Thứ ba, 13/06/2017 17:08 GMT+7

Nghiên cứu chọn tạo giống ngô cho vùng khó khăn

Ngô là một trong ba cây lương thực hàng đầu trên toàn thế giới và là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất hiện nay. Ngành sản xuất ngô thế giới tăng liên tục từ đầu thế kỷ 20 đến nay, nhất là trong gần 50 năm qua, ngô là cây trồng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các cây lương thực chủ yếu về cả ba chỉ tiêu chính là năng suất, diện tích và sản lượng.

Ở Việt Nam, sau năm 1990, hoạt động sản xuất ngô thực sự có những bước tiến quan trọng trong việc sử dụng giống ngô lai và áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới. Nếu như năm 1990, giống ngô lai ở Việt Nam chỉ mới được sử dụng chưa đến 1% diện tích thì năm 2014, diện tích ngô nước ta đạt 1.177.500 ha, năng suất 4,41 tấn/ha và sản lượng là 5,19 triệu tấn (Tổng cục thống kê 2015). Kết quả trên có được là nhờ ứng dụng nhanh các thành tựu trong chọn giống ưu thế lai (ƯTL) và các biện pháp canh tác phù hợp. Tuy nhiên, sản xuất ngô ở nước ta cũng như trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Chính vì vậy, việc tạo ra các vật liệu với các khả năng đặc biệt như chịu môi trường bất thuận (hạn, chua mặn, úng, rét, nhiệt độ cao...), đồng thời có khả năng kết hợp cao…nhằm tạo ra các giống có năng suất cao ổn định đang được các chương trình  chọn tạo giống ngô quan tâm. Vì vậy, trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ngô do TS. Lương Văn Vàng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống ngô cho vùng khó khăn”.

 

Sau 5 năm thực hiện đề tài đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra, các sản phẩm theo hợp đồng cơ bản đầy đủ. Một số kết quả chính của đề tài như sau:

  1. Thu thập, chọn tạo và đánh giá một tập đoàn vật liệu ngô rất đa dạng  và phong phú, lựa chọn được nhiều nguồn vật liệu chịu hạn tốt; chịu phèn mặn, có nhiều đặc điểm nông học khác tốt phục vụ chương trình chọn tạo giống ngô cho vùng khó khăn.
  2. Chọn tạo và công nhận 3 giống ngô mới (được công nhận chính thức), đó là: VS36, SB099 và A380 (CN11-3); công nhận sản xuất thử 2 giống ngô VS71 và HT119. Trong đó giống ngô VS71 là giống thích hợp cho vùng đất nhiễm phèn mặn nhẹ ở Duyên hải Miền trung và ĐB sông Cửu Long
  3. Giống ngô lai VS 36 được bán bản quyền cho Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình với giá trị 3,2 tỷ đồng; hàng năm Công ty sản xuất và cung ứng từ 120 – 150 tấn hạt lai F1 cho sản xuất; Giống ngô lai A380 và HT119 được bán quyền phân phối sản phẩm cho Công ty CP Đại Thành và Công ty CP  VTNN Bắc Giang, hàng năm lượng hạt giống F1 được 2 công ty trên đặt hàng  và phân phối từ 100 - 150 tấn/giống; Giống VS71 và SB099 đang được Viện tổ chức sản xuất và phát triển.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12343/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 3505

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)