Thứ sáu, 19/02/2021 10:00 GMT+7

Lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia Đông Nam Á

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đề xuất Sáng kiến: "Xây dựng Lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia Đông Nam Á” (Sáng kiến ASEAN 2020 về sản xuất thông minh).

Sáng kiến được Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 tổ chức vào tháng 3 năm 2020 chính thức thông qua là 01 trong 13 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020. Mục đích Sáng kiến nhằm đề xuất lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các nước ASEAN.

Sáng kiến được Hội nghị quan chức kinh tế cấp cao ASEAN (SEOM) giao Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) chủ trì thực hiện, về phía Việt Nam Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã được Lãnh đạo Bộ giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với ACCSQ triển khai thực hiện trong năm 2020.

Bối cảnh quốc tế và khu vực về sản xuất thông minh

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa tiến tới sản xuất thông minh làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa.

Trên thế giới, sản xuất thông minh đã trở thành xu thế. Nhiều doanh nghiệp của các nước có nền sản xuất tiên tiến như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc … nhận thấy tầm quan trọng của sản xuất thông minh và đã tiên phong trong nghiên cứu và áp dụng sản xuất thông minh, trở thành động lực cho nền sản xuất của các nước này. Đồng thời nhiều quốc gia đã có những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất thông minh nhằm tạo ra sự chuyển biến nhanh và sâu rộng, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế. Trong báo cáo về Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN đã nêu khái quát các xu thế này.

Nước Đức với chiến lược Công nghiệp 4.0 nhấn mạnh việc thúc đẩy sản xuất kỹ thuật số phát triển bằng cách tăng số hóa và kết nối với nhau của các sản phẩm, chuỗi giá trị và mô hình kinh doanh, dự kiến sẽ đóng góp 1% mỗi năm vào GDP trong vòng 10 năm và tạo ra tới 390.000 việc làm chỉ riêng ở Đức[1].

Hoa Kỳ đã khởi xướng Hợp tác Sản xuất Tiên tiến và Sản xuất Thông minh giữa Chính phủ, các Viện, Trường Đại học và Doanh nghiệp. Năm 2014, Hội đồng Cố vấn Khoa học và Công nghệ (PCAST) của Tổng thống Hoa Kỳ đã ban hành một báo cáo xác định ba công nghệ sản xuất chuyển đổi ưu tiên hàng đầu: (i) Cảm biến, Kiểm soát và Nền tảng Sản xuất Tiên tiến; (ii) Công nghệ Sản xuất Trực quan, Tin học và Kỹ thuật số; và (iii) Sản xuất Vật liệu Tiên tiến.[2]

Ở Hàn Quốc, học hỏi kinh nghiệm của Đức và Mỹ, Chiến lược thúc đẩy sản xuất thông minh của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOTIE) của Hàn Quốc, cụ thể là “Đổi mới sản xuất Chiến lược 3.0” được công bố vào năm 2014  trong đó xác định thay đổi chiến lược ngành sản xuất chủ đạo từ ngành công nghiệp lắp ráp và định hướng thiết bị hiện tại để cải tiến thành ngành công nghiệp hội tụ mới với bốn chiến lược chính gồm: (i) tăng cường sản xuất thông minh; (ii) tạo ra ngành công nghiệp mới hướng đến nền kinh tế sáng tạo; (iii) đổi mới thông minh sản xuất địa phương và (iv) tổ chức lại doanh nghiệp và tạo nền tảng cho đổi mới.

Trung Quốc tập trung vào cải cách cơ cấu cung ứng để đạt được các mục tiêu bền vững trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng chiến lược Made in China 2025. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả chiến lược này như là một "sáng kiến để nâng cấp toàn diện ngành công nghiệp Trung Quốc" lấy cảm hứng trực tiếp từ Công nghiệp 4.0 của Đức. Trung Quốc đã xây dựng Kế hoạch Phát triển Tích hợp Công nghệ thông tin và Công nghiệp hóa (2016-2020) và Hướng dẫn Hệ thống tiêu chuẩn sản xuất xanh để tăng cường tiêu chuẩn hóa trong sản xuất xanh để thực hiện các sáng kiến này.[3]

Đối với các nước ASEAN, ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất, điện, khí đốt và cung cấp nước, xây dựng cũng như khai khoáng, đóng góp 36,0% tổng GDP năm 2019.[4]

 Tỷ trọng của các khu vực kinh tế chính trong tổng GDP của ASEAN (%), 2005-2019

Công nghiệp là lĩnh vực hàng đầu ở Brunei Darussalam, đóng góp 63,1% vào tổng GDP của cả nước. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp vào GDP cũng ở mức tương tự ở Campuchia với 36,6%, ở Malaysia với 36,7%, ở Myanmar với 36,0% và ở Việt Nam là 36,2%.

