Thứ ba, 23/02/2016 12:41 GMT+7

Phát triển các cơ sở ươm tạo khoa học công nghệ

Mặc dù mới xuất hiện ở nước ta khoảng 5 năm, nhưng mô hình cơ sở ươm tạo khoa học công nghệ (KHCN) hoạt động hiệu quả, tạo lực đẩy mạnh mẽ trong ứng dụng KHCN, rút ngắn khoảng cách giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp.

Hiệu quả bước đầu


Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay cả nước đã có khoảng 50 cơ sở ươm tạo KHCN, được hình thành tại các viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghệ cao, với nhiều quy mô khác nhau. Các cơ sở này đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp, bởi khi tham gia ươm tạo trong một thời gian nhất định, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn việc ứng dụng KHCN, các công trình nghiên cứu vào sản xuất một cách hiệu quả. Đồng thời sẽ được cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm, cho đến khi thành lập và phát triển doanh nghiệp thành công.


Mô hình cơ sở ươm tạo KHCN đã phát huy hiệu quả


Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp KHCN Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở tiên phong đặt trong trường đại học, sau 3 năm hoạt động đã ươm tạo thành công 15 doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh như Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt (INext Technology), từ ý tưởng ban đầu của một giảng viên ngành điện tử về cung cấp các phần mềm và gói giải pháp quản lý trong lĩnh vực bệnh viện, ngân hàng… đã được Trung tâm hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và huy động nhiều kỹ sư có tay nghề chuyên môn cao của Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh để nghiên cứu ứng dụng phát triển các sản phẩm này. Đến nay, doanh nghiệp đã có tên tuổi trên thị trường với sản phẩm đầu đọc card theo công nghệ RFID, hệ thống chẩn đoán y tế online, card giao tiếp FXS/FXO cho hệ thống VoIP… với doanh thu lên tới 10 tỷ đồng/năm.

Hay như Công ty cổ phần công nghệ ACIS, đã trở thành một doanh nghiệp mạnh nhờ Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Công nghệ cao, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Chuyên về dịch vụ hệ thống điều khiển điện thông minh, nhưng các sản phẩm chưa thực sự ưu việt, doanh nghiệp này đã tham gia đăng ký ươm tạo trong vòng 2 năm (từ năm 2013 - 2015) và được cơ sở ươm tạo hỗ trợ từ hoàn thiện sản phẩm, kết nối quỹ đầu tư, giới thiệu chuyên gia tư vấn công nghệ; hỗ trợ các dịch vụ tiện ích văn phòng, nhà xưởng, tổ chức hội thảo và triển lãm giới thiệu sản phẩm… đến nay đã phát triển được sản phẩm PowerControl - Hệ thống điều khiển giúp kiểm soát trang thiết bị sử dụng điện, tiết kiệm chi phí và bảo vệ an toàn gia đình, với nhiều tính năng vượt trội so với ban đầu, thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng lắp đặt nên rất được ưa chuộng.

Không chỉ 2 trung tâm trên, hiện nay, nhiều cơ sở ươm tạo KHCN cũng đang được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả như: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp CRC -TOPIC thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI), Trung tâm ươm tạo Nacentech (Viện Ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ)… với các hoạt động ươm tạo tập trung vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hóa, vi điện tử; vật liệu mới; nông nghiệp… Trung bình mỗi cơ sở đã ươm tạo thành công từ 5 - 7 doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Tuy mới xuất hiện, nhưng hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN của nước ta đang bắt đầu phát triển và đã có những dấu hiệu khởi sắc nhất định. Một số cơ sở ươm tạo đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các hoạt động ươm tạo công nghệ để cho ra đời những doanh nghiệp khởi nghiệp mạnh.

“Những cơ sở ươm tạo được đặt trong môi trường của trường đại học còn có thế mạnh là có nhiều nguồn ý tưởng, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ cơ bản có sẵn, nên các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tận dụng những nguồn lực này để tiếp cận và ứng dụng”, Ông Mai Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp KHCN, Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho biết.

Nhiều khó khăn cần khắc phục

Tuy được đánh giá là có những hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, hầu hết các cơ sở ươm tạo vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, với thời gian hoạt động từ 1 - 5 năm và phải đối mặt với nhiều thách thức để tạo sức hút thực sự đối với các doanh nghiệp KHCN.

Hầu hết các vườn ươm vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo mối gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, trường, viện với các doanh nghiệp; trình độ quản lý còn hạn chế; thiếu cán bộ chuyên trách; mối liên hệ với cộng đồng doanh nhân chưa tốt… Đặc biệt, các cơ sở chưa có sự gắn kết thành một hệ thống mà vẫn đang hoạt động riêng lẻ, mỗi cơ sở đều phải tự tạo nguồn lực để tồn tại, phát triển nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân có ý tưởng mới về KHCN, muốn tiếp cận hoạt động ươm tạo nhưng còn băn khoăn về các tiêu chí cần thiết để được hỗ trợ. Khâu thương mại hóa các sản phẩm ươm tạo cũng còn hạn chế do thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm marketing…

Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (BIPP) cho biết: Trong thời gian tới, việc đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KHCN vừa là nhiệm vụ, vừa là mục tiêu hết sức quan trọng mà Bộ Khoa học và Công nghệ cần nỗ lực để đạt được. Bên cạnh đó, cần xây dựng khung pháp lý cho hoạt động ươm tạo và phát triển các doanh nghiệp KHCN cùng với việc kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và đẩy mạnh thương mại hóa các kết quả nghiên cứu để các cơ sở ươm tạo hoạt động được hiệu quả.

Lượt xem: 2070

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)