Thứ hai, 10/05/2021 09:36 GMT+7

Khi Khoa học và Công nghệ là "bệ đỡ" cho sản phẩm chủ lực

Nếu ở nơi nào vẫn còn băn khoăn với câu hỏi “Khoa học và Công nghệ có vai trò gì trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương?” thì ắt hẳn đó không phải là Bắc Giang. Bởi từ lâu, trên vùng đất trung du này, KH&CN đã được coi là yếu tố không thể thiếu trong bài toán phát triển nông nghiệp.

Có một điều thật kỳ lạ, gặp gỡ những người làm KH&CN hay nông nghiệp ở Bắc Giang, giữa những câu chuyện về tình hình phát triển địa phương, bao giờ câu chuyện cũng vòng lại chủ đề cây vải. Có phải đó là điều tất nhiên ở một nơi có diện tích trồng cao nhất cả nước và cây vải đã trở thành cây nghìn tỉ? Tại cuộc trò chuyện với Báo KH&PT, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình lưu ý một điều: trong số ba sản phẩm của Việt Nam được lên kế hoạch bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản thì cây vải về đích sớm nhất. Và để làm được việc đó, từ nhiều năm nay KH&CN gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp và nhìn thấy ở mảnh đất màu mỡ này những việc mình có thể làm được. Có lẽ nhờ vậy mà ở Bắc Giang, những người làm nông nghiệp cũng cùng chung quan điểm với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp “Trước đây, có phong trào cánh đồng 50 triệu, bây giờ là cánh đồng 200 triệu, 500 triệu, 1 tỷ/ha. Đất vẫn thế nhưng nhờ có KH&CN nên giá trị mới được gia tăng”, một câu đánh giá không đơn thuần là “ngoại giao” trong cuộc họp bàn vào cuối năm 2020 với ngành KH&CN.



Vải Lục Ngạn đã được Bắc Giang đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2008. Ảnh: Mỹ Hạnh

 

Trong bối cảnh đó, Bắc Giang chỉ “độc canh”, tận dụng ưu thế của một loại cây thôi ư? Nếu vậy thì nghe có vẻ quá đơn giản và nhàm chán. Tuy nhiên câu chuyện trên thực tế thì thật sự phong phú và đa dạng. “Chúng tôi có rất nhiều sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế”, ông Trần Văn Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Bắc Giang, không dấu nổi tự hào.

Vậy là giữa lúc rất nhiều nơi còn chưa thôi băn khoăn về “trồng cây gì”, “nuôi con gì” cho bài toán phát triển nông nghiệp thì Bắc Giang đã làm được điều đó một cách gọn ghẽ. Dẫu vậy có bao giờ Bắc Giang nghĩ đến việc duy trì sự đa dạng và phong phú ấy cũng là thách thức để các sản phẩm khỏi dẫm chân lên nhau và để chúng có thể tự thích nghi trước biến động của thị trường? Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang bình thản cho biết về bí quyết của địa phương “Bắc Giang có rất nhiều dư địa để phát triển trồng trọt, chăn nuôi thủy sản và lâm nghiệp. Với một đồng đất và điều kiện con người như thế, muốn phát triển thì chỉ có thể dựa vào KH&CN và muốn giải quyết được thách thức thì cũng là KH&CN”.


KH&CN dẫn đường

Để KH&CN thực sự trở thành bí quyết đưa những người nông dân Bắc Giang thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá” và có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, Sở KH&CN ở đây đã phải nhập cuộc từ rất sớm và bằng những công việc rất cụ thể. “Chúng tôi nhận thấy, phát triển cần có quy hoạch đúng. Do đó, chúng tôi đề xuất với UBND tỉnh việc xây dựng một bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để làm cơ sở xác định các vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp”, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Thanh Bình nói.

Khi triển khai nhiệm vụ do tỉnh giao “Nghiên cứu xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp tỉnh Bắc Giang”, Sở KH&CN Bắc Giang đã mời các nhà nghiên cứu ở Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Bộ NN&PTNT) thực hiện. Sau ba năm thực hiện, đến tháng 6/2015, Bắc Giang đã có trong tay một bản đồ đầy đủ các thông số về các đặc tính đất đai như loại đất, độ phì, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất, địa hình, chế độ tưới, chế độ tiêu bằng kỹ thuật GIS… Nhờ vậy, họ đã có cơ sở đánh giá mức độ thích hợp với đất đai khá chi tiết cho 27 loại cây trồng từ rau màu, cây lương thực, cây dược liệu đến cây ăn quả... Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng này đã gợi ý cho việc phát triển các vùng trồng trọt, trong đó có vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 50.000 ha, riêng vải thiều chiếm hơn một nửa, ví dụ cây lâm nghiệp như Sơn Động, Yên Thế, phát triển cây ăn quả như Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, chuyên canh rau hoa như thành phố Bắc Giang, Yên Dũng hay tập trung vào chăn nuôi gia cầm như Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng… “Quy hoạch là cách làm dẫn đến thành công trong việc hiểu đúng cái mình có và hiểu đúng những gì thị trường người ta cần”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ. “Đơn cử như cây cam thì không chỉ ở Bắc Giang mà Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn cũng trồng rất tốt… Nếu chúng tôi không làm tốt khâu quy hoạch thì đến một lúc nào đó sẽ xảy ra cảnh ‘được mùa mất giá’, bão hòa sản phẩm dẫn đến không tiêu thụ được”.

Đây cũng là điểm xuất phát của rất nhiều kế hoạch phát triển nông nghiệp và điểm gợi ý cho nhiều hợp tác liên ngành của Bắc Giang trong gần 10 năm qua. “Nếu tính riêng việc phát triển sản phẩm chủ lực dựa trên các vùng sinh thái, tỉnh giao nhiệm vụ cho các sở ngành chứ không phải một mình sở NN&PTNT hay sở KH&CN mà còn giao cho cả sở Công thương và các huyện…”, ông Trần Văn Tú nói. Trong hai năm 2015-2016, nhiệm vụ điều tra, khảo sát trên tất cả các huyện ở Bắc Giang đã được thực hiện với việc chọn 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng với các sản phẩm thu hoạch như vải, cam, gạo nếp, lạc, chè,... và cả sản phẩm sau chế biến như bánh đa Kế, mì Chũ... “Nhiều sản phẩm có giá trị lâu đời, gắn liền với văn hóa Bắc Giang và cũng có nhiều sản phẩm mới được chủ động đưa vào danh sách khi nhìn thấy tiềm năng của nó”, ông Nguyễn Thanh Bình giải thích thêm.

Việc quy hoạch các vùng trồng trọt là cơ sở để có những bước đi bài bản cho phát triển. Tuy nhiên ngay cả ở thời điểm chưa có được bản đồ nông hóa thổ nhưỡng thì những người làm KH&CN đã có sự chủ động trong công việc. “Không phải là vào năm 2017, khi tỉnh ra quyết định phê duyệt danh mục sản phẩm chủ lực thì ngành KH&CN ở đây mới vào cuộc. Trước đây, KH&CN đã bắt đầu như xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn và được công nhận vào năm 2008, hay đề xuất cấp nhãn hiệu tập thể cho gà đồi Yên Thế và được chấp thuận vào năm 2011...”, ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang, cho biết.

Việc KH&CN chủ động tham gia giải quyết các công việc của địa phương, hợp tác với các ngành của tỉnh từ việc xây dựng chính sách cho đến phát triển sản phẩm nông sản chủ lực hay xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm từ rất nhiều năm như vậy đã trở thành yếu tố thuận lợi để họ góp phần giải quyết những vấn đề mang tính bền vững hơn sau này.



Mì Chũ, một trong những sản phẩm chủ lực của Bắc Giang. Ảnh: Mỹ Hạnh
 

Tháo gỡ từng nút thắt

Nhưng KH&CN không chỉ để dành giải quyết những vấn đề ở tầm vĩ mô ở Bắc Giang mà còn là những vấn đề hết sức cụ thể mà những người nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm thường gặp phải. Trước những vấn đề của các vùng chuyên canh, KH&CN có thể giúp gì được cho họ? “Trong chiến lược phát triển của tỉnh năm 2021-2025 mới đặt ra, các vùng này đều đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt được bao nhiêu giá trị đóng góp từ nông nghiệp. Để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đó thì chỉ có khoa học mới có thể giúp các huyện được. Mặc dù đây là vấn đề của ngành nông nghiệp nhưng chúng tôi thấy khoa học phải đi trước một bước để giữ mọi việc có thể diễn ra như mong muốn”, ông Nguyễn Thanh Bình nói về việc phát huy vai trò của KH&CN tại địa phương.

Câu chuyện “đi trước một bước” của những người làm KH&CN ở đây chính là việc hiểu rõ những vấn đề đặc trưng mà các cây con đặc sản Bắc Giang sẽ gặp phải trong tương lai. Ví dụ như với diện tích trồng các loại cây có múi chi Cam chanh ở Lục Ngạn, Lục Nam, họ luôn phải “để mắt” tới vì khác với vải, chúng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, trong có bệnh mà thế giới vẫn còn bó tay như bệnh vàng lá gân xanh greening. “Làm việc với các nhà nghiên cứu Viện Bảo vệ thực vật, chúng tôi đặt vấn đề là tất cả các cây cam ở Việt Nam nói chung hay riêng Bắc Giang trước sau cũng bị lâm vào cảnh vàng lá thối rễ. Do đó, chúng tôi nhờ họ giúp nông dân Bắc Giang phòng chống, ngăn chặn bệnh đó. Hiện Viện đang giúp Bắc Giang thông qua nhiệm vụ ‘Xây dựng mô hình thâm canh phòng chống bệnh vàng lá thỗi rễ, greening ở cây ăn múi’”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Với suy nghĩ muốn đưa những ứng dụng khoa học vào thực tế, Sở KH&CN đã tìm ra được nhiều việc để làm. Nói như ông Ngô Chí Vinh, Phó Giám đốc sở thì “anh em ở sở phải nắm được tình hình ở các huyện, qua đó kịp thời biết người ta cần cái gì. Trên cơ sở đấy, sở mới tổng hợp được một danh mục các nhiệm vụ cần kíp và phối hợp với các ngành, các huyện giải quyết”.

Những vấn đề ứng dụng KH&CN ở cơ sở của Bắc Giang đôi khi không quá phức tạp, có thể chỉ là việc tưởng chừng rất đơn giản như mô hình nhà màng, nhà lưới trồng rau hoa nhưng không chỉ cứ đem từ Lâm Đồng ra Bắc Giang là áp dụng thành công. Để những giải pháp mới phát huy hiệu quả, các cán bộ sở KH&CN vẫn phải tìm hiểu và đặt nó vào những điều kiện rất cụ thể của địa phương mình, thậm chí hỏi thêm ý kiến các chuyên gia. “Ngay cả chuyện cái nhà màng, chúng tôi vẫn phải tìm hiểu vấn đề nhiệt độ trung bình theo mùa, xác định hướng gió, kết cấu khung như thế nào cho an toàn và tiết kiệm vật liệu? ví dụ cửa mở phải nhà màng ở Bắc Giang là 1,4m thì hợp lý, thay vì 1,2m như ở Đà Lạt. Tất cả những điều chỉnh đó chúng tôi cũng phải xin ý kiến chuyên gia Israel trước khi ra quyết định”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Chính vì sống giữa những vùng chuyên canh và xác định nông nghiệp là ưu tiên số một, Sở KH&CN Bắc Giang đã tập trung gần như toàn nguồn lực cho ứng dụng chuyển giao, phục vụ nông nghiệp. Giám đốc Sở Nguyễn Thanh Bình ước tính, hằng năm trên 90% nhiệm vụ KH&CN là dành cho nông nghiệp. “Hằng năm, chúng tôi có 30 nhiệm vụ cấp cơ sở, 15 nhiệm vụ cấp tỉnh, bên cạnh đó có khoảng vài ba nhiệm vụ cấp quốc gia”, ông nói. Trong số này, các nhiệm vụ cơ sở dù rất lặt vặt với tổng kinh phí khoảng 100 triệu đồng/nhiệm vụ nhưng lại hết sức thiết thực với từng huyện, xã. Ông lý giải, “dù việc quản lý một nhiệm vụ KH&CN cỡ 100 triệu cũng đòi hỏi nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian như nhiệm vụ cỡ khoảng một tỉ nhưng chúng tôi vẫn tiến hành để đưa cái mới xuống cho từng hộ làm quen. Làm được như thế thì dưới huyện, xã người ta cũng được thử nghiệm cái mới vào sản xuất, mới tập hợp được nhiều kinh nghiệm và cải tiến thành các mô hình điểm, qua đó tạo được sức lan tỏa”.

Mặc dù đã chủ động giải quyết nhiều bài toán của địa phương nhưng dường như những vấn đề của thực tại vẫn còn “xếp lượt” trước mặt KH&CN Bắc Giang. Trong nhiều cuộc trò chuyện với cả các hộ nuôi trồng cũng như những nhà quản lý địa phương, ai nấy cũng đều thừa nhận là bài toán cần kíp với Bắc Giang lúc này chính là bảo quản sau thu hoạch và chế biến sâu các sản phẩm chủ lực để có thể khoác cho nó những tấm áo mới đa dạng, hấp dẫn và độc đáo hơn. “Để nâng cao giá trị của sản phẩm, chúng tôi cần công nghệ mới phù hợp. Ngay quả vải muốn xuất đi Mỹ hoặc châu Âu bằng đường biển cho hạ giá thành vận chuyển thì phải có công nghệ bảo quản được chất lượng, màu sắc nhưng công nghệ màng MAP của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, công nghệ đông lạnh tươi CAS của Nhật Bản đến đông lạnh Juran Israel vẫn chưa thành công, hoặc vì kinh phí đầu tư quá lớn hoặc hiệu quả không được như mong đợi”, ông Ngô Chí Vinh nhận xét.

Đây là nỗi khổ tâm của những người làm KH&CN ở một vùng mà vải chiếm tới quá nửa diện tích cây ăn quả và cũng còn rất nhiều loại cây trái khác trên non nửa diện tích còn lại đang cần “chiếc đũa thần” công nghệ. Bài toán này quá khó vì theo lý giải của họ, dù trên địa bàn tỉnh có tới chín doanh nghiệp về chế biến rau quả, thực phẩm nhưng các doanh nghiệp này phải đối diện với sức ép mùa vụ lớn “ví dụ 200.000 tấn vải thiều/năm, thu hoạch trong vòng một tháng, không nhà máy nào đáp ứng được. Nếu có công nghệ thì họ có thể đầu tư dây chuyền đáp ứng nhưng chỉ dành cho một loại sản phẩm. Do đó cần phải đa dạng hóa sản phẩm, muốn vậy phải có vùng nguyên liệu và thị trường…” – những vấn đề mà theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Bình thì bản thân một tỉnh hoặc một doanh nghiệp khó tự giải quyết được.

Phát triển nông sản chủ lực của Bắc Giang là một chuỗi những công việc bất tận, đan xen cả cũ lẫn mới, ví dụ như chuẩn bị cho những “nhân vật mới” như na dai Lục Nam, cam Lục Ngạn, sâm nam Núi Dành, vải thiều sớm Phúc Hòa, ba kích Sơn Động… ra đến thị trường bên cạnh việc chuẩn bị vận hành một cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Có thể vẫn là chuyện ‘trồng cây gì, nuôi con gì’ nhưng ở một tầng nấc hoàn toàn khác so với trước đây”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Nguồn: Bài viết hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 575

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)