Thứ bảy, 11/03/2017 09:25 GMT+7

Hội nghị Sơ kết 10 năm thực hiện Dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia

Ngày 09/3/2017, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 10 năm thực hiện Dự án KH&CN cấp quốc gia. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh tham dự và chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế; đại diện các Sở KH&CN, Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp tham gia thực hiện Dự án KH&CN cùng đại diện các Vụ, Cục,Viện, Trường có liên quan.


Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 10 năm thực hiện Dự án KH&CN cấp quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng và Nhà nước đã sớm có các định hướng và chỉ đạo đúng đắn về vị trí, vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương đổi mới trong hoạt động nghiên cứu, từ năm 2005, Bộ KH&CN đã đưa vào triển khai Dự án KH&CN, đây là một trong các loại hình nhiệm vụ KH&CN được quy định tại điểm 6, Điều 19 Luật KH&CN năm 2000 và được cụ thể tại Điều 14, Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật KH&CN. Hiện nay, Dự án KH&CN cấp quốc gia được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN năm 2013. Dự án KH&CN gồm các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm có sự gắn kết hữu cơ, đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề KH&CN chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất một sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong hơn 10 năm qua, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, UBND các tỉnh như Quảng Nam, Ninh Bình, Cao Bằng, Bình Định,… xem xét, phê duyệt đưa vào thực hiện 14 dự án nhằm hỗ trợ các ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển. Trong đó, giai đoạn 2005-2012 đã hoàn thành 05 Dự án KH&CN với 45 nhiệm vụ, từ năm 2013 đến nay đang triển khai 09 dự án với tổng số 108 nhiệm vụ.

Thông qua việc triển khai các Dự án KH&CN đã nâng cao năng lực thiết kế, trình độ công nghệ chế tạo trong nhiều ngành, lĩnh vực. Các sản phẩm có chất lượng, giá thành cạnh tranh đã được sản xuất, chế tạo trong nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội như: giàn khoan tự nâng 90m nước (Giàn khoan Tam Đảo 03) được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ - ABS cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; máy biến áp 220 kV ở các dải công suất khác nhau đạt tiêu chuẩn quốc tế IEC 60076, đến nay đã nghiên cứu thành công máy biến áp một pha ở cấp điện áp 500 kV, công suất tới 450MVA; các thiết bị cơ khí thủy công cung cấp cho các nhà máy thủy điện lớn; các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày; xe ô tô khách giường nằm cao cấp thương hiệu Việt Nam; các thiết bị thi công mỏ than hầm lò; sản phẩm bơm đặc thù và bơm công suất lớn trong khai thác mỏ, dầu khí, nông nghiệp; tàu chở dầu thô 104.000 tấn. Đến nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục triển khai các Dự án KH&CN ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, gồm: vật liệu xây dựng; dược phẩm; luyện kim; nhiệt điện; khai thác mỏ; khai thác cảng nổi nước sâu…

Báo cáo tại Hội nghị, các đơn vị chủ trì thực hiện Dự án KH&CN đều đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhà nước với loại hình nhiệm vụ này, kết quả của Dự án đã đóng góp trực tiếp vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp, tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng doanh thu, nâng cao năng lực, tạo công ăn việc cho người lao động. Điển hình như: việc tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm giàn khoan tự nâng đã giúp Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giảm được chi phí ít nhất khoảng 7 triệu Đô-la Mỹ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.500 lao động trong 2 năm; việc triển khai dự án tại Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải đã góp phần tăng tỉ lệ nội địa hóa trong chế tạo xe ô tô bus từ 45% lên 59%, giảm giá thành sản phẩm, sản lượng tăng 1,5 lần; việc nghiên cứu, chế tạo trong nước các thiết bị, công nghệ thi công đào giếng và trục tải giếng đứng đã giúp giảm khoảng 50 tỷ cho chi phí thiết kế, giảm khoảng 25% chi phí thi công (khoảng 120 tỷ), giảm được 17-20% giá thành so với thiết bị nhập khẩu; doanh thu của Công ty Cổ phần chế tạo bơm Hải Dương tăng trưởng trung bình trên 20%/năm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tăng từ 5-6,7%/năm; doanh thu của Công ty Cổ phần thiết bị điện Đông Anh tăng trung bình 30%/năm…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp thực hiện Dự án KH&CN thuận lợi hơn như: cần tiếp tục đổi mới quy định quản lý, rút ngắn thời gian xét, phê duyệt Dự án KH&CN để đáp ứng tiến độ của dự án đầu tư; cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc đấu thầu, mua sắm vật tư, thiết bị, thuê chuyên gia nước ngoài; có cơ chế, chính sách đấu thầu phù hợp để tạo điều kiện cho các sản phẩm chế tạo trong nước vào được các công trình trọng điểm của nhà nước; việc cấp kinh phí cần đáp ứng kịp thời cho tiến độ thực hiện dự án; hướng dẫn cụ thể đối với hình thức khoán đến sản phẩm cuối cùng cho thực hiện dự án KH&CN; có cơ chế quản lý, xử lý tài sản được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phù hợp và thuận lợi cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng có hiệu quả...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh các Dự án KH&CN cấp quốc gia được thực hiện trong thời gian qua đã bám sát định hướng, chủ chương, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đóng góp thiết thực và có hiệu quả cho sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là các nhiệm vụ nghiên cứu mang tính liên kết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đã huy động sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp, tiếp nhận kết quả để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao kết quả mà các Dự án KH&CN cấp quốc gia đã đạt được, đồng thời cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị và khẳng định Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để từng bước tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong việc triển khai loại hình dự án KH&CN, nâng cao hiệu quả trong đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ phục vụ cho các dự án đầu tư quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm, chủ lực, ưu tiên, mũi nhọn.

Nguồn: Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật

Lượt xem: 1966

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)