Thứ ba, 08/03/2016 09:06 GMT+7

Đoàn công tác của Việt Nam kết thúc đợt trao đổi và học tập kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 27/2/2016, Đoàn cán bộ Việt Nam do Thứ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã kết thúc đợt công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm trao đổi và học hỏi kinh nghiệm về triển khai dự án điện hạt nhân, đặc biệt là các vấn đề về pháp quy hạt nhân.
Đoàn công tác đã tiến hành trao đổi với phía Thỗ Nhĩ Kỳ về các nội dung sau:
Về lịch sử phát triển ngành năng lượng nguyên tử (NLNT) của Thổ Nhĩ Kỳ: Cũng tương tự như Việt Nam, Ngành NLNT của Thổ Nhĩ Kỳ được bắt đầu với việc thành lập Cơ quan NLNT vào năm 1956 và xây dựng lò nghiên cứu TRIGA MARK II năm 1960. Họ cũng đã có chủ trương nghiên cứu phát triển điện hạt nhân từ rất sớm (đầu những năm 1970), nhưng gần đây mới bắt đầu triển khai và đang trong quá trình khảo sát lập thiết kế kỹ thuật đối với nhà máy điện hạt nhân Akkuyu (hợp tác với Nga) và đang trong quá trình phê duyệt địa điểm đối với nhà máy điện hạt nhân Sinop hợp tác với Nhật Bản), còn nhà máy thứ 3 đang trong quá trình thương thảo với đối tác Trung Quốc. Điểm hơn Việt Nam là họ đã sớm có Luật về thành lập Cơ quan NLNT, Luật về môi trường, Luật về xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, Luật về phòng chống thảm họa, Luật về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và luật về thị trường điện, và đặc biệt là công tác chuẩn bị nhân lực thì họ làm bài bản hơn Việt Nam.
Về khuôn khổ luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa hoàn chỉnh khuôn khổ luật pháp về NLNT, đặc biệt là việc xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập, vấn đề bồi thường hạt nhân và các vấn đề quản lý an ninh và thanh sát hạt nhân. Vì vậy hiện tại họ đã xây dựng dự thảo 2 luật liên quan là Luật năng lượng hạt nhân và bức xạ và Luật về bồi thường hạt nhân để khắc phục các bất cập nêu trên theo khuyến cáo của IAEA tương tự như Việt Nam. Quan điểm xây dựng Luật NLNT của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dựa trên các nguyên tắc và yêu cầu an toàn của IAEA và các điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, thanh sát và bồi thường hạt nhân của quốc tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đã và sẽ tham gia.



Về Cơ quan pháp quy hạt nhân: Cơ quan pháp quy hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay chưa độc lập hoàn toàn (thuộc Bộ Tài nguyên và Năng lượng, có cả nhiệm vụ tổ chức và quản lý hoạt động R&D về phát triển ứng dụng NLNT), nhưng họ được giao thẩm quyền đầy đủ về cấp phép, thanh tra và xử lý vi phạm cho dự án điện hạt nhân, thẩm quyền báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và được bảo đảm nguồn lực cho hoạt động pháp quy hạt nhân. Một số khó khăn của Cơ quan pháp quy hạt nhân trong cấp phép dự án điện hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao đổi với Đoàn Việt Nam. Đó là cùng một lúc Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiều dự án với công nghệ khác nhau, ngôn ngữ làm việc đối với các dự án chưa thống nhất, chuyên gia có kinh nghiệm còn thiếu, khó khăn trong tuyển dụng nhân lực có trình độ và công tác đào tạo, khó khăn trong thuê tư vấn hỗ trợ kỹ thuật nước ngoài do các quy định của luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ, thiếu một hệ thống đầy đủ các văn bản quy phạm và hướng dẫn liên quan, cần thiết phải sớm có một bộ Luật NLNT đầy đủ và Luật bồi thường hạt nhân. Các khó khăn trên đang được phía Thổ Nhĩ Kỳ xử lý và cũng đã chia sẻ với Việt Nam. Cụ thể, giải pháp của họ là phân chia việc cấp phép theo từng dự án cho những người có trách nhiệm trong Cơ quan pháp quy hạt nhân phụ trách, sử dụng phiên dịch và trước mắt chỉ yêu cầu dịch tiếng Anh các tài liệu kỹ thuật trong giai đoạn ban đầu, hợp tác với cơ quan pháp quy các nước khác đặc biệt với cơ quan pháp quy của nước cung cấp công nghệ, sử dụng dịch vụ tư vấn của IAEA và đào tạo cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, đề xuất thay đổi các quy định trong nước về thuê tư vấn quốc tế, sử dụng các quy định an toàn của IAEA và của các nước cung cấp công nghệ làm cơ sở trong quy định về hồ sơ xin cấp phép, sử dụng kinh nghiệm của các nhà máy tham chiếu trên thế giới, tổ chức soạn thảo các luật NLNT và Luật bồi thường hạt nhân.

