Thứ hai, 22/03/2021 10:56 GMT+7

Hoạt động sở hữu công nghiệp tại địa phương năm 2020

Hoạt động quản lý nhà nước về SHCN tại các địa phương trong năm 2020 đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

1. Kết quả hoạt động 

1.1. Tổ chức bộ máy và nhân lực quản lý nhà nước về SHCN

So với năm 2019, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về SHCN ở các địa phương trong năm 2020 không có nhiều sự thay đổi. Hiện chỉ có 02 Sở KH&CN có bộ phận chuyên trách quản lý về SHCN (Phòng Sở hữu trí tuệ) là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương còn lại chức năng quản lý SHTT chủ yếu ghép chung với các lĩnh vực khác như công nghệ, an toàn bức xạ... với tên gọi phổ biến là phòng Quản lý chuyên ngành. Về nhân sự, cả nước hiện có 162 cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN tại các Sở KH&CN, trong đó có 44 cán bộ chuyên trách và 118 cán bộ kiêm nhiệm. Tỉ lệ giữa số lượng cán bộ chuyên trách/địa phương chỉ là 0.7 (44/63 cán bộ/địa phương). Tỉ lệ nêu trên cho thấy sự đáng báo động về việc thiếu hụt nhân sự nói chung cũng như số lượng cán bộ chuyên trách về SHCN nói riêng ở hầu hết các địa phương. Do đó, để đảm bảo hoạt động SHCN của các địa phương đồng đều và phát triển hơn nữa, vấn đề quan trọng đang tiếp tục đặt ra đối với các địa phương hiện nay, đó là cần thiết phải ổn định về nhân sự, tăng cường, bổ sung lực lượng cán bộ chuyên trách về SHCN và đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ.

1.2. Công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn hoạt động quản lý nhà nước về SHCN

Trong năm 2020, số lượng các địa phương có ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về SHCN đạt tỷ lệ cao (27/63 địa phương, với tổng số 62 văn bản được ban hành). Thực tế cho thấy mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về SHCN do các cơ quan trung ương ban hành đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, song để đưa các văn bản đó thực sự đi vào cuộc sống, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của mỗi địa phương thì cần tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai và hướng dẫn thi hành. Hoạt động này vẫn luôn là biện pháp quan trọng để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHCN tại địa phương, đặc biệt là trong việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng, cũng như trong việc tăng cường các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan có chức năng nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHCN. 

1.3. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật 

Năm 2020, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT vẫn được các địa phương tiếp tục quan tâm, được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, website...). Cùng với sự phối hợp chặt chẽ của Cục Sở hữu trí tuệ, các địa phương đã thực hiện 36 cuộc hội thảo, tọa đàm, 173 lớp tập huấn với hơn 20.000 lượt người tham dự, hàng trăm lượt tuyên truyền phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc tập huấn, đào tạo kiến thức pháp luật về SHCN cho đối tượng là cán bộ quản lý tại các Sở, ban, ngành,… nhiều địa phương đã mở rộng phạm vi các đối tượng được tập huấn, đào tạo như doanh nghiệp, sinh viên,…với các nội dung có tính chuyên sâu. 

1.4. Công tác hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền SHCN

Công tác hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo vệ quyền SHTT tại địa phương vẫn là hoạt động thường xuyên và được các Sở KH&CN quan tâm, đặc biệt là tại các địa phương có hoạt động kinh tế, đầu tư sôi động. Một số địa phương đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ việc xác lập, bảo vệ quyền SHCN của các tổ chức cá nhân. Việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền ở các địa phương thông qua các dự án tuyên truyền các kiến thức, pháp luật về SHTT với 117 lượt phát sóng trên truyền hình đã góp phần làm chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các nhà sản xuất, kinh doanh về vấn đề bảo hộ quyền SHTT. Điều này thể hiện rõ khi so sánh số liệu các lượt người dân đến xin tư vấn về SHTT tại các Sở Khoa học và Công nghệ tương ứng sau 10 năm (giữa năm 2011 và năm 2020), cụ thể như sau: nhãn hiệu: 596/4052 lượt - tăng gần 7 lần, kiểu dáng công nghiệp: 49/237 lượt – tăng gần 5 lần, sáng chế: 23/141 lượt - tăng hơn 6 lần.

