Thứ hai, 20/03/2017 16:24 GMT+7

Quản chặt công nghệ đầu vào trong các dự án đầu tư

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bên cạnh các quy định “chặt” về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư thì không nên luật hóa các ưu tiên đối với các sản phẩm công nghệ trong nước.

Siết chặt công tác thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư
Để ngăn chặn công nghệ "rác" nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời, những công nghệ dù mới nhưng vẫn cần phải được thẩm định, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với những sửa đổi, chỉnh lý trong dự thảo luật. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, luật phải làm sao ngăn chặn đưa công nghệ, thiết bị lạc hậu vào nước ta. "Để sau này nếu công nghệ gây ô nhiễm mà vào thì cơ quan, cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước đó, Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày nêu rõ, thời gian vừa qua công tác quản lý công nghệ nhập khẩu vào nước ta chưa được chặt chẽ, thiếu sự phối hợp đã dẫn đến tình trạng nhiều công nghệ, thiết bị lạc hậu, tác động xấu đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ ở tất cả các dự án; đề nghị thẩm định các dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỷ đồng. Đồng thời, cần quy định cụ thể việc thẩm định công nghệ phải thông qua hội đồng thẩm định, thành phần chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định, quy trình, thời gian thẩm định, trách nhiệm của hội đồng thẩm định; đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai, thực hiện đối với tất cả các dự án, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ là chính... Do đó, rất cần thiết có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người đồng thời, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để có thể kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, cần thiết phải phân luồng công nghệ, quy định trách nhiệm, trình tự, thủ tục thẩm định công nghệ ngay trong luật này đồng thời phải phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan để giảm thiểu tối đa thủ tục đầu tư đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và thuận lợi trong đầu tư của doanh nghiệp.
Do đó, trong Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa 3 điều tương ứng với 3 danh mục (luồng) công nghệ gồm công nghệ khuyến khích chuyển giao (Điều 9), công nghệ hạn chế chuyển giao (Điều 10) và công nghệ cấm chuyển giao (Điều 11). Dự thảo giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế để ban hành cụ thể các danh mục này.
Đồng thời quy định rõ tại Điều 13 dự thảo luật “Dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ” là những dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ. Kết quả thẩm định công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Dự thảo luật đã bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tại Điều 13 “Thẩm định công nghệ của dự án đầu tư” và Điều 14 “Thẩm quyền thẩm định công nghệ dự án đầu tư” và quy định về nội dung thẩm định công nghệ dự án đầu tư (Điều 17); quy định cụ thể yêu cầu về nội dung công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư (Điều 15) và trình tự thẩm định công nghệ dự án đầu tư (Điều 16).

Không nên luật hóa các ưu tiên đối với sản phẩm công nghệ trong nước
Đại diện Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho biết, trong quá trình lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực; đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo luật đã bổ sung Điều 34 về phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm chủ lực, trọng điểm, quốc gia trong đó quy định rõ chính sách ưu tiên, khuyến khích và ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai đối với việc phát triển, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và sản phẩm quốc gia có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Đối với đề nghị có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, ông Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo luật đã có quy định tại khoản 3, Điều 34 như sau: “Ưu tiên sử dụng các máy móc, thiết bị mà Việt Nam chế tạo được trong đầu tư mua sắm công”. Tuy nhiên, theo ông Dũng, cũng có một số ý kiến lo ngại quy định này sẽ mâu thuẫn với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về cấm bảo hộ sản phẩm trong nước và quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, quy định này cũng có thể tạo nên cơ chế “bao cấp” làm suy giảm động lực nghiên cứu, đổi mới và phát triển công nghệ tạo ra trong nước.
“Song theo Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 ngày 2/11/2016 của UBTVQH, tại điểm c, Điều 2 có ghi: “Ưu tiên sử dụng sản phẩm được tạo ra trong nước trong đầu tư mua sắm công liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”” – ông Dũng nhấn mạnh và cho biết thêm, có ý kiến đề nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực, đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm, công nghệ trong nước nghiên cứu và tạo ra, đặc biệt là trong các dự án sử dụng ngân sách nhà nước.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không nên đưa các quy định về ưu tiên vào luật.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/quan-chat-cong-nghe-dau-vao-trong-cac-du-an-dau-tu.html


 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4737

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)