Thứ hai, 20/03/2017 10:54 GMT+7

IPP 2 thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2 (IPP 2) vừa tổ chức khai mạc sự kiện IPP HARVEST DAY tại Hà Nội. Mục đích nhằm trình diễn kết quả của Chương trình và các dự án đổi mới sáng tạo được Chương trình tài trợ.
Các đại biểu đi tham quan các gian hàng triển lãm tại sự kiện

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan; Ông Marko Saarinen, Tham tán Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo Chương trình; Bà Phạm Chi Lan - thành viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững; Ông Dominic Mellor - Giám đốc MBI của Ngân hàng ADB; Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Quỹ FPT Ventures, cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội. 
IPP2 là Chương trình hợp tác phát triển giữa hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan, do Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ quản. Trong hai năm qua, IPP2 đã đi tiên phong trong thử nghiệm các mô hình mới trong đào tạo, xây dựng năng lực và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm cơ sở phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Sự hỗ trợ của IPP2 trong việc giúp Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách về đổi mới sáng tạo có tác động rất lớn về dài hạn, điển hình là Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016 là cơ sở pháp lý quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ thiết kế và tổ chức thực hiện các giải pháp tổng thể và toàn diện hướng tới tạo lập một môi trường thuận lợi nhất cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại sự kiện

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Dự án IPP2 cho biết, trong hỗ trợ xây dựng năng lực, IPP2 đã đào tạo 12 chuyên gia tư vấn khởi nghiệp trong Chương trình ToT1 năm 2015, 35 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong Chương trình ToT2 năm 2016 và 20 cán bộ hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở cấp trung ương và địa phương. Từ các hoạt động thử nghiệm tiên phong của IPP2 trong lĩnh vực này, Chính phủ Việt Nam đã đưa vào nội dung Đề án 844 cũng như Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 một nội dung quan trọng liên quan tới việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhiệm vụ đưa chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vào giảng dạy trong các trường đại học Việt Nam.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ vui mừng ghi nhận các bước tiến bộ mới và thành công của các dự án doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được IPP2 hỗ trợ trong 2 năm qua. Nhiều dự án trong đó đã khẳng định được uy tín và vị thế của sản phẩm, dịch vụ sáng tạo của mình trên thị trường trong nước và vươn được tới thị trường khu vực, quốc tế. Điều này minh chứng sự phù hợp của các mô hình mới, tiên phong về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của IPP2 đối với Việt Nam, đồng thời cho thấy tiềm năng to lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, nếu có môi trường chính sách và cơ chế thỏa đáng để thúc đẩy phát triển thì tiềm năng có thể trở thành hiện thực, doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ có thể trở thành doanh nghiệp trưởng thành có tiềm lực mạnh trong tương lai. 
Cũng tại sự kiện IPP Harvest Day, lễ trao chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các giảng viên đến từ 12 trường đại học và cơ sở đào tạo của Việt Nam đã được diễn ra. Đây là chương trình thử nghiệm được triển khai trong 6 tháng cuối năm 2016, nhằm hướng tới mục tiêu dài hạn giúp các trường đại học thiết kế và triển khai các khóa đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu và bối cảnh trong nước, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khuôn viên các trường đại học, kết nối và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo từ các trường đại học ra xã hội và cộng đồng.

Toàn cảnh sự kiện

Trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 2 năm qua, IPP2 đã thí điểm thành công mô hình tài trợ kinh phí theo hai giai đoạn (vốn mồi ban đầu và vốn nâng cấp tăng tốc) kèm theo các hỗ trợ mềm tư vấn, đào tạo theo kinh nghiệm Phần Lan, đảm bảo các nguyên tắc minh bạch, công khai, công bằng và sử dụng chuyên gia quốc tế đánh giá độc lập các đề xuất dự án. Trong số 32 dự án kinh doanh và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước được IPP2 tài trợ, có thể kể tên các dự án tốt nhất và tiềm năng nhất được vào giai đoạn 2 tài trợ nâng cấp như: Dự án cung cấp các ứng dụng tự động tiếp thị các trang thương mại điện tử - Beeketing, phân tích xử lý dữ liệu lớn Big Data - Abivin, hệ thống giải pháp tương tác quản lý khách sạn và đặt phòng - Ezcloud, cung cấp sản phẩm dừa tươi nguyên trái cho thị trường nội địa và quốc tế - Hamona, cung cấp nền tảng giáo dục tương tác trực tuyến - Sen Platform. Hay các dự án cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp thành công như Hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng, Fablabs, HATCH, iAngel, Mekong Startup, Nền tảng ươm tạo sáng kiến đổi mới sáng tạo xã hội SIIP.
Năm 2017, IPP2 cũng sẽ triển khai đợt tài trợ mới cho các dự án đại học nhằm phát triển chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tạo lập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong khuôn viên các trường đại học, trong đó có cả các dự án tích hợp giữa đại học và liên danh phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Các trường đại học có dự án tiềm năng nhất được lựa chọn hỗ trợ bao gồm: Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học kỹ nghệ Sài Gòn; Đại học Nha Trang; Đại học Đà Lạt và Cao đẳng công nghiệp Huế.
Trong hai năm 2017 và 2018, Chương trình IPP2 cũng sẽ chú trọng chuyển giao một cách bền vững các kết quả, bài học thực hành tốt nhất, kinh nghiệm và mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các đối tác Việt Nam nhằm bảm đảm tính bền vững của Dự án, đồng thời, tạo cơ sở để chuyển mối quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan từ viện trợ không hoàn lại sang hợp tác thương mại đôi bên cùng có lợi (“Aid to Trade”).
“Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp, các trường đại học, các tổ chức công và tư, đồng hành cùng với IPP2 để tiếp tục nhân rộng các bài học thành công, học hỏi từ các thất bại, từ đó lựa chọn áp dụng và phát huy các mô hình phù hợp nhất đối với thực tiễn Việt Nam, thiết thực đóng góp cho sự hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lành mạnh, thuận lợi ở Việt Nam”- bà Trần Thị Thu Hương cho biết. 

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/ipp-2-thuc-day-su-phat-trien-he-sinh-thai-khoi-nghiep-tai-viet-nam.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2522

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)