Thứ năm, 15/06/2017 10:38 GMT+7

Nghiên cứu phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ tại dải ven biển Bắc Trung bộ

Ngày 07/6/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước Đề tài độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ tại dải ven biển Bắc Trung bộ”. Đề tài do TS. Nguyễn Đắc Bình Minh làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng - Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì Đề tài.


Toàn cảnh buổi nghiệm thu

 

Hội đồng gồm 09 thành viên, trong đó, PGS.TS Triệu Văn Hùng - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng, đồng thời làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia và GS.TS Lê Đình Khả - Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Sau thời gian 48 tháng (từ tháng 12/2012 đến hết tháng 11/2016) triển khai thực hiện các nội dung nghiên cứu và xây dựng các mô hình, nhiệm vụ đã hoàn thành toàn bộ nội dung nghiên cứu và đã đáp ứng được mục tiêu đề ra cũng như đáp ứng được yêu cầu đặt hàng theo Thuyết minh nhiệm vụ và Hợp đồng. Một số kết quả chính đạt được như sau:

- Đã lựa chọn và xác định được 18 loài cây lâm nghiệp thích hợp cho việc gây trồng và phát triển các dải rừng phòng hộ tuyến ngoài, tuyến giữa và tuyến giáp đồng, trong đó, có 7 loài cây cho vùng ngập mặn ven biển: Bần chua, Đâng, Trang, Sú, Vẹt, Mấm biển, Giá; 11 loài cây cho vùng cát ven biển: Phi lao (địa phương, dòng 601, 701 của Trung Quốc), Keo lá liềm (Acacia crassicarpa A. Cunn ex Benth), Keo lá tràm (Acacia auriculiformis), các loài Keo chịu hạn A. difficilis, A. torulosa và A. tumida, Xoan chịu hạn (Azadiracta indica Juss. F); và 11 giống cây nông nghiệp, trong đó có 5 giống khoai lang, 5 giống lạc và 1 giống dưa hấu.

- Đã xây dựng được 01 Bản hướng dẫn kỹ thuật xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ven biển cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, phù hợp với điều kiện vùng, dễ áp dụng vào sản xuất.

- Xây dựng được 06 mô hình nông lâm kết hợp có tác dụng vừa phòng hộ vừa sản xuất có hiệu quả phòng hộ và kinh tế tại 3 tỉnh. Diện tích 18 ha (3 tỉnh x 6 ha/tỉnh) mỗi tỉnh 2 mô hình, có Biên bản đánh giá kết quả thực hiện mô hình và Biên bản bàn giao mô hình giữa Cơ quan hực hiện đề tài với địa phương (UBND xã,  Hợp tác xã, Ban quản lý Rừng phòng hộ).

- Xây dựng được giải pháp tổng thể phát triển bền vững hệ thống rừng phòng hộ ven biển Bắc Trung bộ, có tính khả thi, phù hợp với vùng nghiên cứu.

- Đã đăng được 06 bài báo khoa học, trong đó, 5 bài đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các số: 11/2014, 13/2015, 23/2015, 13/2016 và 19/2016; 01 bài đăng trên Tạp chí Khoa học Lâm nghiệp của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, số 2/2016; vượt kế hoạch.

- Đã hỗ trợ đào tạo 02 Thạc sỹ là Nguyễn Thành Tây (năm 2014) và Nguyễn Thị Nguyệt (năm 2013) tại Đại học Nông Lâm Huế. Tham gia đào tạo 02 Tiến sỹ tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Khóa 27/2015 là Phạm Văn Ngân (Quyết định số 155/QĐ-KHLN-ĐTHT ngày 19/4/2016) và Lê Đức Thắng (Quyết định số 156/QĐ-KHLN-ĐTHT ngày 19/4/2016); vượt kế hoạch.

- Đào tạo, tập huấn cho 06 lớp, 360 lượt hộ dân và cán bộ địa phương về kỹ thuật nhân giống, trồng một số cây rừng ngập mặn, rừng phòng hộ vùng cát; thâm canh một số cây trồng nông nghiệp trên đất cát; kỹ thuật phát triển bền vững các dải rừng phòng hộ tại khu vực nghiên cứu.

- Xây dựng được 01 phóng sự về khoa học công nghệ phát triển bền vững hệ thống đai rừng phòng hộ tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị.

Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá cao, sản phẩm đạt được của nhiệm vụ đáp ứng được mục tiêu của đề tài đặt ra và đáp ứng yêu cầu theo Thuyết minh đề tài và Hợp đồng yêu cầu. Kết quả nghiên cứu có tính khả thi, phù hợp với vùng nghiên cứu. Hội đồng đã tiến hành bỏ phiếu đánh giá thông qua kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ, số phiếu đồng ý đạt là 9/9 thành viên (100%), đạt mức khá.



Đoàn cán bộ kiểm tra mô hình trồng rừng phòng hộ

 

Nguồn: Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng

Lượt xem: 3555

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)