Thứ sáu, 24/02/2017 15:32 GMT+7

Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống bông mới giai đoạn 2011-2015

Thực tế nghiên cứu khoa học và sản xuất bông trong hơn 30 năm qua đã khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển bông. Nhưng, hiện nay, tình hình phát triển bông trong nước gặp nhiều trở ngại. Xu hướng tăng chi phí đầu vào như nhân công, vật tư nông nghiệp trong khi năng suất thấp và tăng chậm; đồng thời chính sách trợ giá cho ngành sản xuất bông trong nước của các nước phát triển đã làm cho giá bông xơ trên thị trường thế giới thấp giả tạo, dẫn đến giá thu mua bông nguyên liệu quá thấp.
 
Bên cạnh đó, biến động bất thường của thời tiết, kỹ thuật canh tác cho các giống bông còn phức tạp, các quy hoạch phát triển sản xuất còn nhiều bất cập cùng với tình trạng sử dụng các giống hiện có chưa hợp lý; từ đó, năng suất bông và hiệu quả sản xuất của người trồng thấp. Hơn nữa, các chính sách khuyến khích sản xuất chưa phù hợp (như bảo hộ, thuế…) đã làm giảm hiệu quả sản xuất bông, không kích thích người trồng, cây bông mất thế cạnh tranh so với các cây trồng ngắn ngày khác (như ngô, đậu tương…). Trước thực trạng trên, Nhà nước đã khẳng định chủ trương phải khôi phục và tiến tới mở rộng sản xuất bông nhằm tăng nhanh tỷ lệ nội địa sản phẩm bông, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành Dệt - May trong nước.


Trong bối cảnh đó, từ tháng 1/2011 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố do TS. Lê Trọng Tình làm chủ nhiệm, đã thực hiện dự án: “Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống bông mới giai đoạn 2011-2015”.

Việc triển khai thực hiện dự án là rất cần thiết nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chuyển giao và cung ứng giống bông theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân một cách bền vững; tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đại trà phù hợp với điều kiện của từng vùng nhằm tạo bước đột phá mới về năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành; và tăng tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đạt trên 90% và năng suất bông bình quân cả nước tăng trên 15%.

Sau 5 năm, dự án đã thu được các kết quả nổi bật như sau:
- Nhập nội, đánh giá, trồng thử nghiệm, duy trì, bảo quản 59 mẫu giống thuần và 50 mẫu giống lai F1, đạt và vượt so với dự kiến. Trong đó, xác định được 7 mẫu giống thuần và 3 giống lai triển vọng kết hợp nhiều đặc tính tốt có thể đưa vào khảo sát tiếp trong hệ thống khảo nghiệm để có cơ sở phóng thích giống. Mặt khác, trong 59 mẫu giống thuần, nhiều mẫu giống cần duy trì để có thể khai thác các đặc tính quý như chín sớm, quả to, tỷ lệ cao, xơ màu.
- Sản xuất được 316,8 kg hạt giống gốc, 1.646 kg hạt siêu nguyên chủng, 6.099 kg hạt nguyên chủng với chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành TCVN 9303-2013 và số lượng vượt so với dự kiến, đáp ứng nhu cầu của dự án và sản xuất.
- Sản xuất 66,541 tấn hạt giống F1 cho 4 giống lai đang trồng phổ biến trong nước, vượt so với dự kiến 66,3 tấn, chất lượng hạt đạt tiêu chuẩn VN hiện hành 9303-2013; đồng thời, đã cung ứng cho sản xuất 47,370 tấn, đạt tỷ lệ 71,2%.
- Đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài 4 lượt cán bộ về sản xuất hạt giống và đào tạo ngắn hạn trong nước cho 11 lượt cán bộ.
- Tập huấn trong nước cho 1.040 lượt/20 lớp gồm 175 lượt cán bộ kỹ thuật/khuyến nông/4 lớp, 865 lượt công nhân/nông dân/16 lớp.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12276/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Lượt xem: 1688

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)