việc phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đất nước.
Để tiếp tục hỗ trợ, bồi dưỡng và phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, khẳng định và tiếp tục phát triển những kết quả và giá trị đã đạt được, trong đó Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã xây dựng những chính sách hỗ trợ cũng như phát triển “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và đặt kỳ vọng lớn vào thế hệ trẻ.
Bộ KH&CN xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho thanh niên được tham gia vào các hoạt động KH&CN. Chúng tôi cũng rất mong lực lượng thanh niên Việt Nam – trong chiến tranh đã từng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thì hôm nay sẽ lại xung kích, sáng tạo làm chủ KH&CN, “mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Bộ KH&CN luôn ghi nhận và đặt niềm tin sâu sắc vào lực lượng thanh niên. Song, bản thân thanh niên cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình, từ đó nâng cao ý thức, không ngừng nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động từ giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống đến chuyên môn, học tập và phong trào, tình nguyện, góp phần cùng với ngành KH&CN hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tại Diễn đàn, đồng chí Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN và đồng chí Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn đã cùng chủ trì, đối thoại với 125 đại biểu chính thức dự Đại hội. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: phát huy vai trò của thanh niên, trí thức trẻ Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; chính sách đào tạo, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao; thúc đẩy hoạt động sáng tạo của thanh thiếu nhi: Cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường Đại học, viện nghiên cứu làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp KH&CN khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng KH&CN cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST); vai trò của cán bộ Đoàn, Hội trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp ĐMST; hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng KH&CN trong cuộc sống; khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN trẻ;...
Chia sẻ về phong trào khởi nghiệp, Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Hùng Vương Bùi Huy Toàn cho biết, Nhà trường đã tổ chức ngoại khóa với chủ đề “Khởi nghiệp – Tư duy để tồn tại và phát triển”, diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp – cơ hội và thách thức”, thực hiện các đề tài, tổ chức các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên,… Trăn trở phong trào khởi nghiệp của các trường còn bộc lộ nhiều hạn chế, đại biểu Bùi Huy Toàn bày tỏ cần thiết phải có môn học về khởi nghiệp trong chương trình đào tạo của sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Để phát triển cần thay đổi triết lý giáo dục, thay vì chỉ đào tạo sinh viên trở thành những người có khả năng chuyên môn cao để đi xin việc thì còn phải dạy các em cách khởi nghiệp. Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng đã yêu cầu “các cơ sở giáo dục đại học phải chú trọng và đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo”. Cùng với đó, cần có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết, được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp để giảng dạy, định hướng, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên.
Đại biểu TS. Trương Ngọc Kiểm, Bí thư Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đóng góp tham luận, chia sẻ về CLB nhà khoa học ở đơn vị trường đang trực tiếp tham mưu, sinh hoạt định kỳ theo mô hình sinh hoạt cà phê, hình thành nhóm nghiên cứu tiềm năng; tích cực hợp tác với các địa phương để nghiên cứu, sáng tạo theo đơn đặt hàng từ địa phương.
Ông Lê Xuân Định - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ KH&CN chia sẻ, quá trình start-up là quá trình “bán mình”, tức là bán ý tưởng của mình. Quan trọng nhất là làm việc nhóm, tiếp đến là ý tưởng đột phá, thị trường. Một số đại biểu cho rằng, cần thiết kế một trang web thiết kế ba miền hoạt động như một diễn đàn trao đổi, mua bán, tìm kiếm công nghệ. Đồng thời khẳng định vai trò của cán bộ Đoàn, Hội trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp ĐMST. Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN trẻ và hỗ trợ phát huy thế mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng chí Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, 5 năm tới Đoàn sẽ tập trung khởi nghiệp gắn với sáng tạo, sẽ hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp trong thanh niên. "Với doanh nghiệp ĐMST, tiền không phải là quan trọng nhất, mà tri thức mới là nền tảng. Về cơ chế, không thể nói Nhà nước phải làm gì mà Nhà nước sẽ tạo bệ đỡ, phổ biến pháp luật”, Bí thư Trung ương Đoàn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội đã tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Luật KH&CN năm 2013 cũng như nhiều các chính sách khác của Nhà nước đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ. Bộ KH&CN cũng có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ lực lượng sinh viên, nông dân, phụ nữ và các lực lượng khác. “Chúng ta đang ở trong nền kinh tế chuyển đổi, do đó, các bạn trẻ cũng cần dấn thân, nắm bắt cơ hội, thậm chí chính chúng ta phải tạo ra cơ hội, thay đổi tư duy, hành động, cập nhật những quy định mới của các cơ chế, chính sách để vận dụng vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Tôi tin chúng ta là những người rất thông minh, rất có tiềm năng và Đảng, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành hết sức tin tưởng ở tương lai, tin tưởng ở các bạn”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tặng quà chúc mừng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
Đại biểu Lê Đức Tùng - Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phi Long phát biểu tại Diễn đàn
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu kết luận Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm