Thứ ba, 01/06/2021 09:29 GMT+7

Nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm Đông trùng hạ thảo trên tằm dâu tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris là một loài nấm ký sinh trên côn trùng có giá trị dược liệu quan trọng tự như nấm Cordyceps sinensis và được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền. Các tác dụng chính của vị thuốc quý hiếm bậc nhất này cũng được các nghiên cứu khoa học hiện đại chỉ ra như: Làm hạ huyết áp ở người cao huyết áp; Chống lại hiện tượng thiếu máu ở cơ tim; Chống lại tác dụng xấu của các tân dược đối với thận; Bảo vệ thận trong trường hợp gặp tổn thương do thiếu máu; Chống lại sự suy thoái của thận, xúc tiến việc tái sinh và phục hồi các tế bào tiểu quản ở thận; Tăng cường dịch tiết trong khí quản và trừ đờm; Làm giảm cholesterol trong máu và chống xơ vữa động mạch; Xúc tiến tác dụng của các nội tiết tố, thúc đẩy tế bào lá lách tiết ra insulin; Giữ ổn định nhịp đập của tim; Tăng cường miễn dịch không đặc hiệu… Thậm chí, trùng thảo còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, hạn chế bệnh tật của tuổi già, có tác dụng cường dương và chống liệt dương. Gần đây, các nhà y học còn phát hiện trùng thảo có tác dụng ức chế trực khuẩn lao rất rõ rệt. Đông trùng hạ thảo còn có tác dụng nâng cao chức năng miễn dịch của tế bào có công hiệu điều trị nhất định đối với bệnh nhân viêm gan B, ngăn chặn xơ gan (Seulmee et al., 2009; Shonkor, 2010).

Đông trùng hạ thảo hiện nay có các loại: Trên xác côn trùng (thu hái trong tự nhiên và nhân tạo) và không trên xác côn trùng (lên men). Loại thứ nhất thu hái trong tự nhiên, hiện rất hiếm và đắt. Loại thứ hai nuôi cấy nhân tạo trong môi trường tự nhiên theo một quy trình riêng có thể sản xuất đại trà và đây là hướng mà Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang làm lâu nay. Còn loại thứ ba nuôi cấy bằng phương pháp lên men được thực hiện trong phòng thí nghiệm với những thiết bị hiện đại.

Khác với nấm Cordyceps sinensis với sản lượng rất ít và chỉ mọc trong tự nhiên, nấm Cordyceps militaris có thể được nuôi trồng trong điều kiện nhân tạo.

Hiện nay, nhiều loài nấm thuộc chi Cordyceps được nuôi trồng trên quy mô công nghiệp để tinh chế các chất có dược tính. Các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng từ nấm Cordyceps militaris chiếm thị trường rất lớn trên thế giới.

Do giá trị dược liệu, giá trị kinh tế cao và tính khả thi của việc nuôi nấm Cordyceps militaris ở quy mô lớn, việc phát triển các nghiên cứu về nuôi trồng nấm Cordyceps militaris nhằm tăng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất để đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương là hết sức cần thiết. Xác định khu vực thích hợp và nuôi trồng thành công Đông trùng hạ thảo trên tằm dâu tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu không chỉ mang lại lợi ích kinh tế (giảm được giá thành cho phù hợp với người sử dụng, tăng GDP cho địa phương, đặc biệt là ổn định thu nhập cho người dân tái định cư), mà còn có giá trị khoa học (bổ sung nguồn gen mới, quý cho khu vực) đồng thời mở rộng vùng nguyên dược liệu có giá trị cho khu vực, góp phần đảm bảo an ninh xã hội.

Với tất cả các lí do trên, Phạm Văn Nhã cùng các đồng nghiệp đến từ trường Đại học Tây Bắc đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm Đông trùng hạ thảo trên tằm dâu tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu”. Đề tài đóng vai trò hết sức cần thiết, đóng góp vào sự phát triển của khu vực Tây Bắc.

Sau đây là một số kết quả đáng chú ý mà dự án của nhóm tác giả đã thu được:

(1) Đã xác định được tính thích nghi của Đông trùng hạ thảo C. militaris trên tằm dâu (nhộng tằm dâu) tại các địa điểm có điều kiện tự nhiên như độ cao từ 800 m trở lên, nhiệt độ trung bình năm 20 - 25 độ C, độ ẩm 70 - 80%; cụ thể là 4 địa điểm (Mường É, Co Mạ - Thuận Châu - Sơn La; Tỏa Tình - Tuần Giáo - Điện Biên; Sơn Bình - Tam Đường - Lai Châu) và các địa điểm có điều kiện tương đương.