 Tỷ trọng của các ngành kinh tế chính trong tổng GDP (%) của các nước thành viên ASEAN, 2019

Các sản phẩm chế tạo chiếm tỷ trọng chính trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong hầu hết các nước ASEAN. Tỷ trọng lớn nhất của các sản phẩm chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được ghi nhận ở Campuchia (95,1%), tiếp theo là Philippines (87,1%), Việt Nam (86,4%) và Thái Lan (81,6%).

Trong khi đó, thị phần sản xuất lớn nhất trong nhập khẩu hàng hóa năm 2019 được ghi nhận ở Việt Nam (84,0%) và Campuchia (81,6%), tiếp theo là Thái Lan (77,5%) và Malaysia (75,8%).

Khu vực công nghiệp, bao gồm khai khoáng, sản xuất, xây dựng và điện, khí đốt và nước, đóng góp 38,9% tổng số việc làm ở Brunei Darussalam, 35,9% ở Malaysia, 35,1% ở Philippines, 32,8% ở Việt Nam, 28,6% ở Thái Lan và 28,5% ở Indonesia. Tỷ trọng việc làm trong lĩnh vực này thấp nhất ở Singapore là 15,1%.[5]

Theo Tạp chí tầm nhìn ngành sản xuất, trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng năng suất lao động chỉ ở mức 0,7% hàng năm. Điều quan trọng đối với tăng năng suất lao động là thúc đẩy sản xuất bằng cách kết nối máy móc, dữ liệu và chuỗi giá trị. Chuyển đổi sang nhà máy thông minh là yếu tố then chốt của năng suất lao động. Ước tính việc áp dụng nhà máy thông minh sẽ tăng lên từ năm 2025 vì hầu hết các nhà sản xuất sẽ tận dụng các công nghệ tiên tiến. Mức tăng năng suất lao động kép hàng năm được dự đoán là 2% từ năm 2019 đến năm 2024 và 2,3% từ năm 2025 đến năm 2030.[6]

Qua những số liệu báo cáo nêu trên cho thấy tầm quan trọng của sản xuất thông minh với nền sản xuất của ASEAN trong dòng chảy sản xuất của thế giới.

Báo cáo về Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh cũng đã cung cấp các thông tin cập nhật về các chính sách, chiến lược về sản xuất thông minh tại các nước ASEAN.

Brunei Darussalam đã đưa ra kế hoạch tổng thể 5 năm đầu tiên của nước ngày vào tháng 6 năm 2020, hướng tới việc chuyển đổi Brunei thành Quốc gia thông minh thông qua Kế hoạch tổng thể về kinh tế kỹ thuật số 2025 gồm các mục tiêu chiến lược (i) số hóa nền công nghiệp (ii) Chính phủ số (iii) công nghiệp số chủ đạo (iv) Phát triển nhân lực và nhân tài.

Cam-pu-chia đặt ra tầm nhìn là trở thành một quốc gia có thu nhập trên trung bình vào năm 2030 và một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Chính phủ cũng đặt mục tiêu “hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số” vào năm 2023, theo như tuyên bố của Bộ Bưu chính và Viễn thông tháng 3 năm 2018.

Đối với Indonesia, “Making Indonesia 4.0” (Kiến tạo Indonesia 4.0) là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chương trình bắt đầu vào đầu năm 2019. Với sự hỗ trợ của chính phủ, các công ty dự kiến sẽ tối đa hóa tiềm năng sẵn có của Indonesia. Making Indonesia 4.0 sẽ mang lại lợi ích kinh tế và việc làm mới cho toàn bộ nền kinh tế.

Lào được Ngân hàng Thế giới xác định là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị của khu vực tuy nhiên vẫn là một thách thức với Lào để lớn mạnh trong khu vực về sản xuất do thiếu nhân lực có kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết.

Malaysia đã đưa ra Chính sách quốc gia về thích ứng với Công nghiệp 4.0 trong đó Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế (MITI) xây dựng chính sách Industry4WRD vào năm 2018. Chính sách này đã định vị các ngành công nghiệp của Malaysia trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách hội tụ thông tin theo cả chiều dọc và chiều ngang. Để tổ chức các công ty phù hợp với các công nghệ liên quan, 11 công nghệ hỗ trợ đã được giới thiệu, ví dụ: thông minh nhân tạo, tương tác thực tế, phân tích dữ liệu lớn, sản xuất bồi đắp (in 3D), rô bốt tự động, v.v. Một lộ trình thực hiện rõ ràng đã được xây dựng để đảm bảo chuyển đổi ngay và liền mạch.