Về khuôn khổ luật pháp và pháp quy của Thổ Nhĩ Kỳ: Cơ quan pháp quy của Thổ Nhĩ Kỳ đã xem xét, đánh giá khuôn khổ luật pháp và pháp quy hạt nhân của họ theo các yêu cầu của IAEA (SSG-16) để đưa ra kế hoạch xây dựng và hoàn thiện tương tự như Cục ATBXHN đã làm với Việt Nam trong thời gian vừa qua. Định kỳ họ cũng yêu cầu IAEA hỗ trợ đánh giá hệ thống pháp quy tích hợp (dịch vụ IRRS của IAEA).
Về kinh nghiệm triển khai dự án điện hạt nhân: Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng hình thức BOO, tức là cho phép các đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng và là chủ vận hành của nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ, còn Chính phủ chỉ thực hiện việc quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân đối với các dự án này. Như vậy, Chính phủ chỉ lo xây dựng khuôn khổ luật pháp và pháp quy hạt nhân, thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân để quản lý các dự án điện hạt nhân và xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Cơ quan pháp quy hạt nhân chịu trách nhiệm xây dựng khuôn khổ luật pháp và văn bản pháp quy, thực hiện cấp phép, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các dự án điện hạt nhân. Bộ Năng lượng xây dựng thị trường điện cạnh tranh để tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ví dụ,với dự án của Nga thì trong 15 năm đầu phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua điện của nhà máy với giá 12,35 cents/kwh và sau 15 năm thì giá bán điện của Nhà máy sẽ theo thị trường tự do. Sau 15 năm thì 20% lợi tức sẽ được nộp cho Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ không lo về ngân sách đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chỉ tập trung cho công tác quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, tức là chỉ quan tâm đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và pháp quy hạt nhân cũng như xây dựng Cơ quan pháp quy hạt nhân độc lập có năng lực và thẩm quyền.
Về quy trình cấp phép cho dự án điện hạt nhân: Thổ Nhĩ Kỳ đã phân thành 3 giai đoạn chính là cấp phép địa điểm, cấp phép xây dựng và cấp phép vận hành. Cơ sở để tiến hành cấp phép dựa trên các quy định pháp luật của Thổ Nhĩ Kỳ, các nguyên tắc và yêu cầu an toàn của IAEA, các tiêu chuẩn (codes and Standards) của nước cung cấp công nghệ. Trong trường hợp các văn bản quy phạm nêu trên còn thiếu thì có thể sử dụng văn bản của nước cung cấp công nghệ hoặc của nước thứ 3. Ngoài 3 giấy phép cho 3 giai đoạn nêu trên, trong từng giai đoạn sẽ có các giấy phép con (Permits). Trong cấp phép địa điểm có bao gồm cả phê duyệt các tham số địa điểm phục vụ cho lập thiết kế kỹ thuật để xin cấp phép xây dựng (đây là điểm khác so với nước ta). Cấp phép vận hành chia làm 2 giai đoạn là giai đoạn cho phép tiến hành giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục không liên quan đến an toàn hạt nhân và cấp phép xây dựng là cho phép khởi công xây dựng lò phản ứng, chế tạo thiết bị và lắp đặt thiết bị của nhà máy điện hạt nhân. Cấp phép vận hành chia làm 3 giai đoạn là cho phép khởi động nguội (chưa có nhiên liệu), cho phép nạp nhiên liệu và vận hành thử, và cho phép vận hành với công suất toàn bộ và chính thức vận hành phát điện thương mại. Trong mỗi giai đoạn của quá trình cấp phép tổ chức vận hành phải nộp hồ sơ xin phép riêng và có báo cáo kết quả thanh tra của giai đoạn trước do tổ chức vận hành và cơ quan pháp quy tiến hành.

