Thứ tư, 28/04/2021 11:09 GMT+7

Nhóm sáng chế quyết đăng ký độc quyền tại Mỹ vì "tự ái"

Chỉ sau 5 năm, những cán bộ nghiên cứu ở Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao sở hữu 4 bằng sáng chế do Mỹ cấp là cách chứng minh không "copy" sản phẩm.

Bốn bằng độc quyền Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp cho Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao (VHT) của Viettel gồm: "Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến"; "Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý"; "Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ" và "Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số". Bằng sáng chế được cấp khi sản phẩm đạt các tiêu chí tính mới, sáng tạo và hữu ích.

Trung tá Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc VHT cho biết, ban đầu làm thiết bị thông tin trong quân sự, khi báo cáo đề án với lãnh đạo Tập đoàn, có ý kiến lo ngại sản phẩm chỉ "copy". "Khi đó tôi rất tự ái và nghĩ, ngay cả trong nội bộ Tập đoàn cũng có người chưa tin tự chúng ta có thể làm ra những sản phẩm công nghệ cao", anh Hoàng nói và cho biết sau đó nhóm nghiên cứu đã quyết chí tạo bằng được sản phẩm, máy thông tin là bước đi đầu tiên.



Cán bộ nghiên cứu tại Tổng Công ty công nghiệp công nghệ cao (VHT). Ảnh: ML.

 

Theo Trung tá Hoàng, khi phát triển sản phẩm công nghệ cao, phần cứng có thể phải học hỏi nhưng phần mềm, hệ điều hành, thuật toán bảo mật sẽ không ai chuyển giao. Nếu có đi mua máy của nước ngoài sẽ mãi là máy của nước ngoài. Nhưng khi tự nghiên cứu sẽ phải tối ưu thiết kế, xây dựng thuật toán, từ đó sẽ nảy ra công nghệ mới, tạo được sự cạnh tranh trong các sản phẩm công nghệ. "Có kết quả, ban đầu nhóm xin thử nghiệm không ai tin, lãnh đạo yêu cầu báo cáo 3-4 lần, nói rõ từng linh kiện sau đó mới cho thử nghiệm. Trải qua các tiêu chuẩn vàng cùng quá trình dài thử nghiệm Tập đoàn mới quyết định cho sản xuất hàng loạt", anh cho biết. Bộ Quốc phòng cũng có chủ trương, những gì tự làm được trong nước sẽ không nhập khẩu nữa.

"Khi nghiên cứu thành công, chúng tôi đăng ký sở hữu trí tuệ với tất cả sản phẩm 100% do Viettel phát triển", Trung tá Hoàng nói.

Thiếu tá Nguyễn Gia Vinh, Phòng Khoa học công nghệ VHT cho biết, từ năm 2011 các nhóm tự nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao, đến 2016 bắt đầu đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Trong 5 năm tích lũy, đã có 276 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong nước, 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký (được chấp nhận đơn 66 sáng chế). Đã có 31 bằng sáng chế độc quyền được cấp trong nước, 4 bằng do Mỹ cấp.

Theo Trung tá Hoàng, tại doanh nghiệp của anh, hoạt động sáng tạo được thúc đẩy bằng nhiều hình thức như: tổ chức hoạt động sáng tạo, phần thưởng cho các sáng kiến ý tưởng, sáng chế, viết báo, chuyên đề, hoặc đưa ra các đầu bài thách thức cho cán bộ công nhân viên, "đây là cách truyền ngọn lửa để những người nghiên cứu kiên trì sáng tạo".


Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/nhom-sang-che-quyet-dang-ky-doc-quyen-tai-my-vi-tu-ai-4268061.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 831

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)