Myanmar có chiến lược tổng thể phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ giai đoạn 2020-2030 trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi sang sản xuất thông minh bằng cách đầu tư vốn với lãi suất đặc biệt và tài trợ.

Philippine xây dựng tầm nhìn của Chiến lược Công nghiệp Đổi mới Toàn diện của Philippines (i3S) của Bộ Thương mại và Công nghiệp (DTI) để xây dựng chuỗi giá trị nhằm tạo ra mối liên kết mạnh mẽ, phát triển khả năng cạnh tranh trên toàn thế giới và tìm kiếm sự đổi mới tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và các ngành dịch vụ. Chính phủ hiện đang triển khai Chương trình Phục hồi Sản xuất (MRP) bao gồm các dự án và tiểu chương trình sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất bao gồm cả chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lĩnh vực sản xuất của Singapore đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước này, đóng góp vào khoảng 20% GDP của Singapore. Với sự thay đổi trong quá trình phát triển của ngành sản xuất, Singapore đã bắt tay vào một loạt các sáng kiến để đảm bảo nền kinh tế sẵn sàng đón đầu làn sóng đổi mới và chuyển đổi.

Chỉ số sẵn sàng cho ngành công nghiệp thông minh (SIRI) được phát triển vào năm 2017 giúp đánh giá mức độ sẵn sàng về sản xuất thông minh của các công ty và xây dựng một lộ trình chuyển đổi toàn diện. Bên cạnh các công cụ SIRI, Singapore cũng đã triển khai các sáng kiến ​​khác để trao quyền cho các công ty chuyển sang môi trường sản xuất thông minh được hỗ trợ bởi dữ liệu và công nghệ tự động hóa. Các sáng kiến ​​này bao gồm: Tech Lab - sáng kiến ​​Nhà máy Mô hình A * STAR của chương trình Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A * STAR) với Hệ sinh thái Kỹ thuật số của Nhà máy Mô hình, bao gồm các nhà máy kiểu mẫu của A * STAR, Viện Nghiên cứu Đại học và Công nghiệp; Tech Access - chương trình tư vấn của A * STAR cung cấp các dịch vụ và thiết bị sản xuất và công nghệ sinh học / y sinh học tiên tiến dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật trong các lĩnh vực này; Tech Depot - một nền tảng tập trung các giải pháp công nghệ và kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một sáng kiến gọi là Thái Lan 4.0 nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến và đang phát triển khác. Chương trình này nhằm khuyến khích các công ty sản xuất sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến như đổi mới, kết nối, tự động hóa, rô bốt, AI, dữ liệu lớn, v.v.

Việt Nam đã xây dựng tầm nhìn, chỉ thị về sản xuất thông minh thông qua Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 trong đó thúc đẩy áp dụng sản xuất thông minh trong các doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN ngày 27 tháng 9 năm 2018 về việc phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đến năm 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0”, Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chương trình Make in Vietnam với mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp ICT trong nước.

Về tổng thể, các nước ASEAN đã và đang có những bước đi khác nhau trong tiếp cận và thúc đẩy sản xuất thông minh. Đề xuất của Việt Nam về sáng kiến xây dựng Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN trở nên cần thiết và mang tính thực tiễn hơn bao giờ hết.

Quá trình thực hiện sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh

Để chuẩn bị cho việc triển khai Sáng kiến, ngay từ đầu năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội nghị trù bị thúc đẩy hợp tác giữa Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) và ASEAN với sự tham dự của đại diện các cơ quan của Việt Nam tại các ủy ban chuyên ngành của ASEAN, đại diện các Bộ ngành liên quan để thảo luận lần đầu tiên về các vấn đề hợp tác giữa APO (APO hiện đang có Trung tâm xuất sắc về sản xuất thông minh và đã triển khai nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này) trong lĩnh vực năng suất trong đó bao gồm nội dung về sản xuất thông minh nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng thư ký và Ban thư ký APO tại Việt Nam về xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO. Qua đó, về cơ bản đã thống nhất và được sự đồng ý của Tổng Thư ký APO về việc hợp tác triển khai Sáng kiến ASEAN về sản xuất thông minh.

Theo đề xuất của Việt Nam, ACCSQ đã thành lập nhóm chuyên gia xây dựng khung lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN với các thành viên đến từ Ban thư ký APO, đại diện 10 nước thành viên ASEAN, đại diện Ủy ban điều phối ASEAN về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI), Ban thư ký ASEAN.

