Thứ sáu, 30/06/2017 16:05 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo một số dòng đực cuối cùng phục vụ cho sản xuất lợn thịt ở Nam Bộ

Tại Việt Nam, từ năm 2000 trở lại đây, xu hướng sử dụng đực lai cuối cùng có nhiều các đặc tính tốt từ các dòng thuần trong hệ thống sản xuất lợn thịt thương phẩm ngày càng trở nên phổ biến. Các dòng cha thường được sử dụng trong lai tạo đực cuối cùng trong thời gian qua chủ yếu là Duroc, Pietrain, Hampshire.

Tuy nhiên, các nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực này đều mới chỉ dừng lại ở việc xác định tổ hợp lai và chuyển giao cho sản xuất tổ hợp lai giữa hai dòng cha Duroc và Pietrain. Trong các tổ hợp lai đó, công thức lợn đực lai PD (50% Pietrain và 50% Duroc) có tỷ lệ nạc đạt 58-59%, đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ năm 2010 nhưng năng suất sinh trưởng bình quân của các tổ hợp đực lai đã được báo cáo ở Việt Nam chỉ vào khoảng 700 - 720 g/ngày, và vẫn còn tương đối thấp so với thành tựu nghiên cứu của thế giới (từ 800 – 900 g/ngày). Về đặc điểm ngoại hình, các con đực lai giữa hai giống Pietrain và Duroc còn có một số hạn chế như thân ngắn, xương to, lông da dày và màu sắc lông da của đàn lợn thương phẩm bị phân ly mạnh khi sử dụng để lai với đàn nái lai có chứa giống lợn địa phương (Móng Cái hoặc Ba Xuyên) ở các vùng Miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Tổ hợp lai thương phẩm có màu lông da đen tuyền chiếm tỷ lệ cao khi sử dụng đực PD lai với nái lai địa phương. Đây là một trong những vấn đề thuộc về thị hiếu của của người chăn nuôi khu vực Trung Bộ và Tây Nam Bộ do đó cần được cải thiện trong quá trình phát triển sản xuất các giống lợn. Mặt khác, các đặc điểm ngoại hình đang được các nhà chăn nuôi chú trọng bên cạnh năng suất, chất lượng thịt, bao gồm màu sắc lông da, dài thân thịt, xương to vừa phải, da mỏng, lông thưa, mông vai nở và đặc biệt là sự ổn định các đặc tính di truyền của các dòng đực cuối cùng. Để đáp ứng được yêu cầu trên, ngoài các dòng thuần Duroc, Pietrain, nghiên cứu này sử dụng thêm dòng Landrace thuần làm nguyên liệu lai là rất cần thiết.

 


Trước các vấn đề trên, nhằm xác định được tổ hợp lai tốt nhất giữa các dòng thuần Duroc, Pietrain và Landrace làm cơ sở để chọn tạo dòng đực tổng hợp cuối cùng và bước đầu tạo 2 dòng đực lai tổng hợp cuối cùng có tốc độ tăng trưởng trên 720 g/ngày, tiêu tốn thức ăn dưới 2,8 kg và tỷ lệ nạc đạt trên 58% phục vụ sản xuất lợn thịt ở khu vực Nam Bộ, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Hữu Tỉnh, Viện Chăn nuôi đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo một số dòng đực cuối cùng phục vụ cho sản xuất lợn thịt ở Nam Bộ” với các nội dung triển khai gồm: Nghiên cứu khả năng phối hợp tối ưu giữa các dòng thuần Duroc, Pietrain, Landrace trong các tổ hợp lai tạo đực cuối cùng (2011 - 2013); Nghiên cứu xác định dòng đực lai cuối cùng phù hợp với đàn nái nền và mang lại năng suất, hiệu quả cao ở đàn lợn thịt thương phẩm khu vực Nam Bộ (2014 - 2015).

Qua 4 năm triển khai thực hiện (1/2011-12/2015), nhóm nghiên cứu đã đánh giá được giá trị giống của 120 cá thể Duroc, Pietrain và Landrace thuần có tiềm năng di truyền cao làm nguyên liệu lai tại ba cơ sở giống Trung tâm NC và PTCN heo Bình Thắng, Công ty CP Đông Á và Trung tâm giống vật nuôi Sóc Trăng. Trên cơ sở đó, đã chọn tạo được 2 tổ hợp lai sử dụng để tiếp tục chọn lọc phát triển thành các dòng đực tổng hợp từ ba giống lợn thuần Duroc, Pietrain và Landrace với năng suất vượt trội trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, kiểu chuồng hở và thông thoáng tự nhiên ở Nam Bộ, bao gồm:

- Tổ hợp đực lai cuối cùng DPD (75% Duroc và 25% Pietrain) có các chỉ tiêu năng suất: tăng khối lượng bình quân giai đoạn từ 20-100kg đạt 738,6g/ngày; hệ số chuyển hóa thức ăn đạt 2,67; dày mỡ lưng đạt 10,5mm và tỷ lệ nạc đạt 60,0%.

- Tổ hợp lai đực cuối cùng DL (50% Duroc và 50% Landrace) có các chỉ tiêu năng suất: sinh trưởng giai đoạn 20-100kg đạt 731,3 g/ngày, hệ số chuyển hóa thức ăn đạt 2,68; dày mỡ lưng đạt 10,6 mm và tỷ lệ nạc 58,9%.

Ngoài các chỉ tiêu năng suất, đặc điểm ngoại hình của tổ hợp đực lai DPD phù hợp với thị hiếu của người chăn nuôi như lông thưa, da mỏng màu xám; trong khi đó, tổ hợp đực lai DL có thân dài, chân cao chắc khỏe, mông vai nở.

Đàn lợn lai thương phẩm khi sử dụng hai đực lai cuối cùng DPD và DL với nái nền YL/LY đã cho năng suất thịt cao ngay cả trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, chuồng hở, thông thoáng tự nhiên tại các cơ sở chăn nuôi khu vực Nam Bộ: Năng suất sinh trưởng  đạt 755,3 - 761,6 g/ngày; Hệ số chuyển hóa thức ăn đạt 2,65 - 2,66; Dày mỡ lưng đạt 9,9 - 10,1mm; Tỷ lệ nạc đạt từ 59,3 - 60,5%.

So với một số nguồn gen nhập khẩu (dòng đực Duroc từ Mỹ, Đài Loan, Canada), hai tổ hợp đực cuối DPD và DL đã được tạo ra trong nghiên cứu này hoàn toàn có thể cạnh tranh được vì năng suất sinh trưởng tương đương, tỷ lệ nạc cao hơn từ 0,5-1,0%, đặc biệt khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết nóng ẩm, kiểu chuồng hở và thông thoáng tự nhiên ở Nam Bộ.

Nhóm nghiên cứu đề nghị tiếp tục được nghiên cứu nhân giống, chọn lọc ổn định di truyền hai tổ hợp lai DPD và DL và phát triển thành hai dòng đực tổng hợp cho khu vực Nam Bộ. Nhằm giảm thiểu các tác động của tương tác giữa kiểu gen và môi trường và phát huy tối đa tiềm năng năng suất, cần tiếp tục nghiên cứu các điều kiện môi trường nuôi dưỡng phù hợp với tiềm năng năng suất của các dòng đực lai cuối cùng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12634-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3325

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)