Thứ ba, 19/01/2021 11:39 GMT+7

Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam - hướng tới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các thói quen sử dụng không gian số, bối cảnh dịch bệnh khó lường… đã và đang tác động trực tiếp đến hành vi và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Chính vì vậy, việc làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dự báo xu hướng, xây dựng chiến lược, đặc biệt là đề xuất các giải pháp định hướng văn hóa tiêu dùng mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết.

Hội đồng nghiệm thu đề tài ngày 15/1/2021.

Đánh giá thực trạng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam của người Việt Nam trên quy mô lớn

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và sự đa dạng trong nguồn cung cấp hàng hóa trên thị trường, để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt vững mạnh trong nước, đủ tiềm năng hội nhập kinh tế quốc tế, việc triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu “Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” là một nhiệm vụ khoa học cần thiết và cấp thiết, bởi người tiêu dùng chính là nhóm đối tượng mục tiêu của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Việc làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dự báo xu hướng, xây dựng chiến lược, đặc biệt là đề xuất các giải pháp định hướng văn hóa tiêu dùng sẽ là cơ sở quan trọng thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, kích cầu sử dụng hàng Việt Nam, hướng tới kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Tại buổi nghiệm thu Đề tài “Văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” ngày 15/1/2021 mới đây (Đề tài thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016- 2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”), PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, Viện Khoa học xã hội, chủ nhiệm đề tài đã báo cáo khái quát tình hình nghiên cứu và kết quả thực hiện đề tài. Cụ thể, đề tài đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Xác định một số vấn đề lý luận về văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, dự báo xu hướng văn hóa tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới; Đề xuất kiến nghị và giải pháp định hướng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay.

Đề tài đã có một số bài viết được đăng tại những tạp chí khoa học có uy tín như tạp chí xã hội học, tạp chí văn hóa học, tạp chí kinh tế chính trị thế giới. Một số kết quả của đề tài là tài liệu tham khảo có giá trị. Đề tài đã thu hút trực tiếp 2 học viên cao học sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài để viết luận văn thạc sĩ. Kết quả nghiên cứu của đề tài được chuyển giao tới Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Bộ Công thương.

Trên bình diện thực tiễn, đề tài đã góp phần đánh giá thực trạng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam của người Việt Nam trên quy mô lớn, độ bao phủ và nội dung tương đối rộng. Việc sử dụng phương pháp nghiên cứu xã hội học cho phép thu thập những thông tin cập nhật, sát thực tế, cũng là kênh cung cấp thông tin hai chiều, tiếp tục thông tin đến người tiêu dùng về cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đề tài cũng tìm hiểu đặc điểm văn hóa, tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam, quan điểm, thái độ, hành vi, nhu cầu sẽ là cơ sở để có những tác động phù hợp, nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn hành vi tiêu dùng. Đề tài đã khảo sát định lượng 3000 mẫu tại 9 tỉnh thành phố (Bắc, Trung, Nam) để khảo sát, thu thập thông tin phục vụ nghiên cứu.

Hướng tới mục tiêu thúc đẩy niềm tin, kích cầu sử dụng hàng Việt Nam

Đây cũng là mục tiêu của Đề tài hướng đến. Những kết quả có được trong nghiên cứu này sẽ tác động tích cực, đa chiều đến người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách.

Đề tài cũng được kỳ vọng, góp phần mở ra một giai đoạn mới trong thói quen mua sắm của mọi tầng lớp nhân dân, hướng tới một xã hội tiêu dùng mà hàng Việt Nam là trung tâm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam cần có định hướng rõ ràng, cụ thể trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, chủ chương chính sách của Đảng và Nhà nước để phát huy tốt nhất tính hiệu quả và vai trò thúc đẩy phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hướng tới nền kinh tế phát triển bền vừng rất cần có sự tiêu dùng bền vững, và văn hóa tiêu dùng sẽ là cơ sở duy trì tiêu dùng bền vững bởi giá trị định hướng và vai trò kiểm soát hành vi. Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam là việc làm cần thiết bởi khi việc tiêu dùng hàng Việt Nam trở thành thói quen văn hóa thì cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tiếp tục phát huy và nâng cao được tính hiệu quả với nhiều thành công mới.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đã có những đóng góp để hoàn thiện hơn nữa đề tài. Cụ thể, PGS.TS Cao Thu Hằng, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt nam cho rằng, diện mạo, hành vi của người tiêu dùng Việt Nam từ xưa đến nay đã có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt cần tính đến bối cảnh dịch bệnh (dịch Covid-19), tính thời sự cập nhật của đề tài trong bối cảnh thời sự chung cũng cần được đề cập đến. Câu hỏi đặt ra, trong bối cảnh dịch bệnh như vậy, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam có thay đổi như thế nào? Còn TS Trịnh Thị Thanh Thủy, Bộ Công thương nhấn mạnh đến văn hóa tiêu dùng trong bối cảnh hội nhập, vì rõ ràng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thói quen tiêu dùng online thay vì offline đã thể hiện rất rõ. Hiện nay, chỉ cần ngồi ở Việt Nam, người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng mua đồ các nước một cách dễ dàng…

Tất cả các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng đã được PGS.TS Nguyễn Thị Minh Ngọc nghiêm túc, cầu thị ghi nhận và sẽ được bổ sung một cách đầy đủ nhất trong đề tài. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua với mức đạt.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4521

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)