Thứ hai, 03/07/2017 18:35 GMT+7

Nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ trượt lở ngầm trên thềm lục địa Nam Trung Bộ

Khu vực thềm lục địa Nam Trung Bộ là đới xung yếu của địa khối Đông Dương, với hệ đứt gãy Tây Biển Đông, và là khu vực có các đới cấu trúc có quy mô lớn phát sinh hoạt động kiến tạo mạnh có khả năng gây nên trượt lở ngầm và có thể đi đôi với sóng thần. Trượt lở ngầm có thể gây ra những hậu quả và tác động đáng kể đến công trình ngoài khơi và ven biển như giếng dầu và khí đốt, cơ sở hạ tầng ngầm, các đường ống, hệ thống cáp thông tin liên lạc dưới đáy biển, môi trường biển, và nguy hiểm nhất là gây ra sóng thần. Trượt lở ngầm cũng được xem là mối đe dọa lớn, và là mối nguy hại nhất đến con người.

Do đó, để có thể xác định được hiện trạng trượt lở ngầm trên thềm lục địa Nam Trung Bộ. Đặc điểm cấu trúc khu vực thềm lục địa. Đặc điểm địa chấn - địa động lực hệ đứt gẫy trên thềm lục địa Nam Trung Bộ. Tích hợp thông tin thành lập bản đồ phân bố các đới trượt lở ngầm tiềm năng trên thềm lục địa Nam Trung Bộ. Mô hình dịch chuyển khối trượt lở và lan truyền sóng. Các giải pháp cảnh báo và phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở ngầm cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ, nhóm nghiên cứu do TS. Trần Tuấn Dũng, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đứng đầu đã phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu, Viện Dầu khí Việt Nam và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ trượt lở ngầm trên thềm lục địa Nam Trung Bộ”. Đây là đề tài nghiên cứu thuộc chương trình Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển và là lĩnh vực được nhiều nước trên thế giới quan tâm và cũng là lĩnh vực được nhiều nước, nhiều tổ chức hợp tác, phối hợp nỗ lực cùng nghiên cứu. 

 

 

Trong giai đoạn 3 năm tiến hành nghiên cứu (10/2012 - 9/2015), nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả nổi bật sau:

- Đã lập được bản đồ dạng số ghi trên đĩa CD hiện trạng trượt lở ngầm trên thêm lục địa Nam Trung bộ v có tỷ lệ là 1:500.000, các khu vực chi tiết có tỷ lệ là 1:250.000.

- Đã lập được bản đồ phân bố độ dốc địa hình đáy biển thềm lục địa có tỷ lệ là 1:500.000, các khu vực chi tiết có tỷ lệ là 1:250.000.

- Đã lập được bản đồ cấu trúc móng các tầng trầm tích Kainozoi trên thềm lục địa có tỷ lệ là 1:500.000, các khu vực chi tiết có tỷ lệ là 1:250.000.

- Đã lập được bản đồ cấu trúc kiến tạo đứt gãy trong các tầng trầm tích Kainozoi có tỷ lệ là 1:500.000, các khu vực chi tiết có tỷ lệ là 1:250.000.

- Các mặt cấu trúc tổng hợp địa chất - địa vật lý có tỷ lệ là 1:250.000 và được ghi trên đĩa CD.

- Đã lập được bản đồ, ghi trên đĩa CD về phân bố các đới trượt lở ngầm tiềm năng trên thềm lục địa Nam Trung Bộ có tỷ lệ là 1:500.000, các khu vực chi tiết có tỷ lệ là 1:250.000. Bản đồ này thể hiện sức đề kháng vốn có của đất đá đối với trượt lở, được chồng ghép từ các bản hợp đồng phần thông tin bằng các công cụ phân tích không gian và quản lý dữ liệu trong phần mềm GIS-ArcGIS với ba vùng tiềm năng cao - trung bình - thấp. Riêng bản đồ khu vực chi tiết được chia làm 5 vùng: vùng tiềm năng trượt lở rất cao-cao-trung bình-tiềm năng thấp-rất thấp. 

- Lập được mô hình dịch chuyển các khối trượt ngầm dưới biển do nguyên nhân động đất và mô hình lan truyền sóng do khối trượt ngầm dưới đáy biển gây ra. Trên cơ sở mô hình này, đã đánh giá được một cách đầy đủ về mức độ nguy hiểm của trượt lở ngầm và sóng thần liên quan. Bổ sung và cụ thể hóa một bước vào hệ thống các giải pháp phòng chống và ứng phó, giảm nhẹ hậu quả áp dụng cho những khu vực khác có khả năng bị ảnh hưởng tương tự.

- Đưa ra được các giải pháp cảnh báo và phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở ngầm cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ có tính thiết thực và khả thi, phù hợp về không gian và thời gian với đới ven biển Nam Trung Bộ.

Các kết quả nghiên cứu đều được đăng trên tạp chí khoa học. Các bản đồ và các giải pháp này đã được các đơn vị viễn thông trên biển, các công ty khai thác vận chuyển dầu khí, các đơn vị xây dựng công trình biển, ven biển đưa vào ứng dụng trên thực tế. 

Có thể nói, kết quả của đề tài là đóng góp cụ thể, thiết thực vào hướng nghiên cứu khoa học công nghệ phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai đang hình thành và phát triển mạnh trên thế giới. Đây sẽ là tư liệu, tài liệu rất quan trọng; và là đóng góp kịp thời phục vụ triển khai thực hiện các quy chế phòng chống thiên tai. Nó giúp cho các ngành kinh tế và xã hội có những nhận thực và hiểu biết cần thiết để có biện pháp phòng tránh hợp lý trong quá trình sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đối với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Đồng là công cụ cần thiết và có giá trị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đảm bảo yêu cầu phòng tránh thiên tai và bảo vệ môi trường phát triển bền vững với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12153-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2651

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)