(2) Đã xây dựng được 3 quy trình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo C. militaris với chủng NBRC 100741 trên tằm dâu ở các quy mô khác nhau:

- Quy mô phòng thí nghiệm gồm 6 bước (1- Nuôi cấy và bảo quản giống nấm C. militaris; 2- Tạo nguồn giống nấm C. militaris; 3- Cây giống lên giá thể nhộng tằm khử trùng hoặc bột nhộng tằm bổ sung gạo lứt, cao nấm men, pepton; 4- Tạo hệ sợi trong điều kiện nhiệt  độ 20-25 độ C, độ ẩm 80-90%; 5- Tạo thể quả trong điều kiện nhiệt độ 20-25 độ C, độ ẩm 80-90%, ánh sáng đèn trắng của đèn compact có cường độ 7001000 lx, thời gian chiếu sáng 12 giờ; 6- Thu hoạch khi đạt kích thước 7-8 cm, đầu nhọn và bảo quản bằng sấy thăng hoa, tránh ánh sáng).

- Quy mô phòng pilot gồm 7 bước (1- Tạo nguồn giống nấm C. militaris; 2- Cấy giống lên giá thể bột nhộng tằm bổ sung gạo lứt, cao nấm men, pepton; 3- Tạo hệ sợi trong điều kiện nhiệt độ 20-25oC, độ ẩm 80-90%; 4- Tạo thể quả trong điều kiện nhiệt độ 20-25oC,  độ ẩm 80-90%, ánh sáng đèn trắng của đèn compact có cường độ 7001000 lx, thời gian chiếu sáng 12 giờ; từ bước 1-4 diễn ra trong PTN; 5- Vận chuyển tới các pilot ở các địa phương; 6- Duy trì sự sinh trưởng của thể quả; 7- Thu hoạch khi đạt kích thước 7-8 cm, đầu nhọn và bảo quản bằng sấy ở 40oC hoặc sấy thăng hoa, tránh ánh sáng).

- Quy mô phòng hộ gia đình gồm 7 bước (1- Tạo nguồn giống nấm C. militaris; 2- Cây giống lên giá thể bột nhộng tằm bổ sung gạo lứt, cao nấm men, pepton; 3- Tạo hệ sợi trong  điều kiện nhiệt độ 20-25oC, độ ẩm 80-90%; 4- Tạo thể quả trong điều kiện nhiệt độ 20-25oC, độ ẩm 80-90%, ánh sáng đèn trắng của đèn compact có cường độ 700-1000 lx, thời gian chiếu sáng 12 giờ; từ bước 1-4 diễn ra trong PTN; 5- Vận chuyển tới các nhà nuôi ở các địa phương có điều kiện tự nhiên thích hợp được lựa chọn; 6- Duy trì sự sinh trưởng của thể quả (tháng 3-11: sử dụng nhiệt độ tự nhiên); 7- Thu hoạch khi đạt kích thước 7-8 cm, đầu nhọn và bảo quản bằng sấy ở 40oC hoặc sấy thăng hoa, tránh ánh sáng).

Sản phẩm thu được từ các quy trình được xác định có thành phần hoạt chất trung bình là 0,46 mg/g adenosin, 10,56 mg/g cordycepin, thành phần có giá trị dinh dưỡng là 78,76 mg/g amino acid tự do tổng số trong thể quả và 153,535 mg/g trong hệ sợi, acid béo không no trên 70% tổng số acid béo, chủ yếu là linoleic acid.

(3) Trong 3 tỉnh được lựa chọn, hiệu quả kinh tế từ nuôi Đông trùng hạ thảo C. militaris tại tỉnh Lai Châu cao hơn Điện Biên và Sơn La (từ 174.000 đến 203.000 đồng/bình/2 tháng). Khả năng nhận thức, áp dụng mô hình pilot và hộ gia đình của người dân tại tỉnh Sơn La và Lai Châu tương đương nhau và cao hơn so với tỉnh Điện Biên. 


*Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13425) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 584

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)