Tổng cục đóng vai trò là thành viên tích cực, điều phối việc trao đổi chính thức về hợp tác giữa ACCSQ và APO trong việc triển khai Sáng kiến, tận dụng các kết quả nghiên cứu đã có của APO để phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các nước ASEAN.

Tổng cục tiến hành khảo sát về sản xuất thông minh tại 10 nước ASEAN với tổng số 93 doanh nghiệp tham gia khảo sát thông qua sử dụng Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh (ViPA - http://vipa.vnpi.vn)” do Viện Năng suất Việt Nam xây dựng. Những kết quả đánh giá từ các doanh nghiệp này góp phần cùng với các đánh giá khách quan trong quá trình tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới hiện nay về sản xuất thông minh góp phần đưa ra các giải pháp về thúc đẩy sản xuất thông minh trong ASEAN.

Với vai trò là Chủ tịch ACCSQ, Tổng cục đã chủ trì tổ chức 3 phiên họp trực tuyến của Nhóm chuyên gia về sản xuất thông minh từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020 và lấy ý kiến xây dựng dự thảo lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các nước ASEAN. Ngày 11/12/2020, tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất do Bộ KH&CN chủ trì tổ chức, dự thảo lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các nước ASEAN đã được Tổng cục, với vai trò Chủ tịch ACCSQ chính thức giới thiệu đến các đại biểu ASEAN, đại biểu các nền kinh tế thành viên APO và đại biểu trong nước.

Ngày 21/01/2021, Báo cáo Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh trong các nước ASEAN đã chính thức được SEOM thông qua.

Báo cáo của Lộ trình và giải pháp thúc đẩy sẩn xuất thông minh trong các nước ASEAN gồm 5 khuyến nghị cùng với các hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất thông minh trong khu vực gồm: i) thúc đẩy nhận thức của các bên liên quan đặc biệt là các doanh nghiệp trong ASEAN về sản xuất thông minh; ii) Tạo điều kiện phát triển các chương trình nghiên cứu và triển khai, thí điểm về sản xuất thông minh như các giải pháp và đánh giá mức độ sẵn sàng về sản xuất thông minh; iii) Hài hòa tiêu chuẩn về sản xuất thông minh trong khu vực và tham gia vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất thông minh khi thích hợp; iv) Tăng cường hợp tác và xây dựng năng lực trong ASEAN, hợp tác với các đối tác đối thoại và các ủy ban chuyên ngành của ASEAN trong triển khai khung lộ trình và giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh; v) Xây dựng chiến lược phát triển sản xuất thông minh ở cấp quốc gia và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ASEAN, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất thông minh ở cấp doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất thông minh.

Trong một thời gian ngắn chỉ vài tháng kể từ khi bắt đầu triển khai năm 2020 và trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động toàn diện đến toàn thế giới, nhưng với tinh thần trách nhiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ/Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thúc đẩy việc xây dựng Lộ trình và các giải pháp cụ thể thúc đẩy sản xuất thông minh thành công. Trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ triển khai Lộ trình này trong khu vực. ACCSQ là cơ quan chủ trì thực hiện, phối hợp với các đối tác và các Ủy ban liên quan của ASEAN. Do đó, trách nhiệm đặt ra đối với Việt Nam là phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN thực thi có hiệu quả Lộ trình này, đóng góp vào hội nhập khu vực và hỗ trợ các doanh nghiệp nhất là từ góc độ tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp cũng như cung cấp các mô hình điển hình về sản xuất thông minh để các doanh nghiệp nghiên cứu và áp dụng.


[1] Đức 4.0: tương lai sản xuất, Báo cáo hội nghị thượng đỉnh về số hóa và sản xuất toàn cầu, tháng 10/2019

[2] Báo cáo Ủy ban chỉ đạo PCAST AMP – Thúc đẩy sản xuất tiên tiến tại Hoa Kỳ, 27/10/2014

[3] Tương lai sản xuất – Trung Quốc, Báo cáo hội nghị thượng đỉnh về số hóa và sản xuất toàn cầu, tháng 10/2019

[4] ASEAN qua những con số 2020, Cổng thông tin ASEANstats  (https://www.aseanstats.org/publication/akf_2020)

[5] ASEAN qua những con số 2020, Cổng thông tin ASEANstats  (https://www.aseanstats.org/publication/akf_2020)

[6] https://www.themanufacturingoutlook.com/news/how-is-smart-manufacturing-affecting-productivity-growth-nwid-62.html

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/lo-trinh-giai-phap-thuc-day-san-xuat-thong-minh-cho-cac-quoc-gia-dong-nam-a-d183868.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 1929

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)