Việc tổ chức thẩm định an toàn phục vụ cho cấp phép dự án điện hạt nhân: Nhiệm vụ thẩm định được tổ chức theo từng dự án và được thực hiện theo 3 mức: Mức 1 là kiểm tra tính đầy đủ của các hồ sơ do tổ chức vận hành trình, Mức 2 là thẩm định các nội dung của hồ sơ là phù hợp với các yêu cầu cấp phép đã được xác lập (quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn), Mức 3 là thẩm định lại các thông tin đã được cung cấp về SSC và các kịch bản sự cố đã được tổ chức vận hành tính sử dụng các chương trình tính toán của Cơ quan pháp quy hạt nhân (hay TSO). Để kiểm soát quá trình thẩm định Cơ quan pháp quy hạt nhân cần xây dựng Kế hoạch quản lý dự án thẩm định (PMP). Đối với nhân lực thẩm định một dự án cấp phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ví dụ dự án Akkuyu), phía Thổ Nhĩ Kỳ cần khoảng 70 chuyên gia, trong đó 1/3 là các chuyên gia có kinh nghiệm trên 10 năm làm việc về pháp quy hạt nhân, 1/3 chuyên gia đã được đào tạo với ít nhất 3-5 năm kinh nghiệm, còn lại có thể thuê bên ngoài, chủ yếu là các chuyên gia kỹ thuật. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng lưu ý về chuyên ngành của cán bộ thẩm định thì chuyên ngành hạt nhân chiếm 28%, cơ khí 15%, xây dựng dân dụng 12%, điện và điện tử 12%, môi trường 5% và còn lại 28% của các ngành nghề khác. Đây là cơ sở để chúng ta có thể biết được cơ cấu ngành nghề của cán bộ Cơ quan pháp quy hạt nhân. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng chia sẻ với Đoàn Việt Nam về tổ chức của các nhóm quản lý dự án thẩm định cấp phép địa điểm và thẩm định cấp phép xây dựng. Đây là những kinh nghiệm chúng ta có thể tham khảo để phục vụ cho quản lý dự án thẩm định địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận với 14 nhóm chuyên gia đã được Bộ KH&CN thành lập.
Về quy trình cấp phép về địa điểm của nhà máy điện hạt nhân: Thổ Nhĩ Kỳ chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là lựa chọn địa điểm tương tự như khi Quốc hội ta quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2009 (siting của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện theo quy định của IAEA, gồm site servey và site selection). Giai đoạn tiếp theo là cấp phép địa điểm, tương tự như giai đoạn hiện nay chúng ta đang làm để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt địa điểm cho 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Giai đoạn thứ 3 là phê duyệt các tham số của địa điểm phục vụ cho việc lập thiết kế kỹ thuật trong hồ sơ cấp phép xây dựng. Đối với Việt Nam, giai đoạn này thì Nghị định 70/2010/NĐ-CP đã giao Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế kỹ thuật, nhưng không nói ai sẽ phê duyệt các tham số địa điểm phục vụ cho lập thiết kế kỹ thuật. Từ giai đoạn này trở đi thì cơ quan vận hành nhà máy phải có chương trình quan trắc các thông số địa điểm cho đến hết vòng đời của nhà máy. Tuy nhiên, trong quy định của Việt Nam chưa có các quy định này. Việc thẩm định phê duyệt địa điểm, Thổ Nhĩ Kỳ không sử dụng tư vấn quốc tế mà chỉ sử dụng đội ngũ chuyên gia tư vấn trong nước. Đối với việc phê duyệt các tham số địa điểm, TAEK sử dụng tổ chức hỗ trợ kỹ thuật nội tại của họ với 60 người, nhóm chuyên gia khác ở trong nước gồm 17 người có chuyên ngành khác nhau và 5 chuyên gia tư vấn về các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, TAEK cũng mời IAEA và sử dụng Hội đồng tư vấn ATHN tham vấn độc lập về vấn đề phê duyệt các tham số địa điểm để bảo đảm tính chất khách quan và khoa học. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần nghiên cứu để chỉnh sửa trong các quy định của Luật NLNT sửa đổi.

