Thứ sáu, 24/02/2017 09:25 GMT+7

Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp

Cá chình có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nghề nguôi cá chình ngày càng gặp nhiều khó khăn vì nguồn cá trình giống tự nhiên ngày một cạn kiệt. Do đặc điểm sinh sản đặc biệt của cá chình nên hiện chưa có nơi nào trên thế giới sản xuất thành công giống cá chình nhân tạo đáp ứng nhu cầu nuôi thương mại. Hầu hết nguồn giống hiện tại đều dựa vào đánh bắt tự nhiên với số lượng hạn chế nên sản lượng cá chình nuôi trên thế giới ngày càng giảm sút.
 

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để trở thành một trong những nước có sản lượng cá chình hàng đầu thế giới, nhờ có điều kiện khí hậu và nguồn nước rất thuận lợi, có nguồn giống ở các tỉnh miền Trung với sản lượng trên 10 triệu con/năm. Nếu sử dụng nguồn lợi này để nuôi thương phẩm thì sản lượng có thể đạt tới 8.000-10.000 tấn/năm. Tuy nhiên, công nghệ nuôi cá chình còn lạc hậu, sử dụng thức ăn là cá tạp, môi trường và dịch bệnh đều khó kiểm soát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên năng suất và hiệu quả thấp. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III do ThS. Hoàng Văn Duật dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa (Anguilla marmorata) theo hình thức công nghiệp” nhằm mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình theo hình thức công nghiệp đạt năng suất cao, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đề tài đã thu được một số kết quả nhất định trong việc giải quyết kỹ thuật ương cá chình bột trắng lên thành cá giống, chủ động tạo ra một số lượng cá giống cung cấp cho thị trường, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của nghề nuôi cá chình.

Mô hình ương giống với quy mô gia đình sẽ được áp dụng tại các trang trại ương giống ở các tỉnh có nguồn cá chình bột trắng phong phú là Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh có nhu cầu lớn tiêu thụ cá giống là Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Mô hình nuôi quy mô công nghiệp hiện đại trong nhà xưởng với hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đòi hỏi phải đầu tư lớn, yêu cầu trình độ kỹ thuật vận hành cao sẽ được chuyển giao cho một số công ty nuôi thủy sản áp dụng.

Kết quả của dự án mở ra khả năng cung cấp số lượng lớn cá giống chất lượng cao cho nuôi thương phẩm, giúp nghề nuôi cá chình tận dụng tối đa nguồn lợi giống khai thác từ tự nhiên.

Công nghệ mới với hệ thống nuôi tuần hoàn, năng suất cao, bổ sung oxy nguyên chất, sử dụng thức ăn công nghiệp, kiểm soát môi trường và dịch bệnh, sẽ làm tăng lòng tin của các nhà đầu tư, mở ra hướng mới góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá chình theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12212/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

 

Nguồn: N.P.D (NASATI)

Lượt xem: 3002

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)