Thứ sáu, 18/11/2016 17:13 GMT+7

Sản xuất thử và phát triển giống ngô lai LVN 68 và LVN 146 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên

Từ tháng 11/2011 đến tháng 11/2013, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Ngô do ThS. Đào Ngọc Ánh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Sản xuất thử và phát triển giống ngô lai LVN 68 và LVN 146 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên”.


Ngô là một trong ba cây ngũ cốc quan trọng nhất cung cấp lương thực cho loài người và thức ăn gia súc. Ngoài ra, ngô còn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng của ngành công nghiệp - lương thực, thực phẩm - dược phẩm và công nghiệp nhẹ, đặc biệt là nguyên liệu lý tưởng cho năng lượng sinh học. Ngô còn là mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị, mang lại ngoại tệ cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ở Việt Nam, năng suất ngô trong những năm 1960 chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha, với diện tích chưa đến 300 nghìn ha; đến đầu những năm 1980 cũng chỉ đạt 1,1 tấn/ha và sản lượng hơn 400.000 tấn do vẫn trồng các giống ngô địa phương với kỹ thuật canh tác lạc hậu. Từ năm 1980, nhờ hợp tác với Trung tâm cải tạo Ngô và lúa mì quốc tế, nhiều giống ngô cải tiến đã được đưa vào trồng ở nước ta, góp phần nâng năng suất lên gần 1,5 tấn/ha vào đầu những năm 1990. Đến năm 2009, Việt Nam đã đạt năng suất và sản lượng khá cao lên đến 40,8 tạ/ha, sản lượng 4,431.800 tấn, còn diện tích trồng ngô là 1.086.000 ha.

Giống ngô lai LVN 146 và LVN 68 là hai giống ngô lai do Viện nghiên cứu Ngô chọn tạo, có đặc trưng năng suất cao, chống chịu hạn hán và sâu bệnh tốt, đặc biệt ổn định về năng suất qua các mùa vụ gieo trồng khác nhau. Hai giống ngô này đã được trồng thử nghiệm ở nhiều địa phương trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam và đều cho năng suất cao hơn các giống đang được trồng phổ biến tại hai khu vực này. Các hộ nông dân sau khi đưa giống ngô lai LVN 146 và LVN 68 vào sản xuất đều có nhu cầu mua giống để trồng các vụ tiếp theo. Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện đất đai, khí hậu của Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đặc điểm khác biệt so với các khu vực khác. Do đó, việc tiến hành các thí nghiệm để xác định mật độ, khoảng cách và liều lượng phân bón phù hợp cho từng vụ cụ thể để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng của hai giống ngô này là cần thiết.

Đề tài nghiên cứu đã thu được những kết quả sau:
- Xây dựng hoàn thiện được 4 quy trình sản xuất hạt giống F1 LVN 146 và LVN 68 đạt năng suất từ 2,5 - 3,0 tấn/ha cho khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
- Xây dựng hoàn thiện 4 quy trình thâm canh giống ngô lai thương phẩm LVN 146 và LVN 68 đạt năng suất từ 9-10 tấn/ha cho khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
- Đào tạo tập huấn được 4 lớp cho 200 cán bộ kỹ thuật viên và nông dân vùng dự án về kỹ thuật sản xuất hạt giống F1 và kỹ thuật thâm canh đạt năng suất cao chất lượng tốt giống ngô lai LVN 146 và LVN 68.
- Xây dựng thành công 4 mô hình trình diễn giống ngô lai LVN 146 và LVN 68 đạt năng suất trên 10,0 tấn/ha tại khu vực Tây Nguyên trong vụ Thu Đông 2012 và tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vụ Hè Thu năm 2013.
- Sản xuất được 80,0 ha hạt giống F1 giống ngô lai LVN 146 và LVN 68 (40,0 ha/giống) đạt sản lượng 205 tấn hạt giống F1 đủ tiêu chuẩn, trong đó có 100,0 tấn F1 LVN 146 và LVN 68 và 105,0 tấn F1 LVN 146.

Để kết quả dự án được nhanh chóng áp dụng cho khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có các chương trình mở rộng sản xuất và thực hiện thêm nhiều mô hình trình diễn giống ngô lai LVN 146 và LVN 68 cho nhiều vùng khác tại khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11095/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Lượt xem: 2248

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)