Thứ sáu, 16/12/2016 15:30 GMT+7

Nghiên cứu nguồn vi tảo biển nội địa có giá trị dinh dưỡng cao nhằm cải thiện chất lượng của luân trùng (Brachionus plicatilis) trong nuôi trồng thủy sản

Luân trùng là những động vật có kích thước nhỏ (µm) phù hợp với kích thước miệng cá, tôm giống, với nhiều hình dạng khác nhau, đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao (giàu acid béo và HUFA). Trong nuôi trồng thủy hải sản, tùy thuộc vào đối tượng sản xuất giống mà có thể sử dụng các loài luân trùng khác nhau thích hợp với từng đối tượng sản xuất giống. Đây được xem là nguồn thức ăn quan trọng quyết định đến tỷ lệ sống và sức khỏe con giống.
Lượng luân trùng cần cho giai đoạn ương nuôi ấu trùng cá biển là rất lớn và chỉ có thể giải quyết được bằng biện pháp nuôi thu sinh khối với nguồn thức ăn quan trọng là các loài vi tảo hoặc phối hợp vi tảo và một số loại thức ăn khác.

Nhằm chọn lọc vi tảo có hàm lượng lipid để cải tạo chất lượng của luân trùng trong nuôi trồng thủy sản nhóm nghiên cứu do TS. Trần Ngọc Đức, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đứng đầu đã áp dụng phương pháp chọn lọc nhanh số lượng với số lượng mẫu lớn và thiết bị plate reader để chọn lọc vi tảo cho hàm lượng lipid cao và dùng HPLC và GC để định tính và định lượng các acid béo và acid amin trong đề tài: “Nghiên cứu nguồn vi tảo biển nội địa có giá trị dinh dưỡng cao nhằm cải thiện chất lượng của luân trùng (Brachionus plicatilis) trong nuôi trồng thủy sản”.

Nhóm nghiên cứu tập trung chính vào nghiên cứu chọn lọc chủng vi tảo biển có hàm lượng lipid cao và các acid amin thiết yếu và nghiên cứu ảnh hưởng dinh dưỡng của tảo chọn lọc lên chất lượng của luân trùng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện (từ 12/2011 đến 12/2014), nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:
- Đã tiến hành phân lập được khoảng 300 chủng sạch và thuẩn chủng sau khi thu mẫu vi tảo biển tại Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh và Bến Tre.
- Xác định sơ bộ nhóm Dunaliella dựa trên hình thái, sinh lý và sinh hóa.
- Định dãy sinh học phân tử 23 chủng và xác định được 16 chủng Dunaliella salina, 1 chủng Dunaliella tertiolecta và 6 chủng Dunaliella viridis
- Tiến hành nghiên cứu trong môi trường tự nhiên và thí nghiệm nghiên cứu sự tăng trưởng của 18 chủng Dunaliella salina trong đó 16 chủng Dunaliella salina nội địa và 2 chủng ngoại nhập (Dunaliella salina CCAP 19/18 và Dunaliella bardawil DCCBC 15) ở các độ muối (1M, 1.5 và 2M) với cường độ ánh sáng (50, 100, 150 µmol photon/m2/s).
- Phân tích được hàm lượng carotene tổng hợp, sinh khối và các yếu tố dinh dưỡng (khả năng chống oxi hóa, hàm lượng phenolic tổng, carbohydrate tổng, lipid tương đối) của các chủng Dunaliella salina ở các điều kiện stress khác nhau, các kết quả cho thấy Stress muối 4M; Stress kết hợp ánh sáng 150 µmol photon/m2/s và muối 4M; Stress ánh sáng 300 µmol photon/m2/s; Stress dinh dưỡng (bổ sung KH2PO4).
- Nghiên cứu được sinh lý và sự tích lũy carotenoid của các chủng tảo được chọn lọc về cường độ ánh sáng 500 µmol photon/m2/s lên tăng trưởng, tích lũy carotene và khả năng chống oxy hóa.
- Nghiên cứu ánh sáng xanh (blue) và UV lên tăng trưởng, tích lũy carotene và khả năng chống oxi hóa.
- Stress kết hợp ánh sáng 300 µmol photon/m2/s và độ muối 4M lên tăng trưởng, tích lũy carotene và khả năng chống oxy hóa.

Như vậy, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc được một chủng vi tảo biển mới (nano alga) với hàm lượng lipid cao và các acid amin thiết yếu cho thủy sản, làm nhiên liệu sản xuất thực phẩm chức năng và nhiên liệu sinh học cho Việt Nam và chọn được nhóm Dunaliella cho thủy sản và thực phẩm.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11276) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Nguồn: P.T.T (NASATI)

Lượt xem: 2890

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)