1.5. Công tác thực thi, xử lý xâm phạm quyền SHCN

Năm 2020, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHCN nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái. Theo báo cáo của các địa phương, tính tổng số trên cả nước đã có 2445 vụ xử lý xâm phạm quyền SHCN được thực hiện, trong đó chủ yếu là về nhãn hiệu với 2444 vụ, tổng số tiền phạt là 21.418.597.000 đồng với 203.198.069 sản phẩm bị xử lý. Số liệu nêu trên cho thấy số vụ xâm phạm quyền SHCN đã giảm 32% số vụ (năm 2019 là 3.293 vụ), giảm 23% tổng số tiền phạt (năm 2019 là 26.536.667.000 đồng) so với năm 2019. Số lượng vụ việc xâm phạm quyền giảm cho thấy có sự thay đổi về nhận thức tôn trọng quyền SHTT trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc sụt giảm này còn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động bảo vệ quyền SHCN nói riêng. Việc xử lý xâm phạm quyền SHCN ở các địa phương tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng giả, hàng xâm phạm quyền về nhãn hiệu. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng giả mạo về SHTT.

1.6. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã tiến hành hiệu quả qua 03 giai đoạn với phạm vi mở rộng hơn với những mục tiêu cụ thể, đặc biệt là trên cơ sở nội dung Chương trình, nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của riêng mình. Trong năm 2020, đã có 175 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 15 sáng chế/giải pháp hữu ích được hỗ trợ bảo hộ, khai thác, 276 sản phẩm đặc thù địa phương được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền SHCN, 21 tổ chức tập thể được thành lập để quản lý tài sản trí tuệ cộng đồng, 8461 lượt người được tập huấn, đào tạo về SHTT, 1376 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ về SHTT, 117 lượt phát sóng truyền hình tuyên truyền về SHTT.

1.7. Việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng kiến, sáng tạo

Hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo của các địa phương đang có những bước chuyển biến tích cực, được triển khai ở hầu hết các địa phương, chủ yếu dưới hình thức tổ chức các hội thi, trao giải thưởng sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (thường niên hoặc 2 năm 1 lần). Trong năm 2020, đã có 18 địa phương tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, 25 địa phương tổ chức Hội thi sáng tạo thanh thiếu niên với hàng nghìn giải pháp tham dự cùng hàng trăm giải thưởng được trao. Thông qua các hội thi, những thành quả sáng tạo của các tác giả góp phần cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội đã ghi nhận được. 

Sau khi Nghị định số 13/NĐ-CP ngày 02/3/2019 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến ra đời, một số địa phương đã chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy chế, quy định mới về quản lý hoạt động sáng kiến. Bên cạnh đó, cũng còn một số địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc triển khai hoạt động sáng kiến, đặc biệt là trong việc xem xét, đánh giá phạm vi ảnh hưởng của các sáng kiến. Theo báo cáo từ các địa phương năm 2020, cả nước đã có 38.815 sáng kiến được công nhận trong đó 3.110 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh, tổng số tiền làm lợi do áp dụng sáng kiến là 100.893.065.000 đồng, số tiền trả thù lao, trả thưởng cho các tác giả sáng kiến là 5.397.441.000 đồng và có 1.514 cán bộ được nâng lương trước thời hạn do có sáng kiến được công nhận. Có thể thấy trong thời gian qua, hoạt động sáng kiến trong cả nước đã thành một phong trào rộng khắp, thể hiện sức sáng tạo mạnh mẽ của người lao động Việt Nam.



Đại biểu tham dự lớp tập huấn kiến thức cơ bản về SHTT dành cho cán bộ làm công tác SHTT tại địa phương, từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2020

 

2. Nhận xét, đánh giá 

Công tác quản lý nhà nước về SHCN của các địa phương trong năm 2020 đã đạt được những thành quả nhất định, trong đó có thể kể đến các mặt công tác đạt được hiệu quả tốt, như hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về SHCN, hoạt động tư vấn, hướng dẫn việc đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHCN, công tác thực thi, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHCN và công tác khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng kiến, sáng tạo. Một số địa phương tiêu biểu như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Sơn La, Hà Tĩnh, Cần Thơ, An Giang, Lâm Đồng, Long An, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nam Định v.v... đã thực hiện công tác quản lý nhà nước về SHCN đạt kết quả tốt. 

Những kết quả đó cho thấy hoạt động quản lý nhà nước về SHCN ở các địa phương đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Một số nguyên nhân quan trọng cần được ghi nhận đó là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự cố gắng nỗ lực của các đơn vị, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về SHCN tại địa phương; sự đóng góp của hàng trăm dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của công chúng về việc bảo hộ quyền SHCN tại các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, ở các địa phương như hoạt động bảo vệ quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, cần thiết bổ sung thêm nhân sự, đặc biệt là nhân sự chuyên trách trong công tác quản lý nhà nước về SHCN… trên cơ đó, tìm ra các biện pháp phù hợp để  tiếp tục hoàn thiện hệ thống và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về SHCN trong thời gian tới.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 508

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)