Thứ bảy, 23/01/2021 15:27 GMT+7

Chuyển đổi số - Hành trình của hiện tại và tương lai

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ... tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ lõi, công nghệ số. Đây là một trong những khâu quan trọng để nền kinh tế số có thể hình thành và phát triển. Đây cũng là một trong nhiều nét mới trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này.

 Chuyển đổi số là tất yếu hiện nay (Ảnh tư liệu)

Mới đây nhất, tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam lần đầu tiên (9-10/1/2021), tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng, một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ là thúc đẩy đổi mới sáng tạo vì đây là "chìa khóa thành công" và một trong những "lợi khí" quan trọng nhất trong chiến lược phát triển.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và Khởi công xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Ảnh: HNV)

"Đổi mới sáng tạo là yếu tố nội sinh quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, chính công nghệ mới, cùng với nguồn nhân lực phù hợp, có khả năng sử dụng và kiểm soát công nghệ mới là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã dần trở thành xu thế không thể đảo ngược, mở ra cho mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân cơ hội phát triển chưa từng có, gắn với đó là những thách thức và yêu cầu phải tự điều chỉnh.

Như chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World) theo hình thức trực tuyến hồi cuối tháng 10 vừa qua, chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về tư duy thiết kế và nội dung chính sách ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Nhiều điều ngày hôm qua, hôm nay là đúng nhưng sẽ phải thay đổi và phải thay đổi rất nhanh.

“Là một quốc gia đang phát triển, hơn 30 năm qua Việt Nam đã duy trì được môi trường ổn định, hợp tác, phát triển và tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm ít nước cao nhất thế giới. Trong nỗ lực và kết quả đó có sự góp phần quan trọng - nhiều thời điểm có tính mở đường - của ngành viễn thông và công nghệ thông tin. Xác định sự cần thiết thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để phục vụ con người, để không ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một Chương trình chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu, giải pháp cụ thể” – Phó Thủ tướng thông tin.

Chuyển đổi kỹ thuật số đã luôn là đề tài nóng hổi tại các hội nghị trên toàn thế giới trong nhiều năm và giai đoạn này được dự đoán là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo lên kế hoạch và thực hiện việc chuyển đổi này trong tất cả các ngành công nghiệp.

Hầu hết các giám đốc điều hành cấp cao thừa nhận rằng vai trò của công nghệ số đang thay đổi từ việc thúc đẩy hiệu quả trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới trong doanh nghiệp. Trong tương lai, doanh nghiệp cần phải đổi mới và chuyển đổi số để không trở thành kẻ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài ngành.

85% những người giữ vai trò ra quyết định quan trọng trong doanh nghiệp cho biết họ chỉ có 2 năm để nắm vững về chuyển đổi kỹ thuật số. Vì vậy, để chuyển đổi số thành công, thì doanh nghiệp đã phải bắt đầu hành trình này từ sớm ít nhất là vài năm.

Trong thời đại bị chi phối bởi người tiêu dùng, việc áp dụng các công nghệ làm nhiệm vụ theo dõi, đo lường và phản ứng với những thay đổi quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng sẽ đóng vai trò lớn trong sự thất bại hoặc thành công của một doanh nghiệp. Tự động hóa và AI đang đóng vai trò lớn trong việc tìm hiểu và quan sát về nhu cầu, hành vi, insight của khách hàng.

Để thành công trong tương lai, các nhà lãnh đạo kỹ thuật số cần ưu tiên tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng và nâng cao kết quả kinh doanh trên nhiều kênh, kết nối các điểm quan trọng giữa con người, thông tin và hệ thống.

Tất nhiên, mặc dù công nghệ là trọng tâm của sự chuyển đổi số nhưng công nghệ không phải là tất cả. Các nhà quản lý, các giám đốc điều hành cấp cao cần phải nuôi dưỡng văn hóa cơ quan, văn hóa doanh nghiệp một cách đúng đắn, coi trọng nhân tài. Ngoài ra, xây dựng một cấu trúc điều hành hiệu quả cho tổ chức cũng là điều cần thiết.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Trung ương, địa phương tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 và Khởi công xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Ảnh: MPI)

Sự phát triển nhanh mạnh của cách mạng 4.0 đang có nhiều tác động tới sự phát triển. Trong đó, có nội dung về chuyển đổi số. Ở kỷ nguyên 4.0 và nền kinh tế số toàn cầu, mọi tổ chức đều quan tâm đến chuyển đổi số bởi những hiệu quả và lợi ích về kinh tế, xã hội. Các chính phủ và rất nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới.

Trên thế giới, chuyển đổi số đã được nhắc đến như một xu hướng tất yếu. Chính phủ và nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang sử dụng công nghệ số để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và phát triển tạo ra giá trị mới nhằm tăng cường sự hài lòng của khách hàng cũng như tìm kiếm thị trường mới.

Do đó, chuyển đổi số chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cả quốc gia nói chung phát triển nền kinh tế vẫn còn tồn tại sự “lạc hậu” và đẩy mạnh tiến độ, bắt kịp xu hướng thời đại. Nhưng đây cũng chính là thách thức lớn đối với quốc gia khi hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đúng vai trò của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0./.

Liên kết nguồn tin: https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/146235/Chuyen-doi-so---Hanh-trinh-cua-hien-tai-va-tuong-lai.html
 

 

Lượt xem: 1132

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)