Hơn 70 dự án được cấp chứng nhận đầu tưTheo quy hoạch, Khu CNC Hòa Lạc có diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai, thành phố Hà Nội với các khu chức năng: Giáo dục và Đào tạo, Nghiên cứu - Triển khai, Phần mềm, Công nghiệp Công nghệ cao và các dịch vụ tiện ích khác. Khu CNC Hòa Lạc sẽ là khu vực thu hút các loại hình nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong môi trường cạnh tranh, công bằng, nhằm kích thích phát triển các ngành công nghệ cao trong cả nước.
Sau 17 năm thành lập, bóng dáng của một thành phố khoa học công nghệ đang hình thành. Trên 10.000 người đang học tập và làm việc tại đây. Đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư/ Quyết định giao đất cho gần 70 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 56.800 tỷ đồng trên diện tích đất 336ha. Các lĩnh vực được tập trung đầu tư gồm: sản xuất và kinh doanh phần mềm; công nghệ thông tin; sinh học, y học; điện tử, tự động hóa, sản xuất thiết bị viễn thông. Hiện có 33/67 dự án đang hoạt động, 10 dự án trong quá trình xây dựng, 22 dự án đang hoàn thiện thủ tục để triển khai... Năm 2014, tổng giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc đạt 228 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 133 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 95 triệu USD.
Trưởng ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương cho biết, cuối tháng 6 này Ban Quản lý sẽ khởi công dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu CNC Hòa Lạc sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (hơn 300 triệu USD) để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Khi đó, Khu CNC Hòa Lạc sẽ trở thành thành phố sinh thái thông minh với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn khu vực, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tập trung phát triển tiềm lực KH&CNHàng năm, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đều duy trì 8 - 10 nhóm tham gia ươm tạo, được tuyển chọn từ nhiều nguồn, trong đó có nhiều nhóm từ chương trình “Nhân tài đất Việt”, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam... Đến nay, có tổng số 28 nhóm ươm tạo, trong đó 6 nhóm đã tốt nghiệp. Trung tâm là cầu nối cho hoạt động nghiên cứu, triển khai, thương mại hóa sản phẩm của các trường đại học, viện nghiên cứu, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp dựa trên thành quả nghiên cứu của các nhóm. Một số sản phẩm tiêu biểu đóng góp cho cộng đồng và xã hội như: các sản phẩm chế phẩm hóa sinh xử lý môi trường LTH-68, LTH-79, LTH-100, LTH-200, Bio catalyst, Water plasma; công nghệ nhận dạng giọng nói; công nghệ tế bào gốc; giải pháp đào tạo, khám chữa bệnh trực tuyến hàng đầu của Việt Nam (Công ty Trí tuệ Nhân tạo (AI)); sản phẩm “Hộp đen”; sản phẩm kích dục tố PMSG, HCG, PG600 giải quyết chậm sinh sản và cho sinh sản đồng loạt trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản; gammaglobulin tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; đạm thủy phân bổ sung các acid amin cần thiết cho cơ thể con người; hệ thống an ninh chống phá két máy ATM; sản phẩm lò đốt rác thải rắn y tế BL230; phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện; thiết bị tiết kiệm điện cho đèn tuýp...
Nhiều đơn vị nghiên cứu ở trong và ngoài nước đã và đang đầu tư xây dựng tại đây như Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu của Công ty Nissan Techno (Nhật Bản), Trung tâm Điều khiển vệ tinh nhỏ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Trung tâm Công nghệ cao về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Nghiên cứu phát triển của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)... Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đang tăng cường tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kết nối cung - cầu về công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước nhằm đưa nơi đây thành trung tâm trình diễn và chuyển giao công nghệ hàng đầu phía Bắc.
Có thể nói, với quy hoạch tốt, cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ và hệ thống cơ sở pháp lý hoàn thiện, giai đoạn chuẩn bị cho việc xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc về cơ bản đã hoàn thành. Khu CNC Hòa Lạc chuẩn bị bước sang giai đoạn cất cánh. Bộ KH&CN đã có chiến lược phát triển Khu CNC Hòa Lạc, theo đó tập trung nâng cao, phát triển tiềm lực KH&CN hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao quốc gia.