Về lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân: Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân hoàn toàn dựa trên các hướng dẫn của IAEA cho hai loại hình hoạt động là site servey và site selection. Trong lựa chọn địa điểm thì 3 loại tiêu chí được đưa ra trong nghiên cứu là tiêu chí liên quan đến an toàn, tiêu chí liên quan đến an ninh và tiêu chí không liên quan đến an toàn. So với Thổ Nhĩ Kỳ thì chúng ta chưa xây dựng các tiêu chí về an ninh trong lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân. TAEK không thuê tư vấn quốc tế thẩm định an toàn trong lựa chọn địa điểm mà sử dụng đội ngũ chuyên gia trong nước. Các chuyên gia trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiên cứu rất kỹ các tài liệu về yêu cầu và hướng dẫn an toàn trong lựa chọn địa điểm của IAEA để tư vấn cho Cơ quan pháp quy trong đánh gián an toàn địa điểm. Đây là vấn đề cần được chúng ta quan tâm khi muốn giao các nhiệm vụ này cho các chuyên gia trong nước.
Về hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ dự án điện hạt nhân: Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 2 cấp quản lý và thực thi hoạt động đào tạo cho các cơ quan liên quan đến dự án điện hạt nhân. Ban chỉ đạo (NEPIO) của Bộ Năng lượng điều phối các hoạt động lập kế hoạch đào tạo ở tầm quốc gia; Cơ quan pháp quy hạt nhân (TAEK) thực hiện các hoạt động đào tạo cho nhu cầu của Cơ quan pháp quy hạt nhân; Cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân thực hiện các hoạt động đào tạo cho nhu cầu của cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân. Như vậy, đối với Thổ Nhĩ Kỳ họ chỉ có 2 kế hoạch đào tạo cho Cơ quan pháp quy và cho Tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân. Đối với đào tạo đại học và trên đại học thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 1 trường đại học đào tạo về công nghệ điện hạt nhân và cho đến nay mới đào tạo được 420 học sinh. Ngoài ra, cũng chỉ có 3 trường đại học và viện nghiên cứu đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ về công nghệ điện hạt nhân. Cơ quan vận hành nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đã gửi đi Nga đào tạo 75 sinh viên và đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho 60 người.



Về đào tạo nhân lực của Cơ quan pháp quy hạt nhân: Cơ quan pháp quy hạt nhân có kế hoạch đào tạo riêng của mình được xây dựng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, hiện trạng nguồn nhân lực, nhu cầu nhân lực cho thanh tra và cấp phép dự án điện hạt nhân và các hoạt động khác. Kế hoạch này được lập dựa trên kế hoạch triển khai thực hiện các dự án điện hạt nhân, lộ trình cụ thể của từng bước đã được cơ quan vận hành thống nhất với Cơ quan pháp quy hạt nhân (hoạt động liên quan đến địa điểm, thẩm định và đánh giá để cấp phép xây dựng, quá trình xây dựng, khởi động và đưa nhà máy vào vận hành). Kế hoạch phải được lập như vậy để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo. Trong việc lập kế hoạch cần phải xác định rõ các loại chuyên môn và trình độ cần thiết của các bộ phận để xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể. Cơ quan pháp quy hạt nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng tài liệu hướng dẫn của Hoa Kỳ (G-OI-ST, Staffing Tranining and Technical Support for Startup of a Nuclear Safety Regulatory Program) để xây dựng kế hoạch đào tạo cho mình. Các loại hình đào tạo sau đây đã được sử dụng: Đào tạo cơ bản ở tại TAEK (năng lượng hạt nhân, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và thanh sát hạt nhân, thanh tra, kiểm soát pháp quy); Đào tạo tại cơ quan pháp quy của nước cung cấp công nghệ (Nga, Nhật Bản, Pháp); hợp tác với IAEA, EU và EC. Cục ATBXHN cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch đào tạo bài bản cho minh dựa theo kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ.



Các kinh nghiệm thu được từ bài học của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp ích cho Việt Nam trong việc tổ chức triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trước hết là hệ thống quản lý an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân./.

Lượt xem: 1170

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)